Mỗi khi trở trời, những vết thương do bị chồng đánh cứ dội ngược từng cơn đau nhói khiến bà phải gồng mình cố chịu. Vết thương trên thân thể rồi sẽ liền, nhưng vết thương lòng thì không sao xóa được.
Trong gần 30 năm chung sống, bà Đoàn Thị Mười (50 tuổi, thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) luôn phải chịu đựng những lời mắng nhiếc, hành hạ, đánh đập của người chồng vũ phu.
Thích là đánh
Bà Mười rửa bát thuê để kiếm sống, nuôi con ăn học. |
Dáng người hốc hác, khuôn mặt già so với tuổi, bà Mười nước mắt lưng tròng kể về quãng đời đầy bi kịch của mình. Đầu những năm 1980, cô gái Mười kết hôn cùng Lê Tấn Hường (SN 1957, cùng thôn). Suốt 6 năm, chồng phụ hồ, vợ làm nông, có với nhau 2 mặt con, cuộc sống tuy vất vả nhưng tràn ngập tiếng cười. Nhưng dần dần tính nết của ông Hường thay đổi, hay cáu bẩn, mắng vợ con. Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong nhà nếu chẳng may làm phật ý chồng, bà Mười bị ông đay nghiến, chửi rủa, thậm chí đánh đập. Nhà thêm 2 mặt con nữa, những tưởng ông sẽ thương bà hơn... “Dạo trước, tôi được chẩn đoán gai 3 đốt cột sống. Người thân mách mua cao ngựa uống để điều trị. Thiếu tiền, tôi về xin ổng. Chẳng biết nghe ai xì xào điều gì, tôi chưa kịp uống thuốc tẩm bổ đã bị ổng cho trận đòn thừa sống thiếu chết vì nghi vợ lừa mình uống thuốc để tâm bổ, theo trai”, bà Hường nói trong nước mắt.
Đến năm 2010, bà Mười bàn với chồng xây dựng thêm căn nhà để con cái sau này ở riêng. Căn nhà vừa hoàn thành, thay vì cho con cái, ông Hường vô cớ đuổi vợ cùng 2 con út ra đây sống cách biệt và dọa nếu trở lại nhà sẽ bị “đánh chết”. Hai nhà cách nhau hơn cây số, khi có chuyện bực mình, ông Hường lại tìm đến bà Mười để mắng nhiếc, đánh đập.
Chỉ riêng trong tháng 4 vừa qua, ông Mười đã vô cớ đánh vợ 3 lần khiến hàng xóm hết sức bất bình. Khi bà Mười đang làm phụ hồ ở nghĩa trang, ông xuất hiện rồi cứ thế dùng cây gậy phang vào mặt vợ mà chẳng rõ nguyên nhân. Sau đó vài ngày, bà Mười thấy nhà mất cây phơi đồ, cái liềm nên sang nhà ông Hường hỏi. Chưa kịp nghe vợ hỏi hết câu, ông Hường liên tục mắng nhiếc rồi lao ra túm đầu tóc, vật bà xuống đất để đánh liên tiếp vào mặt. Bà Mười vội chạy ra đường, nhờ chị Ánh (hàng xóm) đi ngang qua chở về.
Về nhà, chưa kịp bước xuống sân, bà đã thấy ông Hường chạy xe đến, tiếp tục đánh tới tấp vào người cho đến khi hàng xóm can ngăn. Người thân chở bà Mười cấp cứu tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu và được bác sĩ chẩn đoán bị đa chấn thương mặt, toàn bộ phần môi, mũi, má sưng tấy. “Từ trước đến nay, dù làm vợ nhưng chưa lần nào tôi được giữ tiền. Lúc sống cùng ông, ngày nào tôi ở nhà làm việc thì ông đưa dăm ba chục ngàn đồng đi chợ. Lúc tôi làm việc bên ngoài thì ông bảo lấy tiền công chi tiêu cho gia đình. Ông vô cớ đuổi tôi ra khỏi nhà rồi bỏ mặc vợ con. Cũng vì các con mà tôi cắn răng chịu đựng”, bà Mười nói.
Chịu đựng chứ không tố giác
Vợ chồng bà Mười có 4 người con, hai con đầu lập gia đình ở riêng, hai con sau sống với mẹ. Mỗi ngày, bà Mười tìm đủ việc từ phụ hồ nghĩa trang, nhặt ve chai, rửa bát thuê để kiếm sống, nuôi hai con ăn học. Niềm động viên lớn nhất với bà là con út Lê Thị Hương L. (học sinh lớp 9, Trường THCS Trần Quang Khải) nhiều năm liền đạt học sinh giỏi. Giọng L. rầu rĩ: “Mẹ em nói sang lớp 10, em sang ở với ba vì mẹ không đủ tiền cho em học. Nhưng em thà nghỉ học chứ không dám qua bên đó”. Điều làm bà Mười khổ tâm nhất là cậu con trai đầu Lê Tấn H. (32 tuổi) hùa theo ông Hường và có những lời lẽ xúc phạm mẹ.
Bà Trần Thị Th. (52 tuổi) sống cạnh nhà bà Mười tâm sự: “Chúng tôi can ngăn nhưng ông ấy vẫn chứng nào tật ấy. Chỉ tội mẹ con bà Mười muốn sống yên ổn cũng không xong”. Một cán bộ Hội Phụ nữ xã cho rằng: “Chúng tôi có biết chuyện bà Mười thường bị chồng bạo hành, đặc biệt trong những năm gần đây. Cái khó là bà ấy thường chịu đựng thay vì tố giác việc bị chồng bạo hành nên không thể xử lý. Trước đây, mỗi lần biết chuyện bà bị hành hung, chúng tôi chỉ có thể đến khuyên giải ông Hường để xoa dịu tình hình vì đây là chuyện nội bộ gia đình. Chúng tôi đang khuyên và hướng dẫn bà làm đơn gửi chính quyền địa phương vào cuộc xử lý theo quy định của pháp luật”.
KIM NGÂN - N.H
CHUYÊN MỤC DO TỔ CHỨC HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN TÂY BAN NHA TÀI TRỢ Nạn nhân bị BLGĐ hãy liên hệ số điện thoại: 0511.3829558 |