.

Đà Nẵng hỗ trợ nghề cá

.

Bờ biển dài 92km, vùng lãnh hải với ngư trường rộng lớn 15 nghìn km2, tài nguyên hải sản phong phú, trữ lượng trên 1 triệu tấn, Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn về đánh bắt hải sản. Từ xa xưa, nghề cá vùng này đã rất phát triển và hình thành các làng nghề nổi tiếng như nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), Nam Thọ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), ruốc ở phường Thuận Phước (quận Hải Châu)…

Chuyển hải sản lên bờ.
Chuyển hải sản lên bờ.

Từ ngày trực thuộc Trung ương đến nay, cơ sở hậu cần nghề cá được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện, hiện đại, không chỉ đáp ứng nhu cầu nhận - trả hàng của ngư dân địa phương mà còn là chốn đi về của tàu bè các tỉnh trong khu vực. Ngoài âu thuyền tránh bão đủ khả năng neo đậu cùng lúc khoảng 1.000 tàu cá, tại đây còn có cảng cá với 3 cầu đậu tàu, cùng lúc đón gần 100 chiếc vào nhận - trả hàng, chợ đầu mối thủy sản và KCN dịch vụ thủy sản cùng 7 cơ sở đóng sửa tàu thuyền… Với dân số gần 1 triệu người và hơn chục nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu quy mô lớn, thành phố Đà Nẵng là thị trường lý tưởng cho sản phẩm của nghề cá.

Phát huy tiềm năng lợi thế đó, nghề cá ở Đà Nẵng không ngừng phát triển cả về lượng và chất. Nếu như trước năm 1999, toàn thành phố chưa có tàu đánh bắt xa bờ nào, thì nay đội tàu công suất từ 90CV trở lên gần 170 chiếc. So với các địa phương khác, tàu đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng không nhiều, nhưng đa số công suất từ 400 - 500CV, trang bị máy móc chuyên dụng hiện đại. Hiện tại, tàu đánh cá, tàu hậu cần nghề cá lớn miền Trung, công suất trên dưới 1.000CV đều của ngư dân Đà Nẵng. Ngư dân Đà Nẵng cũng đã tiếp cận và triển khai đánh bắt bằng nghề lưới cản, lưới vây, câu mực… khá hiệu quả.

Bên cạnh nỗ lực của ngư dân, hoạt động nghề cá ở Đà Nẵng luôn nhận sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng. Đà Nẵng coi trọng đào tạo thuyền máy trưởng, hình thành các tổ đội đánh bắt trên biển; mua bảo hiểm thuyền viên cho ngư dân; trang bị máy liên lạc tầm xa tích hợp định vị toàn cầu (GPS) cho tàu đánh bắt xa bờ, hỗ trợ dầu theo chủ trương của Chính phủ… 2 năm trở lại đây, gần chục tàu được hỗ trợ chuyển đổi nghề đánh bắt, gia cố hầm chứa hải sản đúng tiêu chuẩn. Việc sử dụng máy dò ngang (máy tầm ngư) trong đánh bắt đã khá phổ biến. Trước đây, nghề giã cào cao tốc, chuyến biển nửa tháng thu nhập 50 - 80 triệu đồng đã là phấn khởi, còn nay với nghề lưới vây, sử dụng máy dò ngang, chuyến biển 2 tuần, tàu xa bờ đưa về trên 20 tấn cá, trị giá hơn nửa tỷ đồng không hiếm. Ông Lê Văn Chiến, thuyền trưởng tàu 500 CV số hiệu ĐNa 90351, người vừa tham dự Hội nghị Nông dân SXKD giỏi toàn quốc lần thứ IV trở về cho biết: Gắn bó với nghề biển 27 năm, chưa khi nào đánh bắt thuận lợi và hiệu quả như thời gian này. Ngoài hoạt động đánh bắt hải sản đem lại lợi ích cho gia đình, ngư dân còn nhận hỗ trợ rất lớn từ ngành thủy sản và chính quyền các cấp. Sau đợt được hỗ trợ 128 triệu đồng lắp đặt máy tầm ngư, tàu còn được lắp miễn phí thiết bị định vị toàn cầu GPS, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên và thân tàu…

Tuy đã có sự phát triển khá lạc quan, song nghề cá ở Đà Nẵng vẫn bộc lộ một số hạn chế. Đó là số tàu công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ còn rất lớn, khoảng 1.500 chiếc. Riêng ghe nan, thúng máy hơn 600 chiếc. Sản lượng đánh bắt còn thấp, dao động từ 35-37 nghìn tấn/ năm. Việc nâng công suất tàu và đóng mới tàu công suất lớn rất chậm. Những tàu vừa đóng mới chủ yếu từ nỗ lực của ngư dân, chưa nhận được sự hỗ trợ từ ngành chức năng và ngân hàng. Việc chuyển đổi nghề cho số tàu công suất nhỏ triển khai còn ít. Hội Nghề cá thành lập hơn 5 năm, đã có một số hoạt động nhất định, song chưa là chỗ dựa vững chắc cho hội viên. Do giải tỏa, hoạt động nuôi trồng thủy sản đang có xu hướng giảm mạnh.   

Đánh bắt hải sản là hoạt động đem lại lợi ích lớn không chỉ cho ngư dân mà cho đời sống xã hội. Với tiềm năng lợi thế lớn về ngư trường, về thị trường và cơ sở hậu cần nghề cá, hy vọng nghề cá Đà Nẵng sẽ phát triển với đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu trong thời gian tới.

Bài và ảnh: HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.