.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Làm kinh tế giỏi, làm từ thiện nhiều

.

Chị Vũ Thị Kim Liên sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hiện ở tổ 51, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Ba mẹ chị hy sinh khi chị tròn hai tuổi. Chị lớn lên trong sự cưu mang, che chở của họ hàng, bà con chòm xóm và những đồng đội của ba mẹ. Tuổi thơ trải qua những tháng ngày vất vả, bươn chải kiếm sống để nuôi em nhưng chị vẫn hoạt động cách mạng hết sức sôi nổi. Chị nhớ có lần đi rải truyền đơn bị địch phát hiện, mặc dù bị tra tấn hết sức dã man nhưng chị không hề hé răng một lời. Năm ấy chị 11 tuổi. Sau đó, chị tham gia du kích mật và trở thành đội trưởng đội diệt ác xã Duy Tân. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chị vẫn khắc sâu lời thề với Đảng, với nhân dân và nguyện chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Chị Liên trong trại của mình.
Chị Liên trong trại của mình.

Sau giải phóng năm 1975, chị công tác ở nhiều cơ quan dân sự và nghỉ hưu năm 1989. Trở về cuộc sống đời thường với hai bàn tay trắng, chồng mất, một mình chị phải bươn chải nuôi 2 đứa con ăn học thành người. Với suy nghĩ táo bạo, chị quyết định đầu tư kinh doanh. Ban đầu, với số vốn ít ỏi chắt chiu được, chị mở tiệm tạp hóa bán đủ các mặt hàng. Năm 2004, chị mua 1.500m2 đất trên núi Sơn Trà để mở khu du lịch sinh thái. Khi khu du lịch sinh thái giải tỏa, chị mua đất làm trang trại ở khu vực cầu Mân Quang. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, chị xây dựng cơ sở trồng nấm, nuôi cá, nuôi dế, trồng cây keo… cung cấp cho các chợ và nhà hàng với giá rẻ hơn thị trường. Trang trại của chị đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hiện nay, chị mua thêm đất để mở khu du lịch sinh thái với tổng diện tích khoảng 3.000m2. Khả năng làm kinh tế của chị Liên khiến nhiều người phải nể phục. Đôi lúc chị tưởng chừng như kiệt sức nhưng nghĩ đến con, nghĩ đến bao nhiêu việc còn chưa làm được, chị lại đứng lên. Bạn bè chị nhiều lần khuyên chị nghỉ ngơi nhưng với chị còn sống là còn làm, làm hết mình không chỉ vì gia đình mà còn vì xã hội. Chị tâm niệm: “Ở đâu khó khăn nhất là ở đó có dấu chân người phụ nữ”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Liên còn là người làm từ thiện rất tích cực. Chị tâm sự: “Tuổi thơ tôi trải qua những tháng ngày gian khó, bây giờ có điều kiện giúp được người nào thì giúp”. Ông Hà Quốc Lân, Trưởng Ban Tuyên giáo phường Thọ Quang chia sẻ: “Bất cứ hoạt động từ thiện nào ở địa phương, chị Liên cũng là người tham gia ủng hộ đầu tiên”. Chị không nhớ rõ mình đã giúp đỡ được bao nhiêu trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, những em bé mồ côi, những người khuyết tật, những sinh viên nghèo… nhưng những con người đó vẫn nhớ đến chị và coi chị như người thân trong gia đình. Mỗi năm, chị dành thời gian về Duy Xuyên một vài lần để đền đáp công ơn những người đã nuôi dưỡng chị và đóng góp xây dựng quê hương. Chị cũng đã đi tham quan mọi miền đất nước và đến đâu chị cũng tích cực làm từ thiện.
Chị Liên còn là người hoạt động văn hóa-văn nghệ sôi nổi. Chị tham gia nhiều chương trình văn nghệ của địa phương và thành phố. Những câu dân ca chị hát với giọng ấm áp, truyền cảm luôn làm xúc động lòng người cũng như những việc chị làm cho đời thật cao quý. Chị tâm sự: “Lúc nào tôi cũng cảm thấy hạnh phúc và đầy đủ vì sống giữa tình thương của quê hương, của đồng đội và bà con”.

Mỗi lần nhắc đến đồng đội, nhắc đến tuổi thơ và miền quê Duyên Xuyên, chị không nén nổi niềm xúc động. Mắt chị rưng rưng khi nhớ lại những tháng ngày gian khó nhưng oanh liệt cùng chiến đấu bên đồng đội. Mỗi khi đến các nghĩa trang liệt sĩ, thắp nén nhang tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, chị chỉ cầu mong có được sức khỏe để làm nhiều việc có ích cho đời.

Chia tay chị vào một buổi chiều cuối tháng tư, lòng tôi như se lại. Chị - người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé nhưng những việc chị làm không hề nhỏ bé.

Bài và ảnh: LÊ NỮ HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.