.

Người quét đường suốt 20 năm

.

Với những người dân ở kiệt 408 Hoàng Diệu (phường Bình Thuận, quận Hải Châu), gần 20 năm qua, tiếng chổi quét đường của ông Phụng đã trở nên quen thuộc vào mỗi sáng sớm.

Tiếng chổi quét đường của ông Phụng đã trở nên thân quen với người dân kiệt 408 Hoàng Diệu.
Tiếng chổi quét đường của ông Phụng đã trở nên thân quen với người dân kiệt 408 Hoàng Diệu.

Hai mươi năm gắn bó với “nghề”

Trong căn nhà nhỏ, ông Phạm Phụng sống cùng vợ và người mẹ đã hơn 100 tuổi. Ở cái tuổi 80, trông ông nay yếu hơn hẳn so với lúc chúng tôi gặp ông vào một năm trước. Bà Trần Thị Lầu, vợ của ông, cho biết: “Từ bữa ra Tết đến giờ ổng lẫn lắm rồi. Thậm chí không nhớ được tên của những đứa con. Chỉ có một việc không quên là đi quét rác trong xóm. Ngày trước, cứ sáng sớm, ông cầm chổi đi quét đường, nhưng mấy bữa nay thích lúc nào thì quét lúc ấy”. Người dân trong tổ không nhớ ông bắt đầu quét rác từ khi nào, chỉ biết rằng rất nhiều năm rồi, cứ đến sáng sớm, nghe tiếng chổi sột soạt thì biết ngay ông Phụng đang quét đường. Những ngày đầu ông mới quét, nhiều người trong xóm xì xầm bảo vì ông làm tổ trưởng tổ dân phố nên phải siêng năng như vậy. Có người còn bảo ông rỗi hơi. Nhưng mặc ai nói gì, năm này qua năm khác, kể cả lúc không làm tổ trưởng, ông vẫn quét đường. Ông bảo: “Tui quét quen rồi. Xem như tập thể dục buổi sáng luôn. Giờ không quét thấy trong người nó mệt. Thấy đường nhớp là không chịu được”.

Hằng ngày, cứ đúng 5 giờ sáng, ông Phụng lại xách cây chổi đi quét. Đoạn đường ông quét gần 30m, tính từ ngoài kiệt vào tận trong khu chợ xép. Ông quét sạch và kỹ nên một cây chổi mua về chỉ dùng được khoảng 3-4 ngày. Suốt 20 năm qua, ông thay không biết bao nhiêu cây chổi và cả đoạn đường dài của kiệt 408 Hoàng Diệu sáng nào cũng sạch bong. Thỉnh thoảng vào buổi tối, ông vẫn một mình lọ mọ cầm theo cây chổi đi hết cả đoạn kiệt dài chỉ để kiểm tra xem những gói rác người dân bỏ ra đã được cột kỹ hay chưa. Chỗ nào thấy có rác vứt bừa bãi, ông quét gom lại gọn gàng. Vào dịp lễ, Tết, ông lo dọn dẹp vệ sinh cho đường kiệt, ngõ hẻm như chăm con của chính mình. Vợ ông cho biết, thời gian đầu thấy ông làm việc không công mãi, cả nhà bực mình. Nhưng rồi thấy ông quyết tâm thì cả nhà lại quay sang động viên. Hơn nữa, gia đình ông Phụng cũng có quy định bất thành văn: Không ai được vất rác lung tung. Ông bảo: “Mình phải làm gương người khác mới nghe”.

Còn sức, còn quét

Không chỉ quét đường, ông Phụng thường góp ý mỗi khi thấy nhà nào đó để rác bừa bãi ra đường. Ban đầu nhiều người tỏ ra khó chịu khi bị ông nhắc nhở, nhưng rồi họ lại e ngại mỗi khi thấy ông xăm xoi đống rác trước nhà. Lâu ngày thành quen, nhiều người trong xóm không vứt rác lung tung ra đường nữa, vì sợ bị ông Phụng phê bình. Bà Hoàng Thị Cẩm, ở cùng kiệt 408 nói: “Xóm này mà không có ông Phụng thì nhớp lắm…”. Có người ở gần đó biết hoàn cảnh gia đình ông còn khó khăn, lại cảm kích trước việc làm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” này nên đã tình nguyện “tài trợ” cho ông tiền mua chổi. Người khác lại động viên ông bằng những món quà nho nhỏ vào mỗi dịp lễ, Tết. Cũng có người cứ sáng sớm ngồi ở quán nước trước kiệt, đợi ông xong việc thì cùng ông hàn huyên bên ly cà-phê.

Chúng tôi đến nhà ông vào giữa buổi sáng nhưng phải đợi một lúc lâu mới thấy ông cầm cây chổi đi về. Hỏi ra mới biết, gần nửa năm nay ông già yếu, sinh ra lẩn thẩn. Hôm nào khỏe, ông đi quét đường vào sáng sớm, còn lại ông thích lúc nào thì quét lúc ấy. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” này, chân tay ông đã mềm yếu lắm rồi. Những cây chổi làm bạn với ông suốt 20 năm qua cũng trở nên nặng nề hơn trước. Cả nhà thấy ông yếu như vậy nên động viên ông thôi đừng quét đường nữa. Nhưng nói lần đầu, đến lần thứ hai thì ông nổi cáu. Biết không thể ngăn được ông nên không ai dám cản nữa. Nhâm nhi tách trà, ông nói câu được câu mất: “Quét chứ, còn sức tui còn quét. Quét khi nào đường sạch thì thôi!”.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA
 

;
.
.
.
.
.