Những năm qua, Hội Phụ nữ phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) nổi bật với các hoạt động tương thân tương trợ và nhiều việc làm thắm tình nhân ái.
Nuôi heo đất tình thương
Từ năm 2009, Hội Phụ nữ phường Hòa Thuận Tây đã phát động phong trào “Nuôi heo đất tình thương” bằng cách vận động chị em hằng ngày tiết kiệm tiền đi chợ để nuôi heo đất. Cuộc vận động được tất cả 40 chi hội hưởng ứng. Là những người giữ tay hòm chìa khóa trong gia đình, hằng ngày chị em đều dành vài ngàn đồng cho “heo ăn” và tổng số tiền của 2.612 hội viên lại hợp thành những con số đáng kể. Kết quả nuôi heo, từng chi hội sử dụng để thăm viếng, giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Ngoài ra, mỗi chi hội còn “nuôi” một con heo để tham gia “Ngày hội mổ heo” của toàn phường vào các dịp 8-3 và 20-10 hằng năm. Năm 2009, heo của toàn Hội “nặng” 14 triệu đồng, năm 2010 “nặng” 20,5 triệu đồng và năm 2011 hơn 30 triệu đồng.
Hội Phụ nữ phường xét chọn, hỗ trợ những hộ khó khăn đặc biệt với các hình thức tặng phương tiện sinh kế, thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ sửa chữa nhà... Cụ thể, chị Nguyễn Thị Liên (tổ 22) được hỗ trợ xe nước mía, chị Ngô Thị Hương (tổ 42) được tặng xe bán bánh mì, chị Phạm Thị Ngọc (tổ 42) và chị Phạm Thị Xê (tổ 31) được hỗ trợ 15 triệu đồng để sửa chữa nhà. Có những học viên sau khi từ Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 trở về cũng được Hội trích tiền để giúp các chị ổn định cuộc sống.
Phân loại rác thải tại nguồn
Đầu năm 2011, Thường trực Hội phát động mô hình phân loại rác thải tại nguồn để gây quỹ trao học bổng. Theo đó, từng hội viên tự phân loại rác thải trong gia đình. Rác thải từ thực phẩm cho riêng vào một bao để bỏ xe rác hằng ngày. Rác còn khả năng tái chế thì giữ lại và mỗi tuần một lần, toàn chi hội tập hợp các loại rác này để bán phế liệu. Bằng cách làm đó, đến cuối năm 2011, các chi hội đã tạo được tổng quỹ hơn 52 triệu đồng và trao tặng 48 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (mỗi suất 600.000 đồng). Số tiền còn lại được từng chi hội sử dụng giúp đỡ những gia đình gặp rủi ro, hoạn nạn, phụ nữ đơn thân, người khuyết tật...
Mô hình phân loại rác thải tại nguồn tạo cho chị em ý thức thu nhặt rác, bao ni-lon, vỏ lon... ở các nơi công cộng, thiết thực góp phần giữ gìn cảnh quan, môi trường. Các chi hội 12, 21, 35 liên tục là những điển hình về phong trào này.
Được tặng học bổng từ kết quả thu gom, phân loại rác thải của các mẹ, các chị, em Nguyễn Hoài Bảo Ngọc (tổ 17) nghẹn ngào nói: Việc làm thắm tình nhân ái này sẽ là nguồn động viên to lớn đối với em trong học tập, phấn đấu; và em nguyện noi gương các mẹ, các chị về việc bảo vệ môi trường sạch đẹp.
Tuy được phát động gần một năm nhưng mô hình “Mỗi chi hội có một việc làm tốt” của Hội Phụ nữ phường Hòa Thuận Tây đã tạo ra cả ngàn việc tốt. Chi hội 37 quyên góp tiền mua 8 thẻ bảo hiểm y tế tặng hộ cận nghèo (phường Hòa Thuận Tây không còn hộ nghèo); chi hội 42 vận động kinh phí hỗ trợ 4 phụ nữ đơn thân; bà Trần Thị Hồng Anh (tổ 42) giúp 1 triệu đồng và tận tình hướng dẫn cách làm ăn cho hai người tái hòa nhập; bà Ngô Thị Cải (tổ 11) tự nguyện nấu cơm phục vụ miễn phí cho hàng chục thí sinh ở xa đến Đà Nẵng dự thi ĐH, CĐ... Hội Phụ nữ Hòa Thuận Tây còn nổi bật với việc 100% hội viên treo ảnh Bác Hồ. Chị Mai Thị Liễu, Chủ tịch Hội cho biết, vận động hội viên treo ảnh Bác (tại nơi trang trọng nhất trong gia đình) để chị em luôn thấy có Bác trong nhà. |
LÊ VĂN THƠM