.

Mùa đông ấm áp

Trong chuỗi câu chuyện xúc động về Bác Hồ, nhạc sĩ Trần Hồng cứ nhắc đi nhắc lại lần Bác đến thăm Đoàn văn công miền Nam trong cái rét cắt da, cắt thịt ở miền Bắc.

Đêm của tháng giáp Tết ở Hà Nội lạnh tê tái, nhất là với những người miền Nam vừa tập kết ra Bắc, nên vào buổi tối nếu không có việc gì cần thì không ai dám bước ra ngoài. Nhạc sĩ Trần Hồng kể lại: Đêm ấy, cũng như mọi đêm, anh em Đoàn văn công vừa ăn tối xong, người áo len, người áo bông, người bó gối trong chăn... chơi trò tú lơ khơ thì Bác Hồ đến mà không báo trước. Bác hỏi: “Các cháu chơi tú lơ khơ à, có lạnh không?”. Có diễn viên vì mãi chơi còn xua tay “Đừng đừng, để tui cho nó con xì chuồn...”. Chỉ đến khi có tiếng ai đó kêu lên “Bác Hồ, Bác Hồ”, cả nhóm mới vứt bài, lật đật đứng dậy. Cô diễn viên lúc nãy mãi chơi không biết Bác đến thì xúc động ứa nước mắt.

Chỉ vài phút sau, cả Khu văn công từ già đến trẻ tập trung đông đủ, vây chặt quanh Bác. Ai cũng muốn nhìn và gần Bác. Các nghệ sĩ lớn tuổi như: Tống Phước Phổ, Nguyễn Lai, Đội Tảo, Mười Chương, Ngô Thị Liễu... như trẻ lại khi đứng trước Bác. “Các cụ, các bác, các cô ở khu Năm, Nam Bộ và các cháu có lạnh không?”, nhạc sĩ Trần Hồng nhắc lại nguyên câu hỏi của Bác và giải thích rằng, bao giờ cũng thế, cách hỏi của Bác vừa ân cần, vừa ấm áp, đặc biệt là không bỏ sót một ai. Rồi Bác hỏi chuyện chuẩn bị Tết, bánh chưng, bánh tét, bánh ú, thịt heo... đầy ắp hương vị quê nhà. “Khi ấy, chúng tôi ai cũng xúc động chảy nước mắt, chỉ muốn ôm chầm lấy Bác cho đỡ nhớ nhà, nhớ cha, nhớ mẹ”, nhạc sĩ Trần Hồng trầm ngâm.

Sau mấy phút rôm rả về Tết, Bác đi thăm tất cả các phòng ở, phòng ăn, phòng bếp, nhà vệ sinh… và dặn dò tỉ mỉ: “Ở đây có Công đoàn, có Chi bộ và Đoàn Thanh niên, các cô, các chú, các cháu là nòng cốt trong mọi công việc. Nhớ lần sau Bác đến thăm, từ ngoài đường và xung quanh nhà ở phải trồng cây có bóng mát, trồng chuối, trồng rau, nuôi lợn, gà để cải thiện bữa ăn”. Rồi Bác hỏi: “Các cháu có làm được không?”. Tất nhiên khi ấy, mọi người đều đồng thanh: “Thưa Bác, làm được ạ!”. Bác cười: “Thế là tốt!”.

Ngay cả cách chia phần kẹo của Bác cho Đoàn văn công cũng khiến mọi người ngạc nhiên và thán phục. Hai chị Bích Hồng, Bích Trâm (hai diễn viên nữ trong Đoàn văn công ngày ấy) được Bác giao phân phát kẹo cho mọi người. Vì đông quá nên hai chị không tiện giữ lại phần mình. Nhưng Bác đã bí mật để dành phần xứng đáng cho hai người đã “lao động” (phát kẹo) vì mọi người. Với mỗi anh em văn nghệ sĩ khi đó, từng hành động, cử chỉ, lời nói của Bác dù giản dị nhưng thấm thía nghĩa tình và chan chứa ý nghĩa giáo dục đạo đức, lối sống lớn lao. Rồi Bác nói chuyện cách mạng trong lúc nghe ngâm thơ, nhắc nhở mọi người hướng về miền Nam ruột thịt. Bác dặn giữ sức khỏe tốt, biểu diễn tốt phục vụ đồng bào, chiến sĩ cũng là một cách chiến đấu vì Tổ quốc, vì miền Nam...

Trong câu chuyện với chúng tôi, nghệ sĩ Trần Hồng còn tha thiết kể về những lần gặp Bác trước và sau đó, lần nào cũng là những câu chuyện như vừa diễn ra hôm qua. Hơn 50 năm nay, cứ vào dịp sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh hay ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người nhạc sĩ già lại bồi hồi kể cho cháu con chuyện về Bác Hồ, như chuyện mùa đông năm xưa Bác đến sưởi ấm Đoàn văn công miền Nam; chuyện Bác không quên mặt, quên tên từng người sau mỗi lần gặp; hay nhắc về ánh mắt, nụ cười hiền từ của Bác; hoặc lần giở những cuốn sách, những thước phim tư liệu không bao giờ cũ về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc...

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.