.
XỬ LÝ NẠN ĂN XIN, HÀNG RONG CHÈO KÉO

Cần chuyển biến trong nếp nghĩ của người dân

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về kết quả sau hơn 2 tháng ra quân xử lý nạn ăn xin biến tướng, bán hàng rong chèo kéo khách, ông Nguyễn Hùng Hiệp - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, để xử lý triệt để tình trạng này, quan trọng nhất là phải tạo được chuyển biến trong nếp nghĩ của cả những người vi phạm lẫn người dân.

Sau đợt cao điểm ra quân ngăn chặn trên toàn thành phố, tình trạng lợi dụng bán nhang để xin ăn như thế này giảm hẳn. (Ảnh chụp tại Chùa Bát Nhã, quận Hải Châu)
Sau đợt cao điểm ra quân ngăn chặn trên toàn thành phố, tình trạng lợi dụng bán nhang để xin ăn như thế này giảm hẳn. (Ảnh chụp tại Chùa Bát Nhã, quận Hải Châu)

* Đợt cao điểm ra quân lần này có khác gì so với các đợt đã triển khai trước đây, thưa ông?

- Từ năm 2001, thành phố đã triển khai chương trình “Không có người lang thang xin ăn” trong chương trình “5 không”, trọng tâm là xử lý nạn ăn xin. Còn trong đợt cao điểm này, chúng ta làm mạnh tay không chỉ với những người xin ăn mà còn với tình trạng ăn xin biến tướng, bán hàng rong, đánh giày không đúng nơi quy định. Hình thức vi phạm tinh vi hơn một bước nên việc xử lý cũng phải mạnh tay hơn. Hệ thống văn bản chỉ đạo tổ chức lần này chặt chẽ, cụ thể, triển khai đến từng địa phương. Từ thành phố đến các xã, phường đều hình thành các tổ phối hợp liên ngành để giám sát, xử lý, chứ không phải mạnh ai nấy làm như trước đây. Việc tuyên truyền được thực hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông để người dân hiểu và hưởng ứng nhiệt tình. Chúng tôi đã gặp mặt hơn 800 cơ sở kinh doanh dịch vụ, bệnh viện để phối hợp thực hiện. 170 băng-rôn và biển cấm bán hàng rong đã được đặt ở những nơi trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Kết quả, đã vận động gần 200 đối tượng ngoại tỉnh về lại địa phương, ai muốn ở lại thì cam kết không vi phạm. Hơn 1.000 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định, sử dụng người khuyết tật để bán hàng bị cảnh cáo, nhắc nhở; tập trung 77 đối tượng biến tướng xin ăn và 23 người tâm thần vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Những nỗ lực này đã góp phần vào thành công của 2 lễ hội lớn vừa qua: Lễ hội Quan Thế Âm và cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế 2012. Cái được lớn nhất là mang lại môi trường an lành, thân thiện hơn với người dân và du khách.

* Người dân lo ngại rằng, hết đợt ra quân thì tình trạng ăn xin lại tái diễn như từng xảy ra trước đây? Những người ăn xin chỉ tạm lánh về địa phương rồi quay trở lại?

- Điều này không thể tránh khỏi. Hầu hết các đối tượng xin ăn đều là người ngoại tỉnh, số lượng luôn biến động, chỗ này làm mạnh thì họ tạm lánh đến chỗ khác. Vì vậy, mình phải làm thường xuyên, quyết liệt thì dù có trở lại họ cũng sẽ bỏ đi, không dám đến nữa. Dân báo đâu thì chúng tôi đến xử lý liền. Quan trọng nhất là phải tạo được chuyển biến trong nếp nghĩ của cả những người vi phạm lẫn người dân. Cũng giống như việc đội mũ bảo hiểm, trước đây không ai muốn đội, bây giờ thì thành thói quen của mỗi người khi ra đường. Mọi người cần nhận thức rằng, không thể vì chính mình mà làm mất đi “thương hiệu” một thành phố an bình, đáng sống và là điểm đến lý tưởng của du khách. Ai muốn làm việc thiện thì thông qua các tổ chức từ thiện hoặc chính quyền để hỗ trợ người bất hạnh ở những trung tâm đang nuôi dưỡng họ, bởi phần lớn những người xin ăn không thật sự khó khăn mà đi theo mùa vụ, mang tính chuyên nghiệp. Có trường hợp đầu nậu về các địa phương khác gom các em nhỏ rồi rải đều các quán để xin ăn, hoặc lợi dụng người khuyết tật đi xin... Đơn vị nào để xảy ra điều này thì phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố.

* Bên cạnh việc xử lý, việc chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng trên được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Đây là việc cần làm ngay. Với số đối tượng trên địa bàn Đà Nẵng, từng địa phương phải có kế hoạch giúp đỡ, để họ chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống. Đã có kinh phí dạy nghề miễn phí và chương trình hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, ổn định đời sống cho nhóm đối tượng này. Hiện các quận, huyện đã gặp mặt hơn 1.000 đối tượng để tuyên truyền những nơi không được bán hàng rong, rồi hướng dẫn họ phải bán như thế nào, bán ở đâu..., đồng thời lập hồ sơ quản lý những đối tượng này. Các địa phương phải phân loại, số nào vận động về quê, chuyển đổi ngành nghề; số nào được bán tại các ki-ốt và phải cam kết chấp hành quy định không chèo kéo khách. Song, khó ở chỗ là một số đối tượng không muốn chuyển đổi ngành nghề. Sở cũng đã làm việc với lãnh đạo quận Sơn Trà và chùa Linh Ứng, sắp đến sẽ xây dựng hàng loạt ki-ốt, bố trí những người lâu nay bán rong ở đó vào bán tại ki-ốt. Thành phố cũng cần có nơi cho khách đánh giày, mua đồ ăn, nước uống... nhưng phải văn minh hơn, trật tự hơn.

* Việc đeo thẻ cho người bán hàng rong để dễ quản lý đến nay đã triển khai ra sao?

- Hiện nay, việc này đã thực hiện thí điểm trên đèo Hải Vân, nếu hiệu quả sẽ triển khai trên toàn thành phố. Tuy nhiên, trong luật quy định họ được bán ở những nơi không cấm và không phải đăng ký kinh doanh nên khó quản lý, trong khi các đối tượng này lại di chuyển liên tục. Người bán hàng rong không đeo thẻ thì cũng không xử lý được. Chúng tôi sẽ làm việc với Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và Dịch vụ in Đà Nẵng và các đại lý về việc mang đồng phục, đeo thẻ cho người bán vé số để tránh trường hợp họ lợi dụng để xin ăn. Ai bán vé số phải cam kết không vi phạm các điều cấm, nếu vi phạm sẽ bị phạt.

* Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG TRÀ thực hiện

;
.
.
.
.
.