.

Học Bác, lòng ta trong sáng hơn

.

Chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ”. Tháng 5, mùa sen nở, nhớ Bác vô cùng, xin có đôi điều trao đổi góp bàn về đạo đức cách mạng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo thành phố tuyên dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tích cực Cuộc vận động
Lãnh đạo thành phố tuyên dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tích cực Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ảnh: NGUYỄN THÀNH

1- Nói đến đạo đức cách mạng, đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta ai cũng nghĩ ngay đến những giá trị, những chuẩn mực mà Bác thường dạy bảo, yêu cầu chúng ta phải tu dưỡng: cần kiệm liêm chính - chí công vô tư.

Bác Hồ nói đến những khái niệm này từ rất sớm. Trong Đường Cách Mệnh (1925), cuốn sách nhỏ tập hợp các bài giảng của Người tại các lớp huấn luyện chính trị dành cho thế hệ cán bộ đầu tiên của các tổ chức tiền thân của Đảng ở Quảng Châu, đặt cơ sở cho việc hình thành đường lối và phương pháp cách mạng Việt Nam, ngay trang đầu, dòng đầu, Người đã nêu: “Về tư cách một người cách mạng. Tự mình phải: Cần kiệm”.

Trước khi vĩnh biệt chúng ta, trong Di chúc, Người lại căn dặn chúng ta: “Thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính - chí công vô tư”.

Trong nhiều bài nói và viết suốt gần 5 thập kỷ, Người đã nhiều lần đề cập cần kiệm liêm chính - chí công vô tư. Người còn dành nhiều bài báo, sau đó được xuất bản thành sách, tập trung luận giải sâu và đầy đủ về nội dung này.

Có thể kể ra đây:

Đời sống mới (tháng 3-1947) ký tên Tân Sinh.

Sửa đổi lối làm việc (tháng 10-1947) ký tên X.Y.Z.

Cần, kiệm, liêm, chính (1949) ký tên Lê Quyết Thắng.

Trong chương 3 Sửa đổi lối làm việc: Tư cách và đạo đức cách mạng, sau hai lần nhắc tới cần kiệm liêm chính, Người chỉ rõ đạo đức cách mạng có 5 tính tốt: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Cũng năm 1947, trong bài nói chuyện khi dự lễ bế mạc lớp bổ túc cán bộ trung cấp quân đội, Người cũng nói: Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều Trí, Tín, Nhân, Dũng, Liêm (chỉ có một chỗ khác với trong Sửa đổi lối làm việc Nghĩa được thay bằng Tín).

2- Các giá trị, chuẩn mực đạo đức cách mạng thường được Người diễn đạt bằng các từ Hán - Việt, khá phổ biến trong sách vở Trung Hoa cổ, có vẻ như chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, mang phong vị Nho sĩ. Khi luận giải, Người còn dẫn thuật lời của Khổng Tử, Mạnh Tử, Tăng Tử.

Chúng ta đều biết, nước ta bị Bắc thuộc gần 10 thế kỷ. Văn hóa Trung Hoa trong đó có Khổng giáo có ảnh hưởng lớn. Nhưng mặt khác đạo Khổng khi vào Việt Nam đã được Việt Nam hóa, hơn thế còn có hiện tượng đồng hóa ngược (xem Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, trang 272, 273. Lê Mạnh Thát).

Rõ ràng ở đây khi Người dùng những từ Hán-Việt ấy, các chuẩn mực, các giá trị đạo đức dù có cái vỏ ngôn ngữ Hán - Việt, đã được Việt hóa, đã thành ngôn ngữ của đại chúng, dễ hiểu, dễ nhớ.

 Năm 1946, ở Hà Nội, khi tiếp đoàn cán bộ Ủy ban Vận động đời sống mới, lúc nghe Người nói: “Đời sống mới là thực hành cần kiệm liêm chính” có vị đã thưa với Người “E rằng như thế có cổ quá không”. Người vui vẻ đáp lại “Cơm ta ăn có cổ không, nước ta uống có cổ không” và giải thích thêm “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm”.

