.

Tấm lòng người Cơtu với Bác

.

Có lẽ tất cả người Cơtu ở thôn Giàn Bí và thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang chưa một lần được gặp Bác Hồ nhưng tấm gương ngời sáng của vị Cha già dân tộc luôn hiện hữu trong tâm tưởng họ và hình ảnh Người luôn được bà con tôn kính từ đời này qua đời khác.

Thờ ảnh Bác

Ảnh Bác Hồ được thờ trang trọng tại nhà Gươl ở thôn Tà Lang.
Ảnh Bác Hồ được thờ trang trọng tại nhà Gươl ở thôn Tà Lang.

Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi vượt hàng chục cây số về các thôn thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, để tìm hiểu đời sống đồng bào Cơtu nơi đây. Cuộc sống của bà con ngày trước còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng và chính quyền, đời sống kinh tế của các hộ dân đều được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào Cơtu chỉ còn khoảng 5%. Nhiều gia đình biết vươn lên làm giàu, có của ăn của để và cho con cái học hành đến nơi đến chốn.

 Điều đặc biệt khiến chúng tôi quan tâm hơn cả, đó là hình ảnh Bác Hồ được nhiều gia đình ở đây thờ phụng một cách trang nghiêm và tôn kính bên cạnh bàn thờ tổ tiên của họ. Thờ ảnh Bác vừa để tưởng nhớ công lao to lớn của Người vừa làm kim chỉ nam cho hành động và lý tưởng của mọi thế hệ. Bà Nguyễn Thị Yên năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng khi được hỏi về Bác, mắt bà như sáng lên: “Ngày nghe tin Bác mất, già thương Bác nhiều lắm! Ở đâu già cũng thấy Bác cả”.

Chúng tôi đến nhà già làng Bùi Văn Cầm ở thôn Giàn Bí, thấy bàn thờ Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Phía sau lư hương là chân dung Hồ Chủ tịch và lá cờ Tổ quốc. Ông Cầm cho hay, gia đình ông thờ Bác Hồ như  thờ người thân ruột thịt. Mỗi năm đến ngày sinh nhật Bác, gia đình ông lại bày mâm cơm nhỏ cúng Bác, tuy đơn giản nhưng rất thành kính.

Cũng như ở nhà ông Cầm, nhà vợ chồng bà Lê Thị Tám ở thôn Tà Lang, hình ảnh Bác được đặt trang trọng giữa gian chính trong nhà với lư hương và bình hoa, bên cạnh bàn thờ tổ tiên. Bà Tám chia sẻ: “Cô chưa bao giờ được gặp Bác Hồ nhưng lớn lên nghe các già, các cụ kể về Bác, mình càng thấy tự hào và yêu quý Bác lắm. Cháu thấy đó, nhà cô thờ ảnh Bác để tưởng nhớ công ơn Người”.

Trong tâm thức của đồng bào Cơtu, Bác là hiện thân của cái đúng, cái đẹp, cái cao quý. Bác luôn ở phía trước để vươn đến nhưng cũng luôn bên cạnh để chia sẻ, bày tỏ. Bác vừa gieo ân đức cho gia đình vừa là cứu tinh của dân tộc. Tại nhà Gươl, ảnh Bác được thờ uy nghi và trang trọng như thờ một vị thần có công che chở và đem lại sự bình yên, no đủ cho cả làng. Những ngày lễ hội, bao giờ người Cơtu cũng bày biện mâm cúng Bác như để báo công dâng Bác. Họ gửi gắm niềm tin, tấm lòng và cả trái tim luôn hướng theo bóng dáng của Người – Vị Cha già của dân tộc.

Làm theo lời Bác dạy

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn động viên đồng bào dân tộc thiểu số phải tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Người chỉ rõ: “Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm cơm no”. Thực hiện lời dạy của Bác, người Cơtu thôn Giàn Bí và Tà Lang đã xóa bỏ những tập tục lạc hậu, định canh định cư để ổn định cuộc sống. Ông Trần Long, Trưởng thôn Giàn Bí cho biết, trước đây bà con sống du canh du cư, làm không đủ ăn. Nghe theo lời dạy của Người, được sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương, bà con dần dần bỏ tập tục đốt nương làm rẫy, chọn đất lập làng, định cư lâu dài, ổn định cuộc sống và tích cực lao động sản xuất. Bà con khai hoang đất rừng để trồng các loại cây công nghiệp, tận dụng và khai phá những vùng đất trũng bên dòng sông Cu Đê để trồng lúa nước. Giờ đây diện mạo thôn Giàn Bí đã đổi khác. Người dân thôn Giàn Bí còn có ý thức bảo vệ rừng. Bà Trương Thị Tết, người dân trong thôn nói: “Bà con nơi đây ai cũng một lòng theo Đảng, theo Bác. Có Đảng, có Bác, đời sống của bà con mới sung sướng như ngày hôm nay”.

 Không chỉ chăm lo đến đời sống kinh tế, chính quyền địa phương nơi đây còn quan tâm xây dựng đời sống văn hóa mới, mà nhiệm vụ cần kíp là phải nâng cao chất lượng giáo dục. Bác Hồ từng khuyên nhủ đồng bào rất chân tình: “Đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ. Phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ được”. Hiện nay, 100% trẻ em trong thôn Giàn Bí và Tà Lang đều được đến trường, nhiều gia đình cho con em học đến đại học, cao đẳng.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn là bài học thấm nhuần trong tư tưởng từ người già đến thế hệ trẻ nơi đây. Đối với già làng Bùi Văn Cầm, Bác Hồ được xem là “pho tượng sống” mà ông thờ kính suốt cả cuộc đời. “Là người đứng đầu làng, tôi thường xuyên khuyên nhủ con cháu trong làng sống và học tập theo gương của Bác. Bản thân tôi gắn bó với thôn Giàn Bí như máu thịt nên tôi hiểu rõ đời sống vất vả của bà con trước đây. Lúc nào tôi cũng khắc khoải làm sao để thay đổi cuộc sống khổ cực của bà con”, ông Cầm chia sẻ. Ông đã vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa mới, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu, vận động bà con tích cực bảo vệ rừng. Những cố gắng của ông đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, làm đổi thay quê hương.

Trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, người già thường hay kể chuyện về Bác cho con cháu nghe. Anh thanh niên Bùi Văn Chiến cho biết, làm công tác an ninh rất vất vả, thường xuyên đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng anh vẫn kiên quyết bám theo nghề. Nhiều lúc trong thôn xảy ra tranh chấp, anh phải đứng ra hòa giải, chỉ cho mọi người cái đúng cái sai. “Thế hệ chúng tôi hôm nay đang sống trong hòa bình, phải học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ. Mỗi chúng tôi có trách nhiệm đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vào xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp”, anh Chiến tâm sự.

Còn với anh Đinh Văn Khèn, trước đây là cán bộ Đoàn Thanh niên, mặc dù sức khỏe không được tốt nhưng anh luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vừa qua, anh được chuyển qua công tác Mặt trận xã. Anh chia sẻ: “Dù ở đâu, làm gì mình cũng cố gắng làm tốt. Thấy quê mình ngày càng thay đổi là vui lắm”.

Chia tay Tà Lang và Giàn Bí, chúng tôi hy vọng trong vài năm nữa, mảnh đất nơi đây sẽ ngày càng thay da đổi thịt, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.