Quản lý chặt chẽ việc thành lập nhà xuất bản
Sáng 4-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở hội trường về Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Một trong những nội dung của Đề án được các đại biểu quan tâm nhiều nhất là hoạt động giám sát.
Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh chủ trì thảo luận tổ. Ảnh: HỮU HOA |
Xây dựng 2 hình thức bỏ phiếu tín nhiệm
Theo Đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm công khai. Băn khoăn về cơ chế pháp lý đối với hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm, ĐB Vũ Hải Hà (Đồng Nai) dẫn chứng ở các nước, kết quả bỏ phiếu nếu bất lợi sẽ có hình thức bãi miễn, bãi nhiệm đối với chức danh được bỏ phiếu.
Đồng tình với việc giao UBTVQH xây dựng quy chế, tiêu chí bỏ phiếu, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) kiến nghị cần xây dựng hai hình thức bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ và bỏ phiếu tín nhiệm bất thường (bất tín nhiệm). Phạm vi, đối tượng bỏ phiếu chỉ nên tiến hành đối với các chức danh từ bộ trưởng trở lên. ĐB Nga cho rằng, bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ giúp lãnh đạo năng động hơn, còn bỏ phiếu bất thường (bất tín nhiệm) là khi dư luận cử tri bức xúc.
Trong khi đó, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) lại cho rằng không nên bỏ phiếu định kỳ hằng năm, mà chỉ nên bỏ phiếu bất thường đối với các chức danh được bỏ phiếu. Nêu quan điểm nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 2 năm/lần vào năm thứ 2 hoặc năm thứ 4 trong nhiệm kỳ, ĐB Vũ Trọng Kim (Quảng Ngãi) đề nghị UBTVQH khẩn trương hoàn tất việc xây dựng quy chế để Quốc hội có thể sớm tiến hành vào đầu năm sau.
Tán thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, hình thức này có liên hệ mật thiết đến vấn đề con người, công tác cán bộ. Vì vậy, cần có quy định chặt chẽ và tiến hành một cách hiệu quả, tránh hình thức. ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) kiến nghị để việc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra có hiệu quả cao, cần phải làm rõ và xây dựng cơ chế đồng bộ giữa Quốc hội với cơ quan quản lý cán bộ được bỏ phiếu tín nhiệm.
Cần sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản
Chiều 4-6, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận tại tổ cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và thành phố Hải Phòng. Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các ĐBQH tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn của dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) như: chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản; quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất bản; mô hình tổ chức và đối tượng thành lập nhà xuất bản (NXB); việc liên kết xuất bản và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản; xuất bản phẩm điện tử; việc quản lý cơ sở in, cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; việc cấp giấy phép hoạt động phát hành xuất bản phẩm, việc cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh…
Tham gia thảo luận, Thiếu tướng, Phó Chính ủy Quân khu 5 Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản để tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng đối với hoạt động xuất bản. Về chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản, ĐB Lê Văn Hoàng nhất trí như quy định tại Điều 7 dự thảo luật, vì so với Điều 6 luật hiện hành đã cụ thể hơn, chia thành 3 khoản là xuất bản, in và phát hành. Mỗi lĩnh vực của hoạt động xuất bản có những đặc thù về tính chất, loại hình tổ chức khác nhau. Xuất bản là hoạt động tư tưởng văn hóa và hoàn toàn do Nhà nước nắm giữ. Lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm đã xã hội hóa và là ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, cần tách ra các khoản riêng để đầu tư của Nhà nước trên từng lĩnh vực bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả cao hơn.
Về liên kết trong lĩnh vực xuất bản (Điều 22), ĐB Lê Văn Hoàng cho rằng, tại điểm g, khoản 4, Điều 22 quy định trách nhiệm của đối tác liên kết là “Chịu trách nhiệm trước pháp luật và NXB về việc liên kết”; nhưng tại khoản 3 quy định trách nhiệm của NXB lại không có nội dung này. Theo ĐB, quy định như vậy là không công bằng.
Về xuất bản xuất bản phẩm điện tử (Điều 25), theo ĐB Lê Văn Hoàng, dự thảo quy định xuất bản phẩm điện tử nhằm quản lý hoạt động này là vấn đề hết sức hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, quy định trong điều luật này vẫn còn rất chung chung, chưa bắt kịp với tình hình thực tế hiện nay. Do đó, công tác quản lý, kiểm soát hoạt động xuất bản phẩm điện tử sẽ rất hạn chế. ĐB đề nghị bổ sung các quy định liên quan đến quy trình tổ chức, hoạt động xuất bản điện tử và những chế tài đối với các sai phạm trong lĩnh vực này.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, Điều 12 dự thảo luật không nên quy định NXB là “đơn vị sự nghiệp công lập” mà cần nói rõ là “đơn vị sự nghiệp có thu”. Bởi lẽ, bỏ hai chữ “có thu” đi thì ngành nào, địa phương nào cũng sẵn sàng mở NXB, vừa tốn tiền Nhà nước, vừa thu hẹp thị phần của những NXB đang tồn tại. ĐB Thúy đề nghị không nên quy định giấy phép hoạt động xuất bản chỉ có thời hạn 10 năm, vì với thời hạn ngắn như vậy thì xây dựng chiến lược phát triển như thế nào rất khó.
Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho rằng, hoạt động xuất bản rất quan trọng. Làm được một tác phẩm hay rất khó. Thực tế cũng có những tác phẩm hay nhưng cũng có những tác phẩm chứa đựng ý đồ xấu. Do đó, nếu không coi trọng xây dựng tốt luật xuất bản thì sẽ rất nguy hiểm. Theo ĐB Nguyễn Bá Thanh, nếu không kiểm soát tốt công tác xuất bản thì sẽ dễ dẫn đến rối loạn xã hội. ĐB đề nghị cần tăng cường kiểm soát các cơ sở in. Đối với NXB nếu cho thành lập nhiều vừa tốn kém tiền bạc do phải đầu tư mua máy móc, thiết bị, nhưng về phía Nhà nước sẽ kiểm soát không nổi. ĐB đề nghị sửa đổi luật cần phải chú trọng sửa đổi chế tài nghiêm khắc để xử lý khi có vi phạm xảy ra, vì chế tài xử phạt vi phạm đối với hoạt động xuất bản còn chưa mạnh, quy định chưa chặt chẽ. ĐB đề nghị cần quản lý chặt chẽ việc thành lập NXB và cấp giấy phép hoạt động xuất bản.
TTXVN - HỮU HOA