.

Biến đất vườn thành... nghĩa trang

.

Bài cuối: Chính quyền kêu... khó

Cả ngàn mét vuông đất rừng bỗng chốc biến thành “nghĩa trang gia đình” khiến dư luận bức xúc và đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của chính quyền sở tại.

Nhiều người dân đã đua nhau mua đất xây mộ trái phép ở Hòa Sơn.  (Ảnh chụp sáng 4-6 tại thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang).
Nhiều người dân đã đua nhau mua đất xây mộ trái phép ở Hòa Sơn. (Ảnh chụp sáng 4-6 tại thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang).

Tại sao sốt đất "âm phủ"?

Việc mua bán đất xây mộ đang diễn ra rất sôi động. Chỉ trong buổi sáng chúng tôi đến, có 4-5 người tới hỏi và khá nhiều người đang xây dựng tường rào tại khu đất đã mua. Lợi dụng địa thế nằm liền kề vùng giáp ranh với Nghĩa trang Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), nhiều hộ dân nơi đây đã chuyển nhượng đất bằng giấy viết tay, không qua chính quyền địa phương để xây mồ mả.

Theo điều tra của chúng tôi, việc mua bán đất để xây mộ mới rộ lên ở Hòa Sơn từ đầu năm đến nay khi Nghĩa trang Hòa Sơn hiện có gần 100 ngàn mộ và chỉ còn 1 hecta đất dự phòng gần như không còn chỗ để an táng người đã khuất. Nghĩa trang Hòa Ninh cách đó khoảng 7-8 km hiện có hơn 9.000 mộ. Thành phố đang cho xây dựng Nghĩa trang Hòa Ninh giai đoạn 2 với 22 hecta, diện tích để an táng khoảng 12 hecta với 24.000 mộ nhằm di dời các mộ trong dự án giải tỏa trên địa bàn. Theo báo cáo từ các quận, huyện trên toàn thành phố, trong năm 2012 có khoảng hơn 37.000 mộ trong vùng di dời giải tỏa từ các dự án trọng điểm. Vì vậy, theo Ban quản lý nghĩa trang Đà Nẵng, giai đoạn 3 của Nghĩa trang Hòa Ninh sẽ được tiến hành với khoảng hơn 100 hecta để giải quyết chỗ cho số mộ di dời này. Nghĩa trang ở Hòa Khương cũng đang được mở rộng…

“Nhiều người không thích lên Nghĩa trang Hòa Ninh vì xa xôi, việc thăm nom, hương khói cũng khó. Hơn nữa, nhiều người có người thân an táng ở Hòa Sơn nên cũng muốn tìm miếng đất gần đây cho thuận tiện”, anh Hải, một thợ xây dựng chuyên xây mồ mả ở đây thổ lộ. Bên cạnh đó, theo quy định của Ban Nghĩa trang thành phố, mỗi người chết chỉ được phân lô 1,3x3m, không được xây cao quá 1,5m và không được chọn hướng chôn cất người chết theo ý của gia đình. Điều này khiến nhiều người không thực hiện được mong muốn xây dựng mồ mả cho người đã khuất khang trang, rộng rãi và bề thế. Anh L.V.Q (38 tuổi, làm việc tại một đơn vị viễn thông), vừa mua 100m2 đất cạnh chỗ “cò” Sơn giới thiệu với tôi, bộc bạch: “Nhà mình có 9 anh em, ông bà cũng đã cao tuổi rồi nên mua đất để dành chứ chưa xây. Mua đất trong nghĩa trang thì phải xây theo quy định của thành phố và mộ nằm cách xa nhau, trong khi mình muốn cả gia đình nằm chung một khu, nên mua ở ngoài xây cho tiện”. Khi được hỏi về việc vi phạm pháp luật nếu mua đất ở ngoài nghĩa trang, anh Q. cho biết: “Người ta mua đầy ra đó, có sao đâu mà sợ!”.

“Sẽ xử lý mạnh hơn”

Ông Phùng Quýt, Phó trưởng Ban quản lý các nghĩa trang thành phố, cho rằng: “Thường xung quanh nghĩa trang phải có vành đai cách ly trong khu dân cư hơn 20m. Thành phố đang nỗ lực di dời trên 2.000 ngôi mộ nằm xen lẫn trong khu vực dân cư ở quận Hải Châu và Thanh Khê cùng nhiều mộ nằm trong vùng dự án cũng với mục đích bảo đảm vấn đề môi trường và phát triển kinh tế - xã hội. Song, vì lợi nhuận trước mắt, nhiều hộ dân đã bán đất sát rìa nghĩa trang cho người có nhu cầu an táng. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh khu dân cư ở thôn Phú Thượng và Hòa Khê. Đó là chưa kể tình trạng mất an ninh, trật tự do tranh giành xây dựng mồ mả giữa các đội xây dựng và cải táng”.

Thôn Phú Thượng hiện có khoảng hơn 400 hộ. Trước đây, thành phố có ý định thu hồi 36 hecta thuộc khu A2 để bố trí mở rộng nghĩa trang nhưng sau đó không thu hồi mà chuyển sang chỉnh trang khu vực này. Ông Trần Kim Đính, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho biết: “Địa phương biết việc mua bán đất để xây mộ nhưng việc này xảy ra không nhiều. Chúng tôi cũng đã nhiều lần làm việc với Ban quản lý nghĩa trang để phối hợp xử lý. Hầu hết họ bán bằng giấy tay, sang nhượng lén lút nên không dễ phát hiện. Khi chúng tôi đến thì mộ đã chôn rồi, lại liên quan đến vấn đề tâm linh nên khó xử lý. Sắp đến chúng tôi sẽ tổ chức họp dân thông báo, tuyên truyền và tăng cường lực lượng để xử lý mạnh hơn”. Tuy nói rằng việc mua bán đất để xây mộ không nhiều nhưng ông Đính lại cho biết “vừa đập mấy chục mét tường thành rào quanh cả trăm ngôi mộ xây dựng trái phép trên đất vườn”.

Cách đây khoảng 3 tháng, chính quyền xã Hòa Sơn đã xử phạt 3 hộ dân, mỗi hộ 2 triệu đồng vì bán đất trái phép để xây mộ. Chỉ làm phép tính nhỏ, số tiền phạt này không thấm tháp gì so với số lợi nhuận từ tiền bán đất mang lại. Theo ông Hồng Xuân Phước, cán bộ địa chính xã Hòa Sơn: “Việc người dân lợi dụng bán đất khó xử lý do chưa có văn bản chính thức cắm mốc ranh giới rõ ràng, vùng nào chỉnh trang, vùng nào chưa nên người dân lợi dụng đất lân cận nghĩa trang để bán”.

Trong khi đó, bà Đặng Thị Lê, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội, văn phòng tại Đà Nẵng, cho biết: “Việc tự tiện bán đất không có chứng nhận của cơ quan thẩm quyền là vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai. Hơn nữa, bán đất trồng cây lâu năm để làm mồ mả là sử dụng đất sai mục đích. Nếu không có những giải pháp kịp thời thì hậu quả sẽ rất lớn”.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.