.

Khó khăn trong xây dựng tổ chức Công đoàn

.

Năm 2011, trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra 3 vụ đình công của công nhân ở một số doanh nghiệp (DN) trong các KCN, nhưng mới 4 tháng đầu năm nay đã xảy ra 3 vụ đình công. Nguyên nhân sâu xa chính là mâu thuẫn giữa lợi nhuận của người sử dụng lao động (SDLĐ) và lương của người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, cả 2 bên vẫn có thể tìm được tiếng nói chung nếu có tổ chức Công đoàn cơ sở (CĐCS), trên tinh thần cùng có thiện chí và xây dựng.

Bữa cơm ca của công nhân Công ty CP Dệt may 29-3.
Bữa cơm ca của công nhân Công ty CP Dệt may 29-3.

Thực tế từ các vụ đình công vừa qua cho thấy, các vụ đình công chỉ tập trung ở một số DN và điểm chung nhất là những nơi này không có tổ chức Công đoàn, có nhưng CĐCS yếu, không phát huy được vai trò, hoặc do chủ SDLĐ không tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động.

Lấy ví dụ tại Công ty TNHH May mặc Ba Sao có 100% vốn của Hàn Quốc với 800 công nhân. Tính cả vụ đình công gần nhất xảy ra vào ngày 8-4-2012 thì 4 năm liên tục (từ năm 2009 đến nay), năm nào ở công ty cũng xảy ra đình công, nguyên nhân từ vấn đề tiền lương, định mức lao động. Trong các năm từ 2009 đến 2011, nguyên nhân dẫn đến đình công là do công ty không công khai lịch nghỉ Tết và tiền lương, thưởng Tết, nên công nhân bức xúc và tự phát đình công. Vụ đình công vào ngày 8-4-2012 vừa qua có phát sinh thêm nguyên nhân khác là do thay đổi định mức lao động nhưng không thay đổi đơn giá tiền lương. Được biết, do nhiều tháng liền không có đơn hàng, nên khi công ty nhận được đơn hàng từ công ty “mẹ” ở Bình Dương, để bảo đảm thời gian giao hàng, công ty đã ép định mức công nhân cao hơn bình thường. Mọi vụ đình công nói trên có thể được giải quyết ổn thỏa nếu có tổ chức Công đoàn đủ mạnh và được chủ SDLĐ tạo điều kiện hoạt động. Theo đánh giá của Công đoàn các KCN Đà Nẵng thì chủ SDLĐ không tạo điều kiện, liên tục thay đổi nhân sự Công đoàn, có năm Công đoàn các KCN phải 2 lần ra quyết định thay đổi nhân sự cán bộ Công đoàn.  Hay như nguyên nhân vụ đình công của Công ty TNHH Sài Gòn Knit wear xảy ra đầu năm 2012 là do công ty tự ý tăng định mức sản phẩm và giảm đơn giá tiền lương. Công ty đã tăng định mức sản phẩm từ 4 áo/ca lên 4,8 áo/ca/một công nhân với lý do là phải làm như vậy mới đủ lương như bình thường, nếu không làm được sẽ bị phạt. Dù cố gắng đến mấy thì một công nhân trong một ca chỉ có thể làm tới 4,3 áo là cùng, nhưng số công nhân đạt được định mức này chưa quá 10% số lao động. Vì vậy, công nhân đã tự lãn công và đình công. Sau khi có sự can thiệp của Liên đoàn Lao động thành phố và các cơ quan chức năng của thành phố, vụ đình công mới chấm dứt, với định mức mới được đa số công nhân thỏa thuận là 4,3 áo, kèm theo đó là giữ nguyên đơn giá tiền lương.

Bà Đinh Thị Thanh Hà, Chủ tịch Công đoàn các KCN Đà Nẵng cho biết, đến nay, gần 80% DN trong các KCN có tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, chỉ có 37/100 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có tổ chức Công đoàn. Nhìn chung, các DN có tổ chức Công đoàn đều ký được Thỏa ước lao động tập thể giữa người SDLĐ với tổ chức Công đoàn. Các chế độ được công khai, nhất là định mức, tiền lương và các chế độ khen thưởng khác. Ngoài ra, thông qua tổ chức Công đoàn, nhiều DN đã hỗ trợ tiền nhà, tiền xăng cho công nhân nhằm giảm bớt khó khăn cho họ. Rất nhiều DN còn có chế độ nghỉ tham quan định kỳ cho công nhân như Công ty Daiwa (100% vốn của Nhật Bản). Ông Maxwell Lang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lâm sản Việt Lang đã phối hợp với Công đoàn lập quỹ “Vì công nhân, lao động nghèo” để hỗ trợ công nhân, bản thân ông đóng 10.000 USD. Quỹ này được sử dụng vào việc thưởng cho con công nhân học giỏi, hỗ trợ những gia đình khi gặp hoàn cảnh khó khăn… Tại Chi nhánh Công ty CP Nhựa Chin Huei, khi ông Lu Kuo Chang về làm giám đốc (từ năm 2010) đã tạo điều kiện thành lập Công đoàn, vì vậy, giữa giám đốc và công nhân luôn tìm được tiếng nói chung, không xảy ra tình trạng lãn công, đình công, đời sống của người lao động được quan tâm. Năm 2012, lần đầu tiên, công ty tổ chức được Hội nghị NLĐ.

Ngược lại, một số DN Việt Nam như Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ lắp máy miền Nam từ năm 2008 đến nay, mặc dù đã có BCH Công đoàn lâm thời nhưng không đại hội được, do lãnh đạo công ty chỉ hứa mà không làm, không tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động. Hoặc như Công ty TNHH Nhật Hoàng có tổ chức Công đoàn nhưng hoạt động rất kém, còn Công ty TNHH Hải Thanh không vận động thành lập tổ chức Công đoàn được.

Công đoàn là cầu nối và là trung gian để giúp cho người SDLĐ và NLĐ tìm được tiếng nói chung để cùng xây dựng doanh nghiệp. Vậy nhưng xem ra việc xây dựng và tổ chức hoạt động Công đoàn còn lắm gian nan.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.