Giả sử như bây giờ ai đó chủ trương một cuộc thi tìm những từ khác để thay thế cho cụm từ Cần kiệm liêm chính - chí công vô tư sao cho thuần Việt hơn, dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Chắc chắn dư luận sẽ cho người đó là có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

3- Luận giải của Bác về các giá trị, các chuẩn mực đạo đức thường rất cụ thể, gần gũi ai cũng hiểu. Những việc, những thí dụ Người nêu ra để học tập có khi rất nhỏ, rất đời thường.

Như Người tính rằng, một chiếc bì thư tốn 180cm2 giấy và để thực hành tiết kiệm, Người dùng một chiếc bì thư hai, ba lần. Bác thường lấy một miếng giấy trắng nhỏ vuông vức dán lên chỗ có đề chữ của bì thư để dùng lại.

Và Người xác định những nguyên lý có ý nghĩa phổ quát của đức kiệm “Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho Tổ quốc, cho đồng bào thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm… Ăn sang, mặc đẹp trong lúc đồng bào đang thiếu cơm, thiếu áo là xa xỉ”.

Trong hoàn cảnh ngày nay có thể không cần phải dùng một chiếc bì thư hai ba lần. Nhưng những nguyên tắc về kiệm mà Người nêu thì vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa.

Ở tầng sâu trong cốt lõi của sự thực hành đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính - chí công vô tư của Người, ta thấy rõ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tình nghĩa đồng bào, chủ nghĩa nhân đạo.

Người dặn chúng ta “Chớ bỏ qua những việc tưởng là tầm thường. Hai cô gái đi đường thấy cái hố nhỏ ở vỉa hè rủ nhau lấy đất lấp lại cho đồng bào khỏi vấp ngã. Một người nông dân đi giữa trời mưa thấy mấy bao gạo của Nhà nước không có gì che phủ, đã lấy tấm ni-lông của mình đậy lại… Tất cả những việc làm như vậy đều nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta… Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình, muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế”.

Người luôn nhắc chúng ta phải sống cần kiệm liêm chính vì nước còn nghèo, dân còn khổ. Người dạy chúng ta “Có cần cộng với kiệm thì bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước trên thế giới”.

4- Hồ Chủ tịch đã trải qua một cuộc đời oanh liệt đầy gian khổ hy sinh vô cùng cao thượng và phong phú. Người đã để lại cho chúng ta tấm gương đạo đức trong sáng và đẹp đẽ trong mỗi cử chỉ, lời nói và cả trong những vật dụng Người dùng hằng ngày - chiếc quạt lá cọ, đôi dép cao su.

Người thường để lại đĩa thịt gà

Và ăn hết mấy quả cà xứ Nghệ

Không nói to và đi rất khẽ cả trong vườn

(VIỆT PHƯƠNG)

Có lẽ trên thế gian này không có lãnh tụ Đảng nào, không có nguyên thủ quốc gia nào lại dành nhiều tâm sức cho việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấu đáo, thiết thực và sâu sắc như Người.

Giờ đây, đọc lại Di chúc của Người, chúng ta hiểu vì sao ngay sau một mệnh đề chỉ rõ đặc điểm của giai đoạn hiện nay “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” Người lại nghiêm khắc yêu cầu “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính - chí công vô tư”.

Tất cả chúng ta đều hiểu những yêu cầu ấy là công việc hằng ngày và suốt đời, là những việc không hề dễ nhưng không phải là không thể thực hiện được và chỉ khi nào học tập gắn liền với làm theo thì mới có thể nói là thật sự.

Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) bàn và ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Đặc biệt, có một câu hỏi lớn rất day dứt, trăn trở lâu nay cần được trả lời cặn kẽ là: Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu? Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn…?”.

Câu hỏi lớn đó phải là sự tự vấn nghiêm túc và chân thành của mỗi chúng ta trong những ngày tháng 5 nhớ Bác vô cùng này.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.