.

Nguy cơ cháy rừng cao

.

Đó là khẳng định của ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy những vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) thành phố Đà Nẵng khi trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng ngày 8-5 về công tác PCCCR hiện nay.

 Ông Trần Văn Lương
Ông Trần Văn Lương

Theo ông Lương, Đà Nẵng có cấp độ báo động 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Trên địa bàn thành phố hiện có 59.000 héc-ta rừng, trong đó có 20 héc-ta rừng ở đèo Hải Vân và bán đảo Sơn Trà trong diện dễ cháy. Từ đầu năm đến nay, đã có 103 héc-ta rừng bị cháy.

* Trước thực trạng trên, công tác phòng cháy, chữa cháy được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Đầu năm 2012, Ban Chỉ huy những vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và PCCCR thành phố Đà Nẵng đã thành lập Đội phản ứng nhanh chuyên chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố, với quân số 40 người, được bố trí ở các địa bàn có rừng. Từ giữa tháng 4, chúng tôi đã triển khai lực lượng trực chiến 24/24 giờ để phòng chống và xử lý các vụ cháy rừng. Hằng ngày, Chi cục Kiểm lâm có dự báo cháy rừng gửi các cơ quan thông tin đại chúng thông báo để người dân biết, đề cao cảnh giác. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm cũng đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân về công tác phòng, chống cháy rừng.

* Hiện nay, ở một số khu vực rừng có tổ chức các hình thức du lịch sinh thái, thu hút người dân đến nghỉ dưỡng trong ngày nghỉ, dịp lễ. Trong đó, không ít trường hợp du khách vứt tàn thuốc lá, nấu nướng… nên nguy cơ gây cháy rừng rất cao. Vậy ngành Kiểm lâm làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

- Hiện tượng trên là có thật, nhưng kiểm lâm không thể cấm người dân vào rừng được, nhất là ở các khu vực du lịch sinh thái. Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm ở các địa bàn tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân không đốt lửa nấu nướng, vứt tàn thuốc lá bừa bãi trong rừng. Còn tại các khu vực rừng có am thờ, nghĩa địa, người dân đốt vàng mã cúng bái thì phải canh giữ đến khi nào dập tắt lửa mới được ra về. Ngoài ra, nghiêm cấm việc đốt than, rà phế liệu trong rừng.

* Qua vụ cháy Rừng đặc dụng Nam Hải Vân cho thấy phương tiện chữa cháy vừa thiếu, vừa yếu, công tác chữa cháy còn nhiều bất cập. Liệu thời gian đến có còn vụ cháy rừng tương tự như vụ cháy rừng đặc dụng vừa qua?

- Qua vụ cháy Rừng đặc dụng Nam Hải Vân chiều 2-5 cho thấy công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn bởi khu vực xảy ra cháy ở trên cao, không thuận lợi cho lực lượng chữa cháy đi lại, phải băng rừng mất nhiều giờ đồng hồ mới tiếp cận được đám cháy. Các xe cứu hỏa không đưa được nước lên để dập lửa. Song, cũng phải nhìn nhận rằng, phương tiện chữa cháy hiện nay của ngành Kiểm lâm vẫn thiếu, sự phối hợp giữa các lực lượng chữa cháy còn chậm, chưa thật sự đồng bộ. Chi cục Kiểm lâm đang đề xuất với thành phố cấp kinh phí để trang bị thêm máy thổi, máy cắt.

Chúng tôi không dám khẳng định chắc chắn rằng sẽ không còn xảy ra các vụ cháy rừng tương tự trong thời gian đến. Vào thời điểm thời tiết nắng nóng gắt như hiện nay, lực lượng PCCC luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với các sự cố cháy rừng có thể xảy ra. Đối với những khu rừng đã bị cháy, sắp đến Chi cục Kiểm lâm đề xuất với các cơ quan, ban, ngành thành phố có kế hoạch trồng lại các loại cây bản địa, phủ xanh đất trống đồi trọc.

* Xin cảm ơn ông!

NGỌC ĐOAN thực hiện

;
.
.
.
.
.