Chính quyền xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) thừa nhận có nạn “vàng tặc” hoạt động từ 4 - 5 năm nay. Trong khi đó, dù biết thực trạng… qua báo cáo, nhưng chính quyền huyện Hòa Vang lại có dấu hiệu “chuyển quyền phát ngôn” cho ngành chức năng (!?).
Gỗ rừng hàng trăm năm tuổi bị vàng tặc tận dụng làm đường vận chuyển. |
Dù chưa đến mức “báo động đỏ”, nhưng cuộc hỗn chiến ở mỏ vàng Khe Đương ngày nào vẫn ám ảnh người dân Tà Lang, Giàn Bí, đó là chưa kể đến những hệ lụy khác nảy sinh từ tình trạng khai thác vàng trái phép.
Vượt núi tìm “vàng tặc”
Chúng tôi có mặt tại thôn Giàn Bí từ lúc 6 giờ 30 ngày 24-4 sau khi “dàn xếp” ổn thỏa cho chuyến xâm nhập “công trường khai thác vàng” trên Tiểu khu 27. Theo chân người dẫn đường, chúng tôi khởi hành ngược lên đỉnh Tiểu khu 27 - nơi có hầm vàng đang bị khai thác trái phép. Chuyến đi này thật sự là thử thách lớn cho những người yếu sức khỏe và… yếu tim. Gọi là đường nhưng chỉ rộng vừa một người đi; hai bên, trên đầu là dây rừng, cành cây vây kín; dưới đất là dấu chân trâu kéo gỗ, bùn nhầy và… vô kể con vắt (sên) rừng bắn vào người hút máu.
Trên đường lên Tiểu khu 27, chúng tôi bắt gặp toán thanh niên trong thôn trở về sau chuyến gùi hàng “tiếp tế” cho các lán trại khai thác vàng. “Mỗi ký hàng có giá vận chuyển 10.000 đồng. Một ngày, thanh niên làng có thể gùi 20kg, tương đương 200.000 đồng”, người dẫn đường kể.
Vượt qua sợ hãi dốc đứng, vắt, rắn rết dọc đường, chúng tôi có mặt sát bên hầm vàng Tiểu khu 27, thượng nguồn Khe Áo sau gần 4 giờ đồng hồ không nghỉ nhưng thấy nơi đây im ắng đến kỳ lạ. Người dẫn đường cho biết: “Có lẽ do em báo cáo với lãnh đạo địa phương về chuyến đi, hoặc… trùng với thời gian có đoàn kiểm tra của kiểm lâm và dân quân xã nên những người khai thác vàng mới ém quân, không hoạt động”. Tuy nhiên, thị sát gần khu vực khai thác, chúng tôi phát hiện có 2 lán trại nằm sát nhau và có người đang đãi vàng từ vòi nước dẫn trong núi ra. Máy móc nằm lăn lóc bên cạnh trại. Sau khi chọn chỗ an toàn để ghi lại những hình ảnh về lán trại này, chúng tôi trở xuống núi theo con đường cũ. Cuộc “hành xác” lặp lại cho đến khi chúng tôi dừng bước dưới chân núi. 3 con người đơn lẻ giữa núi rừng điệp trùng không đủ liều lĩnh để tận mắt “ngắm” hầm vàng khai thác trái phép, cũng không nghe được âm thanh mà theo người dẫn đường và những cửu vạn mô tả là “rung chuyển một góc rừng”. Vậy mà vì vàng, nhiều người đã chấp nhận leo núi, thồ hàng, đối mặt hiểm nguy giữa rừng sâu nước độc. Những phu vàng “chôn mình” trong hầm sâu, nguy cơ sập hầm luôn rình rập.
Chính quyền ở đâu?
Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết: Xã nhiều lần phối hợp với kiểm lâm tiến hành truy quét, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức đẩy đuổi theo kiểu “ném đá ao bèo”. “Trong tháng 3 vừa qua, tình trạng khai thác vàng nổi lên, dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm. UBND xã đã báo cáo với UBND huyện và chờ ý kiến chỉ đạo, phối hợp liên ngành cấp huyện giải quyết”, ông Phúc nói.
Ông Lê Mạnh Hùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòa Vang cho hay, trong quý 1, hạt phối hợp với Công an, dân quân xã Hòa Bắc tiến hành ra quân truy quét “vàng tặc”. Trong 9 đợt ra quân đã phá hủy 9 lán trại, 2 máy nổ, 2 máy xay đá, 200 mét dây ống, lương thực thực phẩm, đẩy đuổi 60 lượt người. Tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận, lực lượng như trên quá mỏng, không đủ sức răn đe và không thể dẹp bỏ triệt để tình trạng khai thác vàng trái phép. Ông Hùng nói thêm: “Trong tháng 9 và 10-2011, lực lượng liên ngành huyện đã truy quét triệt để, đánh sập hầm vàng tại Tiểu khu 25. Tuy nhiên, sau đó những người khai thác lại chuyển qua hoạt động tại vùng thượng nguồn khe Trái Đạn - đầu nguồn nước đổ về phục vụ cho 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí (Tiểu khu 29). Theo chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi sẽ phối hợp với Huyện đội, Công an và các lực lượng của xã tổ chức họp liên tịch, tìm giải pháp để trấn áp, truy quét triệt để”. Ông Hùng cũng nói rằng, cần có biện pháp mạnh (nổ mìn phá hầm) thì may ra mới xóa bỏ được tình trạng trên.
Sau vụ hỗn chiến ở Khe Đương, UBND thành phố cũng đã đồng ý huyện cấp phép khai thác vàng cho Công ty Trường Sơn hoạt động ở đây. Những hầm vàng “vệ tinh” ăn theo công ty này cũng theo đó hoạt động “chui” suốt từ 4 - 5 năm nay. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng biết đó, nhưng dường như bất lực trước thực trạng này. Hệ lụy có thể thấy rõ, kể cả ảnh hưởng lâu dài từ việc sử dụng nguồn nước bị nghi nhiễm chất cyanua, nhưng không biết đến bao giờ mới xóa bỏ được nạn khai thác vàng trái phép, trả lại bình yên cho núi rừng, cho cuộc sống người dân.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY