Cùng với sự lấn chiếm vỉa hè để làm nơi bán hàng, lòng đường còn bị tận dụng làm nơi để xe. Có những đoạn đường còn bị làm nơi họp chợ.
Cứ từ 4 giờ chiều, hàng chục hộ tràn xuống lòng đường Nguyễn Cảnh Chân buôn bán. |
Biến lòng đường thành chợ
Cứ khoảng từ 3 giờ sáng hằng ngày, đường Vũ Ngọc Phan nằm trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu) lại xuất hiện những xe hàng từ các nơi tụ tập về. Chẳng mấy chốc, nơi này trở nên tấp nập người mua kẻ bán, làm xáo trộn cả khu phố, phá vỡ bầu không khí yên tĩnh trong đêm. Những thứ hàng được giao dịch tại “chợ sớm” này chủ yếu là rau củ quả và người mua người bán chủ yếu là lái buôn. Khi vỉa hè hết chỗ lại tràn xuống lòng đường, chiếm dụng lối đi, làm cho đoạn đường Vũ Ngọc Phan bị thu hẹp vào giờ cao điểm buổi sáng. Nằm vuông góc với tuyến đường Vũ Ngọc Phan, đường Nguyễn Cảnh Chân sát bên chợ Hòa Khánh từ 4 giờ chiều đã xuất hiện vài chục hộ buôn bán quần áo bành tràn ngập xuống lòng đường.
Theo ghi nhận của chúng tôi, kể cả những ngày trời mưa, hoạt động mua bán của “chợ sáng“, “chợ chiều” diễn ra trên hai tuyến đường này một cách đều đặn, làm cho nơi đây trở nên tấp nập cả ngày lẫn đêm. Một người dân sinh sống gần khu vực này bức xúc: “Buổi sáng và buổi chiều khu vực này thường rất đông, nhưng chợ vẫn ngang nhiên họp dưới lòng đường mà chưa hề thấy lực lượng chức năng đến dẹp chợ hay xử lý người vi phạm”. Một người dân sống ở tuyến đường Nguyễn Cảnh Chân cũng thừa nhận: Ai cũng hiểu vì cuộc sống mưu sinh cả, nhưng hàng quán mà cứ bày bán kín cả vỉa hè gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh thì không ai chấp nhận được. Tối đến người dân muốn đi bộ thì người ta đã bày bán hàng kín hết cả vỉa hè, không còn lối mà đi. Rất nhiều lần người dân kiến nghị lên phường, lên quận thì thỉnh thoảng thấy đội quy tắc của quận có đi tuần tra nhưng chẳng xử lý gì ngoài việc thu vài thứ đồ của người bán hàng. Và khi đội quy tắc đi rồi đâu lại vào đấy.
Không chỉ có khu chợ Hòa Khánh mà ngay cả tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tất Thành vốn là những tuyến đường lưu thông trọng điểm, tình trạng mua bán lấn chiếm vỉa hè cũng tấp nập. Các hộ nhà mặt tiền buôn bán từ kim khí điện máy, xe đạp, xe máy, mắt kính, đến quán ăn, cà-phê, tiệm Internet, dịch vụ áo cưới... đều lấn chiếm lề đường. Và không chỉ có các hộ này, nhiều người bán hàng rong cũng chiếm dụng vỉa hè làm nơi buôn bán. Người bán, người mua và rác thải đã biến lòng đường, vỉa hè trở nên hỗn độn. Không những thế, vỉa hè còn được tận dụng để dựng bảng quảng cáo, làm chỗ để xe máy cho khách ăn nhậu, điển hình là tuyến đường Nguyễn Tất Thành.
Khó xử lý?
Trong thời gian qua, lực lượng chức năng cùng chính quyền quận Liên Chiểu đã ra quân lập lại trật tự, song khi đội quy tắc đi qua, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn thế. 5 giờ chiều, chúng tôi cùng Đội quy tắc đô thị quận Liên Chiểu có mặt tại chợ Hòa Khánh - khu vực được xem là “điểm nóng” chiếm dụng vỉa hè làm nơi buôn bán trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc. Hàng chục hộ buôn bán quần áo bành bắt đầu trải bạt “phủ kín” lòng đường bày quần áo, giày dép… ra bán. Vừa thấy đội quy tắc đến, hàng chục hộ nhanh chân thu dọn đồ đạc, chạy tán loạn. Ông Nguyễn Xuân Hoài, Đội trưởng Đội quy tắc đô thị quận Liên Chiểu cho biết: “Đội đã cùng chính quyền phường tổ chức nhiều đợt dẹp các hộ buôn bán lấn chiếm vỉa hè, thế nhưng khi anh em đi làm nhiệm vụ khác, vỉa hè lại như cũ. Đội có hơn 40 người được phân chia làm nhiệm vụ lập lại trật tự vỉa hè, chống xây nhà trái phép trên toàn quận. Vì quân số ít, địa bàn quá rộng nên khó có thể giám sát 24/24 giờ. Mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, kể cả xử phạt nhưng thực tế tình trạng buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn tái diễn”.
Mặc dù UBND thành phố cùng các địa phương đã ban hành nhiều quyết định liên quan đến công tác quản lý, xử phạt các hành vi lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán, đậu xe trái phép, nhưng trên thực tế, việc quản lý vỉa hè không đơn giản chút nào. Ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết, quận đã thành lập các tổ thường xuyên túc trực ở các “điểm nóng” như khu vực chợ Hòa Khánh, đường Nguyễn Tất Thành để hướng dẫn hộ kinh doanh phải bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, nếu hộ nào vi phạm sẽ xử lý ngay. “Chúng tôi đã dẹp được chợ tạm ở cuối đường Hồ Tùng Mậu và gần khu du lịch Xuân Thiều, khu vực chợ tạm tại tuyến đường số 4 KCN Hòa Khánh. Tuy nhiên tại tuyến đường Nguyễn Tất Thành, các hộ kinh doanh ăn uống đều là hộ nghèo, họ bán tạm bợ trên những khu đất đã có chủ nhưng chưa được đầu tư. Chủ trương của quận là tập trung thành từng điểm bán hoặc chuyển đổi nghề nghiệp cho họ trong thời gian tới”, ông Hưng nói.
Chấn chỉnh lại vỉa hè, lập lại văn minh đường phố là vấn đề cấp thiết, nhưng phải chăng, các cơ quan quản lý Nhà nước đều lúng túng trong việc đề ra giải pháp để làm sao vừa có chỗ buôn bán cho người dân, vừa hướng tới nếp sống văn minh đô thị?
Bài và ảnh: P.ANH