.
XE THÔ SƠ, XE ĐẠP ĐI SAI LÀN ĐƯỜNG

Xử lý không dễ!

.

Việc xe thô sơ, xe đạp đi sai làn đường diễn ra khá phổ biến nhưng lực lượng chức năng vẫn chưa quyết liệt khi xử lý những trường hợp này.

Không có lối đi, xe xích-lô đành vi phạm làn đường. (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Văn Linh)
Không có lối đi, xe xích-lô đành vi phạm làn đường. (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Văn Linh)

Trong 16 tuyến đường được chính thức phân làn, ngành Giao thông-Vận tải thành phố đã kẻ vạch phân làn rõ ràng. Theo đó, làn đường ngay sát vỉa hè dành cho xe thô sơ, xe đạp và xe máy (đối với đường có 6 làn); đối với đường 8 làn có 2 làn dành cho xe thô sơ, xe đạp, xe máy. Tuy nhiên, thời gian qua, theo quan sát của chúng tôi, tình trạng xe thô sơ, xe đạp đi sai làn đường rất phổ biến.

Ngang nhiên đi sai làn đường

Có mặt trên đường Trường Chinh vào một sáng đầu tháng 5, giữa dòng xe cộ đông đúc, vẫn có từ 3 - 4 xe đạp đi ở phần đường dành cho xe máy và ô-tô, trong khi làn đường dành cho phương tiện này vẫn trống, không có ô-tô đậu đỗ. Trên nhiều tuyến đường khác cũng xảy ra tình trạng tương tự… Nguy hiểm hơn, tại đường Nguyễn Văn Linh, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông đạp xích-lô chở hàng cồng kềnh ngang nhiên đi giữa làn đường dành cho xe máy, ô-tô. Khi nhiều người chạy xe máy đi ngang qua nhắc nhở thì người đạp xích-lô chỉ nhoẻn miệng cười rồi xin lỗi. Những cảnh tượng trên diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua trên tất cả các tuyến đường, rất dễ gây tai nạn cho các phương tiện khác...

Khó xử lý!

Theo Điều 11, Nghị định 34/CP ngày 2-4-2010 của Chính phủ, người điều khiển xe thô sơ, xe đạp đi không đúng phần đường, làn đường sẽ bị xử phạt tiền từ 40.000 - 60.000 đồng. Song, tại Đà Nẵng, việc xử phạt vẫn chưa được thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, Thượng tá Lê Ngọc, Phó Trưởng phòng CSGT Công an thành phố cho rằng, việc xử phạt các trường hợp này không dễ. Bởi lẽ, đa số các tuyến đường được phân làn thì làn dành cho xe thô sơ, xe đạp đã bị ô-tô đậu đỗ, chiếm diện tích, gây khó khăn trong quá trình lưu thông của các phương tiện này. Bên cạnh đó, theo một số cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đường thì đa số người đi xe thô sơ, xe đạp đều là người nghèo, hoặc học sinh nên CSGT thông cảm, không xử phạt mà chỉ nhắc nhở, tuyên truyền. “Một phần lỗi cũng do chủ quan của người làm nhiệm vụ trên đường. Họ chỉ chú ý đến các phương tiện ô-tô, xe máy vi phạm, chứ không để ý đến các xe thô sơ, xe đạp”, Thượng tá Lê Ngọc nói.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Lê Ngọc, khi xe thô sơ, xe đạp đi sai làn đường gây ra tai nạn, ngoài việc nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, họ còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy, điều quan trọng nhất để hạn chế tình trạng trên xảy ra thì người dân cần chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, kết hợp với việc xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN

;
.
.
.
.
.