.

Đôi điều về phản biện xã hội

Nếu hiểu phản biện là phát huy dân chủ, bảo đảm tự do tư tưởng, khuyến khích tự do tranh cãi để tìm ra chân lý, sự đúng đắn, cái tối ưu của một quyết định (chủ trương chính sách), một kiến giải (công trình khoa học) thì phản biện là một việc cần làm, phải làm, một việc bình thường của một xã hội dân chủ.

Giám sát là theo dõi, kiểm tra xem những người và tổ chức có thực hiện đúng những điều đã quy định không. Đối tượng giám sát là những việc đã và đang làm. Đối tượng phản biện là những quyết định (chủ trương chính sách, pháp luật, dự án), những công trình khoa học đang trong quá trình đánh giá, nghiệm thu, hoàn thành.

Hiện nay, có 3 lĩnh vực hoạt động phản biện được xem là quan trọng:

1. Hoạt động phản biện trong đánh giá nghiệm thu các công trình nghiên cứu khoa học, các luận án khoa học. Thường trong các hội đồng xét duyệt có những ủy viên phản biện. Nhiệm vụ của họ là chỉ ra những sai lầm, thiếu sót về nguyên lý khoa học, về sự phù hợp với thực tiễn. Từ những nội dung phản biện đó, công trình có thể được hay không được xét duyệt nghiệm thu, được công nhận học vị, hay chuyển hướng nghiên cứu hoặc chấm dứt.

2. Hoạt động phản biện của báo chí. Với chức năng là diễn đàn của nhân dân, thực hiện quyền tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp, hoạt động phản biện của báo chí có phạm vi rất rộng, từ các quyết định về pháp luật, chủ trương, chính sách của chính quyền đến những lập luận quan điểm của các cá nhân và tổ chức về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội… được thể hiện dưới mọi hình thức. Hoạt động phản biện của báo chí phản ánh, quảng bá các hoạt động phản biện khoa học và hoạt động phản biện của MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức xã hội dân sự, đồng thời cũng có những hoạt động của riêng nó.

3. Hoạt động phản biện của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân (các đoàn thể chính trị - xã hội) như yêu cầu trong các văn kiện của Đảng thường được gọi là phản biện xã hội.

Thật ra khó có một phân định rạch ròi giữa phản biện khoa học và phản biện xã hội. Phản biện xã hội muốn thật sự thuyết phục phải được diễn giải, lập luận khoa học. Phản biện khoa học khi đi vào các chủ đề xã hội nhân văn thì đích thực là phản biện xã hội.

Tôi không có điều kiện nghiên cứu xem vai trò giám sát phản biện của MTTQ Việt Nam được nêu lên từ bao giờ, các văn kiện của Đảng gần đây thường gắn giám sát với phản biện xã hội. Hoạt động giám sát của Mặt trận và nói rộng của các đoàn thể nhân dân đã được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam, được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 12-6-1999. Điều 2, Luật này ghi rõ “MTTQ Việt Nam có nhiệm vụ giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức Nhà nước”. Luật này cũng có riêng điều 12 về hoạt động giám sát.

Trong Luật này không hề có một chữ, một điều nào về hoạt động phản biện.

Theo tôi biết, Văn kiện của Đảng có nói đến phản biện đầu tiên là Văn kiện Đại hội X (4-2006) với nguyên văn “Nhà nước ban hành, bổ sung pháp luật để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”.

Từ Văn kiện này, có thể hiểu MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có vai trò giám sát và phản biện xã hội nhưng do thiếu pháp luật nên phải ban hành và bổ sung để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt.

Điều này hoàn toàn đúng với phản biện xã hội vì giám sát thì dù sao cũng có một số điều trong Luật MTTQ Việt Nam như đã trình bày.

Đến Đại hội XI (tháng 1-2011), Văn kiện Đại hội viết: “Nhà nước có cơ chế chính sách tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”.

Sau 5 năm chưa làm được gì (ban hành bổ sung pháp luật), vấn đề đặt ra ở đây là có cơ chế chính sách để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, trong đó có thực hiện vai trò giám sát phản biện.

Gần đây nhất, Nghị quyết của Hội nghị BCH Trung ương Đảng khóa XI, kỳ họp thứ tư (tháng 12-2011) viết: “Ban Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, các cơ quan liên quan xây dựng quy chế giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trình Bộ Chính trị ban hành”.

