Tình trạng khai thác vàng trái phép ở thượng nguồn Khe Áo (Tiểu khu 27, 29 rừng Hòa Bắc) làm nước đục, nhiễm hóa chất. Cuộc sống của gần 700 đồng bào Cơtu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đang trở nên điêu đứng.
Lán trại của những người khai thác vàng trên thượng nguồn Khe Áo, tiểu khu 27. Ảnh: T.HUY |
Hơn một tháng nay, người dân 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí sống trong cảnh không có nước sinh hoạt. Ngày ngày họ phải vào rừng hứng từng xô nước ở các con khe nhỏ mé rừng, đi ngược lên vùng núi cao để gánh nước trong các suối trong, sạch.
Nước đục, hôi mùi bùn
Có mặt tại Tà Lang và Giàn Bí vào những ngày này, câu chuyện được bàn tán nhiều nhất là việc nguồn nước bị xâm hại, đục ngầu, không thể sử dụng được. Cuộc sống vất vả vùng cao càng thêm phần khốn đốn khi phải còng lưng vào rừng sâu để tìm khe nước mới gồng gánh về sử dụng. Dòng sông Cu Đê trong xanh đấy, nhưng người dân không dám đụng tới. Bà Lê Thị Trơ, người dân thôn Giàn Bí cho biết: “Nó khai thác vàng, đổ nước màu xanh đỏ gì đó để rửa vàng sa khoáng, rồi nước ấy trôi xuống suối, chảy xuống sông. Độc lắm, nguy hiểm lắm, dân mình không dám uống, không dám tắm giặt đâu!”.
Hai thôn Tà Lang và Giàn Bí hiện có 179 hộ với 646 nhân khẩu, trong đó 90% là đồng bào dân tộc Cơtu. Nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân được lắp đặt ống từ hai nguồn chính là khe Trái Đạn, Ba Bi và Khe Áo. Trước đây, do điều kiện khó khăn, việc lấy nước thường tự phát ở mỗi hộ dân, các ống nước nhỏ vào mỗi mùa mưa lũ thường bị nước cuốn trôi. Năm 2009, thành phố chủ trương lắp đặt hệ thống ống nước dẫn từ thượng nguồn về tận thôn bản, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu cho người dân. Dự án công trình nước Ba Bi và Khe Áo này do Chi cục Thủy lợi và PCLB thành phố làm chủ đầu tư sau một năm hoạt động, vào mùa mưa lũ năm 2010, ống bị trôi. Đến năm 2011, hệ thống ống nước được làm lại. Tổng số vốn đầu tư cho dự án sau nhiều lần làm đi sửa lại lên con số tiền tỷ nhưng hiện đứng trước nguy cơ bị phá bỏ, không phải do thiên tai mà bởi “vàng tặc”.
Trong lòng khe phía thượng nguồn đầy bùn đất do khai thác vàng. |
“Nước đục cả tháng nay rồi, không dùng được, phải đi vào khe Cây Chon gánh nước thôi. Đi vào đó xa, nước ít, chỉ vài nhà dùng đủ, mùa này nắng hạn, khe nước cũng bị khô hết”, bà Nguyễn Thị Chọn, thôn Giàn Bí nói. Ông Trần Văn Vân, Trưởng thôn Tà Lang xác nhận: “Việc nước đục, hôi mùi bùn là chính xác. Người dân chúng tôi bức xúc nhiều lắm, kiến nghị lên xã rồi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì cả, nguồn nước vẫn chưa trong trở lại, chưa kể nguy cơ nhiễm hóa chất (cianua - chất rửa vàng) vào nước là rất cao. Người dân không thể dùng “nước của Nhà nước” được. Rất mong chính quyền quan tâm, có biện pháp dẹp tình trạng khai thác vàng trái phép, trả lại bình yên cho rừng, nguồn nước cho dân”.
Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cũng ghi nhận thực tế này và cho biết, nguyên nhân chính do những người khai thác vàng trái phép phía thượng nguồn tại khu vực Tiểu khu 27 và 29, rừng Hòa Bắc gây ra.
Ám ảnh “hỗn chiến”
Còn nhớ, cuối tháng 7-2006, sau khi một nhóm thanh niên bất ngờ kiếm được hơn 1,2kg vàng ở Khe Đương (thuộc rừng Hòa Bắc), gần 500 người dân thôn Trường Định (Hòa Liên) đã kéo nhau đến bãi vàng này với hy vọng tìm vận may, từ đó xảy ra những cuộc hỗn chiến giữa người dân với các nhóm “cai” đầu dài tại bãi vàng này. Cuộc hỗn chiến đã dẫn tới nổ súng giữa người dân đi mót vàng với người khai thác vàng, buộc thành phố phải điều động khẩn cấp lực lượng chức năng lên giải quyết vụ việc.
“Nguồn nước đục kéo dài chứng tỏ cường độ khai thác vàng ở thượng nguồn Khe Áo và Trái Đạn ở mức rất cao. Hiện nay, theo người dân từng đi gùi hàng và thị sát của đội liên ngành xã kết hợp với kiểm lâm báo cáo, có khoảng 8 lán trại, trong đó có 6 hầm vàng của lực lượng khai thác vàng trái phép. Có khoảng 50-60 người tham gia khai thác”, ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí cho biết. Cũng theo ông Như, tình trạng khai thác vàng trái phép ngày càng diễn biến phức tạp, làm đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây. Trong thôn cũng có người tham gia vận chuyển lương thực, máy móc cho các đối tượng khai thác vàng. Mặc dù cán bộ thôn tuyên truyền, vận động người dân không tham gia cõng hàng cho “vàng tặc”, nhưng không mấy kết quả. Không ai dám chắc cuộc chiến “vàng tặc” có xảy ra hay không khi mỗi ngày có thêm người lạ về khu vực khai thác. Rồi bên cạnh nỗi ám ảnh “hỗn chiến”, nguồn nước ô nhiễm hóa chất đang thật sự đe dọa cuộc sống của người dân 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY
Kỳ tới: Cần giải pháp mạnh, kiên quyết