.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Coi bệnh nhân như người nhà

Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thành phố Đà Nẵng có gần 350 bệnh nhân, nhưng chỉ có 1 bác sĩ, 1 dược sĩ, 4 y sĩ và 1 y tá. Những thầy thuốc này không chỉ chuyên sâu một khoa, mà phải biết hết tất cả các khoa, kể cả hộ sinh. Bởi lẽ, không ít bệnh nhân trước khi vào trung tâm đã có thai và chính những người thầy thuốc nơi đây đã làm bà đỡ khi họ đến kỳ khai hoa nở nhụy.

Bệnh nhân N.T.N ở khu D khi sắp sinh còn lên cơn la hét, vùng vẫy, khiến những người thầy thuốc phải ôm giữ, xoa bóp hàng mấy tiếng đồng hồ. Khi đưa N. lên bàn sinh, bác sĩ Nguyễn Thái Nguyên (Trưởng Phòng Y tế) và y tá Ngô Thị Hồng phải hướng dẫn và hết lời động viên để N. “vượt cạn”. Rồi khi cháu bé chào đời, sản phụ cứ trố mắt nhìn đứa trẻ, mỉm cười và hoàn toàn chẳng biết việc gì vừa xảy ra. Riêng đứa trẻ đã được đưa sang nuôi dưỡng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố.

Bác sĩ Thái Nguyên tâm sự: “Làm theo lời Bác dạy “Người thầy thuốc giỏi phải đồng thời như người mẹ hiền”, chúng tôi luôn động viên nhau thực hiện thật tốt y tâm, y đức, dù có lúc bị bệnh nhân lên cơn động kinh, la quát, mắng mỏ, nhưng hàng chục năm qua, chưa có ai trong chúng tôi kêu ca hay thoái thác nhiệm vụ”.

Bằng tấm lòng vì người bệnh cùng với sự nỗ lực tìm tòi, học hỏi, những thầy thuốc ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thành phố đã chữa lành nhiều ca bệnh phức tạp. Điển hình như bệnh nhân N.V.T ở khu C, bị nhũn não, sức khỏe rất yếu, đi đứng khó khăn. Vừa điều trị bằng thuốc, vừa luyện tập hằng ngày hơn nửa năm, T. mới đi lại được. Những ngày lễ, ngày nghỉ, các thầy thuốc nơi đây cũng làm việc như ngày thường, vì ngày thường và ngày lễ đối với bệnh nhân tâm thần chẳng có gì khác nhau.

Bệnh nhân H.T.N (Khu A) bị lao hạch vỡ, rất hôi, chính người nhà của N. mỗi khi đến thăm còn tránh né. Vậy mà y sĩ Nguyễn Văn Tuấn ngày nào cũng tỉ mỉ rửa vết thương và thay băng cho N., vừa làm, vừa nhẹ nhàng động viên N. ngồi im. Y sĩ Nguyễn Văn Nhân và y tá Lê Văn Bình (phụ trách điều trị khu Kích động) mỗi lần phát thuốc, cố khuyên bệnh nhân uống ngay; khi bệnh nhân ăn cơm, vừa lo phụ với các điều dưỡng nhắc từng người ăn hết khẩu phần, vừa lo canh chừng kẻo các đối tượng khỏe ăn luôn phần cơm của người khác. Anh Bình cho biết, bảo bệnh nhân nằm xuống để tiêm thuốc hoặc lấy máu xét nghiệm thì phải thật nhẹ nhàng, vừa bảo, vừa khen, vừa thể hiện sự thương yêu, quý mến, thì mới thực hiện được.

Không chỉ riêng khu Kích động, mà đối với tất cả bệnh nhân, các thầy thuốc đều hết mực ân cần, nhã nhặn, kết hợp điều trị bệnh lý và điều trị tâm lý một cách nhuần nhuyễn, mặc dù vẫn có lúc bị nạn do hành vi vô thức của bệnh nhân khi lên cơn động kinh. “Chúng tôi còn tận dụng một số bài thuốc nam để chữa bệnh cho bệnh nhân và luôn nêu cao phương châm kết hợp tây y và đông y trong điều trị, mà sinh thời Bác Hồ từng dạy”, bác sĩ Thái Nguyên chia sẻ.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.