Ở đây nội dung cần nghiên cứu ban hành không còn là pháp luật hay cơ chế chính sách. Có điều chủ thể giám sát phản biện được mở rộng hơn, không chỉ là các đoàn thể nhân dân mà còn là các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân (có thể được hiểu là từng người, từng nhóm người, không nhất thiết phải có trong một tổ chức có tư cách pháp nhân).

Trước khi đi vào bàn thảo về phản biện có lẽ chúng ta nên thống nhất với nhau mấy điểm:

1. Con người là những sinh vật thượng đẳng có năng lực siêu việt. Chỉ có con người mới có năng lực nhận thức tư duy để từng bước hiểu biết khám phá làm chủ thiên nhiên, xã hội và chính con người.

Nhưng con người từng cá nhân hay từng cộng đồng cũng không bao giờ biết tất cả, còn rất nhiều điều con người chưa biết, và con người luôn có thể có những sai lầm.

Vì vậy, không một người nào được phép tự cho mình độc quyền chân lý, những ý kiến của mình là khuôn vàng thước ngọc, chỉ được vâng phục, không ai được phản bác.

2. Quá trình đi tìm chân lý, phát kiến ra các quy luật khoa học, cũng như những kế sách đem lại sự phát triển cho xã hội luôn là quá trình lao tâm khổ tứ, có khi phải trải qua những vấp váp, thất bại. Chỉ có tự do tranh luận tự do tư tưởng trên cơ sở nắm vững các kiến thức cơ bản và có vốn sống thực tiễn phong phú thì mới tiếp cận chân lý tìm ra được cái tối ưu.

Đặc biệt, với những quyết định liên quan đến cuộc sống của đông đảo quần chúng, đến quốc kế dân sinh, nếu không trải qua tranh luận dân chủ, lật đi lật lại, tính toán dự liệu mặt này và mặt khác, bộ phận và toàn cục, trước mắt và lâu dài, thì có thể phạm sai lầm, gây ra những hậu quả khôn lường.

Với những người cầm quyền, những người ban hành hoặc quyết định việc ban hành những quyết định quan trọng điều này càng cần phải hết sức quan tâm.

“Với sự tập trung quyền hành quá mức thì sau một thời gian có nguy cơ sẽ dẫn đến tha hóa về cả tinh thần và vật chất, vì khi một người có quyền lực trên hết thảy mọi người khác, những người khác sẽ chỉ nói những điều họ nghĩ rằng người cầm quyền muốn nghe. Họ giấu đi những điều nghe phật lòng và không bao giờ bày tỏ những quan điểm và ý kiến trái ngược. Kết quả là người cầm quyền chẳng bao giờ nghe được những điều cần biết để có thể lãnh đạo sáng suốt hơn. Tệ hại hơn sự tha hóa tinh thần này có thể dẫn đến tha hóa tâm hồn. Nếu không ai dám đưa ra những thông tin hay ý kiến chói tai, hoặc phản đối người cầm quyền, người cầm quyền cứ tưởng mình không hề có thiên kiến, không hề mắc sai lầm và không hề vị kỷ. Từ đó, anh ta cho rằng mọi ý kiến của anh ta đều đúng, anh ta bắt đầu ngộ nhận rằng lợi ích cá nhân của anh ta chính là lợi ích của xã hội. Khi ấy anh ta trở hành một kẻ độc tài.

 Vì lý do này một nhà lãnh đạo tốt sẽ không muốn nắm giữ quá nhiều quyền lực. Cái anh ta cần là một hệ thống trong đó nhiều người khác có thể góp phần vào quá trình ra quyết định. Khi đó, thay vì đơn thuần điều hành đất nước bằng mệnh lệnh, anh ta sẽ cân nhắc những quan điểm khác nhau. May ra lúc đó, anh ta sẽ buộc phải nhận ra rằng chính mình cũng có những thiên kiến, những sai lầm về tư tưởng và cũng vị kỷ. Một nhà lãnh đạo thật sự anh minh cần sự sáng suốt ấy và sẽ biết ơn những tiếng nói phản biện thay vì trấn áp họ” (David Willams, trong “Kiểm soát và cân bằng quyền lực”, Tia sáng số 5, ngày 5-3-2012).

(Còn nữa)

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.