.
BHYT toàn dân

Về đích cuối năm 2012

.

Sau 3 năm Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) đã đi vào cuộc sống đem lại ý nghĩa thiết thực, góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Cùng với thực hiện tốt Luật BHYT, thành phố Đà Nẵng sẽ về đích mục tiêu BHYT toàn dân vào cuối năm nay. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, bà Trần Thị Hoa Lý, Phó Giám đốc BHXH Đà Nẵng cho biết:

Cán bộ phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) đang tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT.
Cán bộ phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) đang tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT.

Phóng viên (PV): Thưa bà, qua 3 năm thực hiện Luật BHYT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, kết quả nào được đánh giá là tốt nhất?

Bà Trần Thị Hoa Lý: Qua 3 năm thực hiện Luật BHYT, cái được lớn nhất là quyền lợi của bệnh nhân tham gia BHYT tế được bảo đảm. Đối tượng tham gia đã được mở rộng với nhiều chính sách ưu đãi, nhằm chia sẻ nhiều rủi ro với người bệnh. Theo đó, người có thẻ BHYT được giảm một phần chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Cơ sở khám chữa bệnh ngày càng được nâng cấp, nhanh chóng được đưa vào áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của y học thế giới, đã hỗ trợ tích cực vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân... Nhiều vướng mắc trước đây đã được tháo gỡ như: Chi phí  khám chữa bệnh dưới 15% lương tối thiểu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bệnh nhân và khám chữa bệnh tại y tế xã phường tất cả các đối tượng không phải cùng chi trả, trước đây đối tượng tự nguyện phải tham gia BHYT một thời gian nhất định khi sinh con mới được hưởng chế độ BHYT, nay mua thẻ BHYT vào bệnh viện là được hưởng ngay. Quy định tai nạn giao thông phải có biên bản của Công an xác nhận  không có lỗi mới được BHYT thanh toán chi phí điều trị cũng đã được tháo gỡ, nay người bệnh bị tai nạn giao thông chưa xác định được nguyên nhân thì đã được hưởng chế độ BHYT, khi Công an xác nhận có vi phạm luật giao thông, cơ quan BHXH yêu cầu bệnh nhân đến nộp lại viện phí. Bệnh nhân tham gia BHYT khám chữa bệnh không đúng nơi khám chữa bệnh ban đầu có trình thẻ bảo hiểm y tế (trừ trường hợp cấp cứu) cũng được hưởng BHYT ở các mức 30%, 50%, 70% tương ứng với bệnh viện hạng 1,2,3. Mức hưởng chi phí sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao lên đến 40 lần tháng lương tối thiểu, trước đây thì không quá 20 triệu đồng. Danh mục thuốc được hưởng BHYT cũng mở rộng nhiều loại thuốc được đưa vào danh mục. Cùng với chính sách BHYT, thành phố có chính sách “trả thay” phần đồng chi trả (5%,) cho bệnh nhân nghèo chạy thận nhân tạo góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

PV: Tình hình Quỹ BHYT tại Đà Nẵng như thế nào? Có hay không biểu hiện lạm dụng quỹ này?

Bà Trần Thị Hoa Lý: Do làm tốt công tác tuyên truyền Luật BHYT nên số thu tăng mạnh qua các năm nhưng khả năng bội chi quỹ BHYT từ năm 2012 là rất lớn. Nguyên nhân là do tăng mức lương tối thiểu, triển khai Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29-2-2012 về Ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ KCB, sẽ có 417 dịch vụ y tế. Tiền giường bệnh, tiền khám bệnh tăng giá, nguyên nhân nữa là do đối tượng  BHYT tự nguyện được mua bảo hiểm y tế  thường xuyên hàng tháng nên người dân có tâm lý chỉ khi có bệnh mới đi mua BHYT cũng gây áp lực cho Quỹ BHYT.

Tại Đà Nẵng chưa có biểu hiện lạm dụng hay trục lợi từ Quỹ BHYT phổ biến. Lý do thứ nhất là có sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, hàng năm Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Sở Y tế và cơ quan Bảo hiểm Xã hội tổ chức kiểm tra chi phí khám chữa bệnh tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT cũng phối hợp rất tốt với cơ quan BHXH trong quản lý công tác khám chữa bệnh BHYT, giám định hồ sơ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo đảm cho người bệnh được chỉ định đúng những dịch vụ y tế cần thiết.

PV: Thưa bà, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đạt BHYT toàn dân vào cuối năm 2012, tức là trước 2 năm so với mục tiêu của cả nước. Theo bà, mục tiêu này có đạt được không?

Bà Trần Thị Hoa Lý: Luật BHYT đi vào cuộc sống 3 năm qua, đã có nhiều chuyển biến đáng kể trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Độ bao phủ BHYT tăng từ khoảng 57,8% dân số từ cuối năm 2008 lên 82% vào cuối năm 2011 (tăng bình quân 8%/năm), độ bao phủ BHYT tại thời điểm 30-4-2012 giảm xuống còn khoảng 78% dân số. Nguyên nhân chủ yếu do giảm đối tượng người nghèo (đã xóa nghèo được trên 29 ngàn người), nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thậm chí phải thu hẹp hoặc ngừng hoạt động. Về mục tiêu đạt BHYT toàn dân vào cuối năm nay thành phố đã có chủ trương  tại Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 20-12-2011 của Thành ủy Đà Nẵng về phương hướng nhiệm vụ năm 2012, Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND ngày 23-12-2011 của Hội đồng Nhân dân thành phố về hoàn thành bảo hiểm y tế toàn dân trong năm 2012, Quyết định số 3630/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố ngày 11-5-2012 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện BHYT toàn dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2012 và những năm tiếp theo. Như vậy, về chủ trương, phương hướng và cơ sở pháp lý để thực hiện BHYT toàn dân ở thành phố Đà Nẵng đã có đủ. Vấn đề còn lại là làm thế nào để thực hiện có kết quả với nhiệm vụ đến 31-12-2012, phát triển thêm khoảng 150 ngàn đối tượng tham gia BHYT so với thời điểm hiện nay. Để đạt được mục tiêu này không chỉ là trách nhiệm của ngành BHXH mà của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành. Phải xem việc thực hiện BHYT toàn dân là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo  đảm sức khỏe cộng đồng và thực hiện mục tiêu công bằng xã hội. Qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn nhân dân nâng cao ý thức về trách nhiệm, quyền lợi trong việc thực hiện chính sách BHYT góp phần bảo đảm  an sinh xã hội

PV: Cảm ơn bà!

ĐOÀN SƠN thực hiện

;
.
.
.
.
.