.

Cho những chuyến tàu bình yên

.

“Đã trải qua biết bao con nước lớn, nước ròng, nếm đủ vị khắc nghiệt của cuộc sống, nhưng mỗi lần đứng trước biển, hướng mắt về thành phố, chúng tôi lại thấy trách nhiệm của mình lớn lao hơn”, Thượng tá Nguyễn Văn Chấm, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng (CKC), thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng thành phố Đà Nẵng, tâm sự.
 

BĐBP thành phố đón tàu Hải quân Mỹ đến thăm Đà Nẵng vào tháng 4-2012.
BĐBP thành phố đón tàu Hải quân Mỹ đến thăm Đà Nẵng vào tháng 4-2012.

Là trung tâm xuất nhập khẩu và du lịch lớn nhất khu vực miền Trung, Biên phòng CKC Đà Nẵng có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh cửa khẩu và giữ vững trật tự an toàn xã hội địa bàn Cảng Đà Nẵng. Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và lực lượng giao phó, Biên phòng CKC luôn thực hiện tốt 3 nhiệm vụ: Quốc phòng - an ninh và đối ngoại.

Những năm qua, thực hiện đường lối rộng mở, phát triển quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, lượng tàu và thuyền viên, hành khách nước ngoài đến Cảng Đà Nẵng ngày càng tăng. Năm 2011, Biên phòng CKC Đà Nẵng đã giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh (XNC) chuyển cảng đi và đến cho 847 lượt tàu nước ngoài, 37.895 lượt thuyền viên, 36.745 lượt khách du lịch, trong đó có 11 tàu quân sự nước ngoài, gồm 4 tàu Mỹ, 3 tàu Nga, 1 tàu Singapore và 1 tàu Trung Quốc, 2 tàu Nhật Bản với 1.256 thủy thủ đoàn. Để bảo đảm an ninh, an toàn việc đón tiễn các tàu quân sự nước ngoài chặt chẽ nhưng thuận lợi cho thuyền viên đi bờ, nghỉ qua đêm..., Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ những nội dung cơ bản Nghị định 55/CP của Chính phủ về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào Việt Nam, giao cho lực lượng làm công tác XNC triển khai, bảo đảm chặt chẽ về thủ tục, tạo thuận lợi cho các hoạt động thăm xã giao, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên khu vực cửa khẩu.

Thượng tá Nguyễn Văn Chấm, Chỉ huy trưởng Biên phòng CKC Đà Nẵng, cho biết đối với các tàu quân sự đến Cảng Đà Nẵng, đơn vị đã xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch, tổ chức bảo vệ tàu, bảo đảm duy trì các hoạt động bình thường của tàu và thủy thủ đoàn theo đúng chương trình; giải quyết các thủ tục theo thẩm quyền nhanh, gọn, đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng như Công an, quân sự và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, cùng Cảng Đà Nẵng, Hải quan, Ngoại vụ, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế quốc tế... nhằm bảo đảm an ninh trật tự; đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động phá hoại của một số phần tử và đối tượng xấu.

Trong quá trình tiến hành các biện pháp công tác Biên phòng, cán bộ, chiến sĩ làm công tác thủ tục, giám hộ, trinh sát, ngoài lĩnh vực chuyên môn gắn với công tác vận động tuyên truyền đối ngoại Biên phòng, thông qua tuyên truyền đối ngoại làm cho thuyền viên, thủy thủ đoàn, hành khách nước ngoài đến Đà Nẵng hiểu đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; kết hợp quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Công tác tuyên truyền đối ngoại được tổ chức từ khâu làm thủ tục nhập, xuất cảnh, đến hộ tống và quá trình giám hộ, vừa tuyên truyền trực tiếp, vừa thông qua các đơn vị phối hợp công tác như Cảng vụ, Hải quan, đại lý tàu, công ty du lịch lữ hành... để tuyên truyền đối ngoại. Đối với các tàu quân sự đến Đà Nẵng, Ban Chỉ huy Biên phòng CKC đã làm việc trực tiếp với đại sứ quán, tùy viên quân sự để thực hiện một số nội dung cơ bản về công tác bảo đảm an ninh, đồng thời kết hợp thông báo một số quy định để thông qua họ tuyên truyền cho thủy thủ đoàn chấp hành các nội quy cũng như yêu cầu cần thiết nhằm tạo cơ sở cho thủy thủ đoàn biết và chấp hành nghiêm túc các quy định về công tác cửa khẩu. Trong giải quyết các thủ tục XNC, tạo được sự thông thoáng về thủ tục hành chính, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, thái độ tác phong làm việc nghiêm túc, lịch thiệp và giàu lòng mến khách, nhưng lại chặt chẽ về mặt an ninh, hướng cho các tàu, thuyền viên nước ngoài đến Đà Nẵng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Bài và ảnh: BÁ VĨNH

;
.
.
.
.
.