.

Đi giữa những mảnh vỡ

.

Vừa bước vào Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam cơ sở 2, thành phố Đà Nẵng, tôi giật mình bởi cái nắm tay bất chợt từ một cậu bé ngây dại và tràng cười bất tận của một cô bé ngồi cuối lớp... Nơi đây có những con người vẫn hằng ngày, hằng giờ đi giữa những mảnh vỡ của cuộc đời để xoa dịu nỗi đau da cam.

Học chữ tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam cơ sở 2.
Học chữ tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam cơ sở 2.

Những học trò đặc biệt

Lớp học vẽ của thầy Trương Tấn Dũng (30 tuổi) ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam cơ sở 2 (112/11 Quang Trung, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) hôm nay có 20 học sinh. Sau khi điểm danh, thầy Dũng cho cả lớp vẽ tự do trên giấy. Một tiếng “dạ” đồng thanh, cả phòng im phắc, chỉ có tiếng sột soạt của giấy, tiếng thở phì phò của một học sinh nào đó. Thầy Dũng hỏi: “Xuân Anh, con đã uống thuốc chưa?”. Cô bé nói “dạ dồi” (rồi) rõ to. Xuân Anh thường bị động kinh, có lần em lăn đùng giữa lớp sùi bọt mép lên cơn vì chưa uống thuốc. Chợt Hoàng Anh đứng dậy, lắc lắc bím tóc, ra hiệu và được thầy cho ra ngoài để “giải quyết nỗi buồn”. Thuận và Hưng thấy vậy bỏ cả hai chân lên bàn, cười ngất ngưởng, nhưng thầy Dũng nghiêm giọng nên 2 em liền bỏ chân xuống, gãi đầu, gãi tai. Mấy em ngồi cạnh đập tay vào vai Thuận rồi cười theo khiến cả lớp nhộn nhạo như cái chợ. Một lúc sau, Thuận giơ lên một bức tranh vẽ ngôi nhà rất đẹp, thầy Dũng bảo: “Cả lớp khen bạn nào!”. Cả lớp vỗ tay rào rào. Thuận cười ngặt nghẽo ra vẻ khoái chí lắm, cởi áo vẫy vẫy...

Chị Nguyễn Thị Kim Yến (44 tuổi, cán bộ phụ trách trung tâm), tham gia cùng thầy Dũng trong hoạt động dạy và học ở trung tâm, cho biết: “Để giữ được trật tự như thế này, thầy Dũng phải mất khá nhiều thời gian trong việc tìm hiểu tính cách từng em, đưa các em vào nền nếp”. Chị Yến kể: Ban đầu, hầu hết các em đến lớp đều đi đại tiện và tiểu tiện ngay giữa nhà. Chuyện thương tích do bị các em đánh đối với những cán bộ nơi đây đã trở nên bình thường. “Có một số em bị thần kinh nhẹ, thiểu năng trí tuệ hoặc thường lên cơn động kinh. Vì vậy, nhiều lúc mình phải né khi bị các em đánh, chờ các em qua cơn mới từ từ khuyên bảo”, thầy Dũng bộc bạch. Ngay cả chuyện tập cho các em tự bưng cơm ăn cũng khá gian nan. Có lúc ngoảnh ra ngoảnh vào đã không thấy tô cơm đâu nữa, hóa ra khi cô Yến vừa quay đi, các em liền xúc cơm và đổ đi.

Niềm vui nho nhỏ

Lớp học gần như lúc nào cũng đông đủ, ngày nắng cũng như mưa, dù có em ở cách xa trung tâm đến cả chục cây số. Đến giờ, có em đã có thể tự làm Toán, giao tiếp vui vẻ với bạn bè, tự lo những sinh hoạt cá nhân và không còn tè hay ị ra nhà. Mỗi ngày, một bạn đảm nhận khâu vệ sinh như: lau nhà, đổ rác và giúp các cô rửa chén sau giờ ăn trưa.

Phạm Diệu Linh (17 tuổi, ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) lúc đầu vào trung tâm chỉ biết ngồi một chỗ, cả ngày không nói tiếng nào, đôi mắt vô hồn nhìn vào khoảng không. Đến giờ, Linh đã có thể chào thưa lễ phép, biết phân biệt được màu sắc. “Thầy Dũng ẹp (đẹp) ai (trai)...”, khi Linh thốt lên những tiếng đó, thầy Dũng và cô Yến đã mừng đến phát khóc. Những giọt nước mắt vui sướng là kết quả của những ngày dài luyện tập, của những giọt mồ hôi mặn chát của thầy của trò. Hay như Võ Huy Hưng (18 tuổi, quận Sơn Trà) lúc mới vào trung tâm thường đánh bạn, đánh thầy, nay đã biết nghe lời. Còn Bùi Duy Trường (quận Hải Châu) đã bỏ được cái tật... leo tót lên bàn ngồi và đập phá đồ đạc như khi mới vào trung tâm. Thầy Dũng cho biết: “Ở đây mỗi em một dạng tật do di chứng da cam, mỗi em một cảnh đời khác nhau nhưng hầu hết đều sinh ra trong gia đình nghèo, cha mẹ bỏ nhau. Bởi vậy, thiệt thòi mà các em gánh chịu đâu phải chỉ là hậu quả của chiến tranh”. Bản thân thầy Dũng cũng bị bại liệt từ nhỏ sau một cơn sốt, mẹ mất sớm, ba bỏ đi biệt nên anh hiểu được những nỗi đau không lời như thế. Thầy Dũng nhớ mãi một kỷ niệm: Cách đây chưa lâu, em Hoàng Anh quậy trong lớp học nên bị thầy quở trách. Đến trưa, cô Yến sai Hoàng Anh đi đổ rác nhưng không thấy em quay lại. Vậy là thầy Dũng và một vài cán bộ Trung tâm tá hỏa đi tìm. Một lúc sau thì Hoàng Anh lò dò bước vào với một bó hoa to. Thì ra hôm đó là sinh nhật của thầy Dũng. Người thầy giáo này đã ôm bó hoa, quay mặt đi giấu những giọt nước mắt.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.