.

Lộn xộn giao thông đêm

.

Bắt đầu từ ngày 1-7-2011, đường Nguyễn Chí Thanh, Lê Lợi- Phan Châu Trình được tổ chức lưu thông một chiều. Ngày 1-4-2012, thành phố thực hiện phân làn đường trên 18 tuyến đường lớn. Nhờ việc này mà tình hình trật tự giao thông trên địa bàn đã trở nên thông thoáng và văn minh hơn. Tuy nhiên, sự thành công này chủ yếu về ban ngày, còn khi thành phố lên đèn, nhất là càng về khuya, số lượng người vi phạm lại tăng lên.

Ban đêm, nhiều người đi vào làn đường dành cho ô-tô (ảnh chụp trên đường Bạch Đằng).
Ban đêm, nhiều người đi vào làn đường dành cho ô-tô (ảnh chụp trên đường Bạch Đằng).

Trật tự vào ban ngày

Trước khi triển khai việc tổ chức lưu thông một chiều trên đường Nguyễn Chí Thanh, Lê Lợi-Phan Châu Trinh, đã có khá nhiều ý kiến bàn ra khi cho rằng khó thực hiện vì người dân đã quen đi hai chiều và cả lý do sợ ảnh hưởng việc kinh doanh của các hộ trên hai tuyến đường này. Chính vì điều này mà thành phố đã có bước đi thận trọng là chỉ tổ chức thí điểm giao thông một chiều trên 2 tuyến đường thay vì 7 tuyến đường như đề xuất của Sở GTVT. Thế nhưng, sau gần một năm tổ chức lưu thông trên đường Nguyễn Chí Thanh, Lê Lợi-Phan Châu Trinh, tình hình trật tự giao thông khá tốt, đặc biệt là gần như không có ùn tắc cục bộ trên đường. Về phía người tham gia giao thông, thời gian đầu là còn “quên” nên có người đi ngược chiều, nhưng sau khi được CSGT nhắc nhở và xử phạt, đa số đã chấp hành tốt. Riêng người dân sống dọc hai tuyến đường này đều cho rằng, giao thông một chiều trật tự hơn, nên việc buôn bán cũng thuận lợi hơn, nhất là tránh được tình trạng ô-tô con “xí” chỗ hai bên đường như trước đây.

Tương tự, việc tổ chức phân làn giao thông trên 18 tuyến đường, ngay thời điểm chuẩn bị triển khai cũng có nhiều ý kiến trái chiều vì lo ngại “đi vào vết xe đổ” của một số thành phố khác đã làm nhưng thất bại. Thế nhưng trên thực tế có thể nói, việc tổ chức phân làn giao thông rất thành công, các phương tiện trật tự đi trong phần đường dành cho mình. Đặc biệt vào giờ cao điểm trong ngày, cũng là lúc lực lượng CSGT chốt trực thì giao thông trên các tuyến đường thuận lợi. Trên các tuyến đường phân làn, có nhiều thời điểm ở làn ô-tô không có xe và bên làn hỗn hợp và xe thô sơ đông đúc, tuy nhiên rất hiếm khi có trường hợp “xé làn” đi vào đường của phương tiện khác. Điều này gây sự ngạc nhiên thú vị cho nhiều du khách đến Đà Nẵng nhân dịp lễ hội pháo hoa, 30-4 và 1-5 vừa rồi.  Rất nhiều người nhìn dòng xe trật tự chạy trên đường đã cho rằng đây là cảnh hiếm gặp tại Việt Nam!

Lộn xộn vào ban đêm

Có sự đối lập khá rõ về trật tự giao thông trên các tuyến đường được tổ chức giao thông một chiều và phân làn vào ban đêm và ban ngày. Nếu như vào ban ngày rất trật tự, thì ban đêm, đặc biệt càng khuya thì người vi phạm lại tăng lên. Ghi nhận của chúng tôi tại tuyến đường được phân làn như Ngô Quyền, Lê Văn Hiến, Điện Biên Phủ, chỉ cần sau thời điểm lực lượng CSGT kết thúc ca làm việc (thường là sau 19 giờ), rất nhiều người lại đi “nhầm” làn đường. Đặc biệt là tại các vòng xuyến phía đông cầu Sông Hàn, cầu Tiên Sơn hoặc ngã ba Huế..., nhiều người khi điều khiển xe gắn máy, mô-tô đến các vị trí này lại chạy luôn vào đường dành cho ô-tô. Cá biệt có nhiều thanh niên lại xem việc chạy mô-tô vào làn đường dành cho ô-tô như một thú tiêu khiển. Qua trò chuyện với chúng tôi, một thanh niên đã giải thích: “Cảm giác chạy xe mở đường cho xe tải lớn, ô-tô rất sướng, nếu mình chạy chậm họ sẽ bấm còi giục phía sau đã lắm!”. Một ví dụ, vào khoảng 22 giờ ngày 8-5, trên đường Ngô Quyền đoạn gần vòng xuyến phía đông cầu Sông Hàn, một xe container 54H 003. 3… đang chạy với tốc độ khá cao phải thắng gấp khiến đầu xe “ăn” lên dải phân cách vì phía trước đột ngột xuất hiện một mô-tô đi tắt vào làn dành cho ô-tô. Rất may TNGT không xảy ra, tuy nhiên theo tài xế Phan Thanh Bình, “do biết được tình trạng này nên chủ động rà chân phanh từ trước”. Cũng theo ông Bình, nếu như trước đây thích chạy xe trên đường Ngô Quyền vào ban đêm vì ít xe, nhưng giờ đây thích chạy ban ngày hơn vì các phương tiện đi riêng biệt.

Tình trạng đi sai luật vào ban đêm cũng diễn ra tại các tuyến đường một chiều trung tâm thành phố. Ngoài những người tranh thủ lúc không có lực lượng CSGT để đi tắt cho gần, thì nhiều người dân sống trên các tuyến đường này cũng đi ngược đường để về nhà cho nhanh. Theo lực lượng CSGT, việc xử lý các trường hợp này rất tốn thời gian, vì họ luôn tranh luận với CSGT rằng  không sai luật, do chỉ đi có vài mét là đến nhà rồi (?)

Tất cả vi phạm trên đều xảy ra khi vắng lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Thường khi thành phố lên đèn, các tổ làm nhiệm vụ chốt trực ở các giao lộ quan trọng nghỉ hết ca, lúc đó lực lượng tuần tra cơ động sẽ thay thế, thế nhưng do lực lượng này quá mỏng nên không đủ sức răn đe những người vô ý thức cố tình vi phạm.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

 

;
.
.
.
.
.