CCB Lê Vĩnh Đề (ảnh - ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang), nguyên Trợ lý tác chiến Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 803, Liên khu 5), vừa kể lại trận đánh tiêu diệt Đồn Nhứt trên đỉnh đèo Hải Vân trong thời kỳ chống Pháp.
...Đồn Nhứt vốn là chòi canh trên đèo Hải Vân, được xây dựng từ thời Nhà Nguyễn, có tường bao bọc xung quanh, trong đó có một tháp canh rất cao. Khi quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, Pháp đưa quân chiếm giữ khu vực này và gọi là “Đồn Nhứt”, hòng bảo vệ hai tuyến giao thông qua đèo (đường bộ và đường sắt). Quân địch tại đây có một trung đội Âu Phi, trang bị nhiều loại hỏa lực mạnh, xây dựng hệ thống hầm hào vững chắc và gia cố thêm đá hộc, biến tháp canh thành lô cốt hết sức kiên cố.
Về phía ta, sau chiến dịch Hè thu 1952, Tiểu đoàn 59 cử Đại đội 6, tăng cường một trung đội hỏa lực do Tiểu đoàn phó Trần Ngọc Anh chỉ huy tiến ra Hòa Vang, tổ chức tấn công Đồn Nhứt, nhằm thu hút địch về phía bắc Quảng Đà. Tôi được giao đi cùng đồng chí Trần Ngọc Anh để làm nhiệm vụ tham mưu tác chiến. Hạ tuần tháng 9-1952, đơn vị bí mật về ém quân ở một xóm nhỏ ven sông Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), khẩn trương bổ sung phương án tác chiến, kiểm tra mọi công tác chuẩn bị, trong đó có hai chiếc thang tre.
Tối 23-9-1952, đơn vị xuất phát. Chúng tôi men dọc sông Trường Định, gần đồn Quan Nam, rồi vượt qua trảng cát Xuân Thiều, cạnh căn cứ lớn của giặc ở đầu cầu Thủy Tú. 4 giờ ngày 24-9, đơn vị đến chân đèo Hải Vân và suốt ngày hôm ấy, chúng tôi tiếp tục cắt đèo, tiến lên phía đồn địch. Trời mưa như trút nước. Áo quần ướt sũng. Anh em dành hết áo mưa, tấm nilon để bao bọc bộc phá, nụ xòe, dây cháy chậm... Ai nấy hừng hực ý chí lập công, khẩn trương nhắm đồn thù mà tiến.
20 giờ 40 ngày 24-9, toàn đơn vị đến vị trí tập kết, cách đồn địch khoảng 800 mét, triển khai đội hình tiềm nhập. Các bộ phận lần lượt vượt đường quốc lộ, tiếp cận mục tiêu đúng ý định. Tổ bộc phá trườn lên, đưa khối bộc phá 20kg áp vào thành lô cốt chính, chờ lệnh.
|
1 giờ 30 phút ngày 25-9, một tiếng nổ lớn vang lên, nhưng do thành lô cốt quá dày, bộc phá nổ tốt mà không phá thủng. Địch phản ứng điên cuồng, bắn xối xả vào đội hình ta. Lập tức, hai chiến sĩ vác thang lao tới, bắc vào thành lô cốt (để leo lên ném bộc phá). Thang quá ngắn, anh em bèn nối hai thang vào nhau, nhưng vẫn còn thiếu một đoạn. Trước tình thế khó khăn, Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương đã lao vào, dùng hai tay nhấc bổng hai chân thang lên, áp đầu thang phía trên vào tường và giục đồng đội nhảy lên vai anh để leo lên. Các chiến sĩ đánh lô cốt đầu cầu leo nhanh lên đầu thang, ném thủ pháo, lựu đạn vào trong lô cốt, rồi nhảy vào chiếm lô cốt, yểm trợ cho các mũi xung kích. Trong khi nâng giữ thang cho đồng đội vượt tường, anh Dương đã bị trúng đạn, nhưng vẫn cố gồng sức giữ thang, đến khi chiếm được lô cốt, anh mới ngã xuống.
Tiếng thét xung phong vang dội núi rừng. Các tổ xung kích xông vào giết giặc, trả thù cho người tiểu đội trưởng anh hùng. Các ổ đề kháng của địch lần lượt bị đè bẹp, tên quan hai đồn trưởng và những tên lính Âu Phi run rẩy giơ tay đầu hàng. Địch bị diệt và bị bắt không sót một tên. Ta giáo dục, phóng thích tại chỗ, chỉ dẫn tên chỉ huy về tuyến sau để khai thác...
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM