Từ việc chậm xóa thế độc quyền của EVN, Petrolimex đến khó quản thương lái Trung Quốc thu gom nông sản, hàng giả phổ biến đến chất lượng đập Thủy điện Sông Tranh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đều thừa nhận mình “có một phần trách nhiệm”.
Câu hỏi tổng quát nhất dành cho người đứng đầu ngành công thương trong phiên trả lời chất vấn sáng nay, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, là các giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn, tồn kho cho doanh nghiệp. Tuy vậy, các câu hỏi đại biểu đặt ra trong sáng nay lại đi vào nhiều vấn đề cụ thể, trong đó có những chất vấn khá hóc về trách nhiệm của Bộ Công Thương xung quanh tình trạng độc quyền của EVN, tăng – giảm giá xăng dầu cũng như việc phát triển thủy điện, an toàn của đập Sông Tranh…
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận nhiều mâu thuẫn, khó khăn trong điều hành. Ảnh: Tiến Dũng |
Trước câu hỏi khá thẳng của các đại biểu, Bộ trưởng Hoàng đã có những câu trả lời được Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhiều lần khen là “trực diện, đáng hoan ngênh”. Biểu hiện rõ nhất là việc người đứng đầu ngành công thương liên tục nhận trách nhiệm trong các vấn đề liên quan.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đặt vấn đề về lộ trình xóa độc quyền trong ngành điện phải đến năm 2022 mới hoàn tất (mất 17 năm) là quá lâu, Bộ trưởng Hoàng cho biết nguyên nhân là mặt hàng điện rất đặc thù, vừa phải thực hiện dần theo giá thị trường, vừa phải đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải. Do đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, việc thực hiện cần khẩn trương, nhưng thận trọng.
Thị trường phát điện cạnh tranh sẽ chính thức áp dụng kể từ 1/7 này. Đến năm 2014, tất các các nhà máy phát điện sẽ được cạnh tranh công bằng bằng việc bán điện cho Trung tâm điều độ điện quốc gia. Tuy nhiên, phải đến năm 2022, việc thị trưởng hóa ở khâu truyền tải và phân phối điện mới dự kiến được áp dụng.
Tuy vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu Hùng và một số phát biểu khác, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, rà soát lại, xem có thể rút ngắn ở những khâu nào, nếu có thể sẽ hoàn thành trước thời điểm nêu trên. “Để chậm việc thị trường hóa giá điện, chúng tôi với tư cách là cơ quan tham mưu, xây dựng đề án cho Chính phủ có một phần trách nhiệm”, ông Hoàng thừa nhận.
Tương tự đối với câu chuyện độc quyền trong kinh doanh xăng dâu, nơi mà Petrolimex nắm khoảng 60% thị phần, Bộ trưởng Hoàng cho rằng đây là vấn đề mang nhiều yếu tố lịch sử khi mà doanh nghiệp đi trước, có nhiều lợi thế trong việc phát triển đại lý, sản phẩm, kênh phân phối. Tuy nhiên, thời gian qua, cơ quan quản lý cũng đã cố gắng đa dạng hóa các nhà cung cấp, hiện đã có 12 đầu mối kinh doanh, dần cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Đồng thời, ngành công thương cũng sẽ cùng với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 84 để việc điều hành giá trở nên linh hoạt, sát hơn với diễn biến thị trường thế giới.
Về việc phát triển các nhà máy thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thời gian qua, cơ quan quản lý đã rà soát và loại bỏ 52 công trình quy mô nhỏ, không đáp ứng được các điều kiện an toàn, môi trường cũng như thiếu tính kinh tế. Hiện bộ cũng đã rà soát được 42 trên tổng số 45 đề án xây dựng thủy điện khác ở cấp trung ương quản lý. Tuy vậy, theo người đứng đầu ngành công thương thì thủy điện chắc chắn là một nguồn năng lượng thứ cấp, có tính kinh tế cao, thực hiện được đa mục tiêu (ngăn lũ – cấp nước)… nên chắc chắn sẽ tiếp tục được phát triển trong tương lai.
Riêng về trường hợp sự cố tại Thủy điện Sông Tranh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sau khi xử lý, hiện “chưa có cơ sở để nói không an toàn”: “Trách nhiệm của Bộ và các cơ quan chức năng, chủ đầu tư là phải đảm bảo an toàn. Nếu phát hiện dấu hiệu không an toàn, chúng tôi sẽ kiên quyết cho dừng”, ông khẳng định.
Về thắc mắc của đại biể Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng) xung quanh việc thương nhân Trung Quốc thu mua nông sản tràn lan trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận là có tình trạng này. Cụ thể, theo Luật Thương mại cũng như các quy tắc WTO, tư thương, doanh nghiệp Trung Quốc cũng như bất cứ quốc gia nào không được phép trực tiếp thu mua, xuất khẩu nông sản khỏi Việt Nam nếu không có đại diện thương mại hợp pháp (doanh nghiệp được cấp phép hoạt động tại Việt Nam).
Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn có hiện tượng thương nhân Trung Quốc “lách luật” để thực hiện hành vi này. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đang chỉ đạo sở công thương các tỉnh tăng cường kiểm và xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát các quy định, sửa đổi những kẽ hở mà doanh nhân nước ngoài có thể lợi dụng để thực hiện hành vi sai trái.
Ngoài câu chuyện nêu trên, đại biểu Nguyễn Quang Cường cũng bày tỏ bức xúc về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, gây ảnh hưởng tới sản xuất, quyền lợi người tiêu dung. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận tình trạng này rắc rối từ lâu nhưng “ngành công thương làm chưa thực sự hiệu quả, dù có cố gắng”. Nhận trách nhiệm về vấn đề này, Bộ trưởng cũng thừa nhận lực lượng trực tiếp giữ gìn trật tự trong lĩnh vực này là Quản lý thị trường, trong nhiều trường hợp còn hạn chế, thậm chí có tiêu cực. Người đứng đầu ngành công thương khẳng định sẽ có biện pháp chấn chỉnh để giải quyết, giảm dần ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và uy tín hàng hóa Việt Nam.
Trong phiên chất vấn buổi sáng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhận được nhiều chất vấn khác của các đại biểu xung quanh vấn đề phát triển và tồn kho của ngành xi măng, khai thác titan, phát triển khu công nghiệp… Với thái độ khá thẳng thắn, người đứng đầu ngành công thương cũng nhiều lần thừa nhận các bất cập trong điều hành, đồng thời cam kết sẽ sớm có giải pháp kịp thời để chấn chỉnh, đảm bảo thúc đẩy sản xuất – tiêu dùng, phục vụ mục tiêu phát triển và tái cơ cấu kinh tế.
Theo VnEpress