.

CÁC ỦY BAN QUỐC HỘI VÀ BỘ, NGÀNH TRUNG ƯƠNG TRẢ LỜI Ý KIẾN CỬ TRI

(Tiếp theo)

Câu 3: Cử tri phản ảnh thời gian gần đây, tình hình Biển Đông phức tạp, cùng với các thiết bị đánh cá lạc hậu, hiệu quả đánh bắt không cao, nhiều ngư dân đã bán tàu bỏ biển, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ngưng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô xuất khẩu... đề nghị Chính phủ quan tâm có chính sách phù hợp để khuyến khích người dân khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất và bám biển để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo (Cử tri các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn).

Tại Công văn số 804 ngày 22-3-2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau:

Hiện nay, cả nước có hơn 24.000 tàu cá xa bờ (tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên), các tàu cá được trang bị đầy đủ thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc, phao cứu sinh, ngư lưới cụ và các trang thiết bị phục vụ khai thác phù hợp với các nghề hoạt động trên các vùng biển xa bờ. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, một số yếu tố bên ngoài đã tác động đến tình hình khai thác thủy sản của ngư dân ta trên các vùng biển nhưng với truyền thống bám biển vừa bảo đảm sản xuất ổn định đời sống vừa tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển, ngư dân ta vẫn tích cực, chủ động để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất và có các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như: Tổ chức hoạt động thành các tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển; tăng cường hoạt động của các tàu dịch vụ: Thu mua hải sản và cung ứng dầu, đá, nước ngọt trên biển để bảo đảm chất lượng sản phẩm và thời gian bám biển dài ngày hơn; sử dụng các tàu kéo nhau ra biển khai thác để giảm chi phí chuyến biển; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trước khi tiến hành ra khơi khai thác, áp dụng các kỹ thuật tiến bộ trong khai thác thủy sản... qua đó đã tăng năng suất, hiệu quả khai thác, bảo đảm các tàu cá vẫn bám biển hoạt động bình thường, tạo công ăn việc làm cho người lao động và cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Thời gian vừa qua, ngành Thủy sản đã được Chính phủ quan tâm, chú trọng đầu tư, hỗ trợ; đã có nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành như:

1- Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân;

2- Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 về một số chính sách khuyến khích hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện;

3- Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23-9-2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; và Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15-10-2010, Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 2-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Trong đó có hỗ trợ lãi suất vay cho việc đầu tư các trang thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đóng mới tàu thu mua chế biến hải sản...

Thực hiện Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020; hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Đề án tổ chức lại ngành khai thác thủy sản; Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới đánh bắt xa bờ... Với những chính sách đã được ban hành và đang xây dựng kết hợp với sự hỗ trợ của các lực lượng bảo vệ chủ quyền lãnh hải của ta như Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và lực lượng kiểm ngư sẽ bảo đảm an toàn cho ngư dân ta khai thác hải sản trên biển, góp phần vào việc gìn giữ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

(Còn nữa)

H.B.P (Tổng hợp)

 

;
.
.
.
.
.