Ngày 6-6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tổng kết bước 2 thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện, quận, phường.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ và tạo sự đồng thuận với chủ trương thí điểm không tổ chức HNĐND quận, huyện, phường (Ảnh: VGP/Lê Sơn) |
Báo cáo của Bộ Nội vụ, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường cho biết, công tác thí điểm được thực hiện ở 10 tỉnh, thành phố với 67 huyện, 32 quận, 483 phường.
Sau hơn 3 năm thực hiện, công tác thực hiện thí điểm đạt kết quả tích cực. Trên cơ sở những kết quả trên, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, quá trình thí điểm cho thấy chủ trương này về cơ bản là phù hợp và kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục chỉ đạo tiếp tục thực hiện.
Là địa phương có số lượng đơn vị thí điểm nhiều nhất, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Đặng Công Luận cho biết, thành phố đã thực hiện thí điểm trên tất cả các huyện, quận và 299 phường, chỉ còn 63 xã, thị trấn chưa thí điểm. Quá trình thực hiện cho thấy mọi hoạt động thông suốt, hiệu quả hơn. Nếu được các cấp có thẩm quyền cho phép, thành phố xin phép được thực hiện tại 63 xã, thị trấn còn lại.
Tại Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Thành uỷ đã tiến hành tổ chức thăm dò dư luận và lấy ý kiến nhân dân sau 4 năm tổ chức thí điểm. Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, 97% số người được hỏi đồng ý với việc thí điểm không tổ chức HĐND, 76% ý kiến cho biết, chính quyền quan tâm hơn so với trước khi chưa tổ chức thí điểm, 73% ý kiến đồng tình việc lựa chọn, điều động, luân chuyển cán bộ khi không tổ chức HĐND, 61% ý kiến cho rằng, chất lượng tiếp xúc cử tri của ĐBQH được nâng lên, 86% ý kiến đánh giá tốt về hoạt động của UBND các cấp khi không có tổ chức HĐND…
Qua thực tiễn thí điểm, Đà Nẵng kiến nghị Trung ương nên tiếp tục thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong thời gian tới.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ cần nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện báo cáo, trình cấp có thẩm quyền, phục vụ cho công tác sửa đổi Hiến pháp, nhất là những nội dung có liên quan đến vấn đề này. Bên cạnh đó, Báo cáo cần khẳng định tính đúng đắn của chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, kết quả của thí điểm và những vướng mắc cụ thể, nhất là ý kiến của các địa phương thực hiện thí điểm.
Báo cáo kết quả cần lập luận chặt chẽ, khoa học, khách quan và thuyết phục về mô hình mà chúng ta đang thí điểm; phân tích kỹ lưỡng những vướng mắc với giải pháp khắc phục thuyết phục.
Phần kiến nghị cần tập trung vào đánh giá chủ trương, mô hình, trong đó có vấn đề xây dựng chính quyền đô thị và nông thôn. Đồng thời, kiện toàn hệ thống chính trị để giám sát tốt hơn, nhất là vai trò của MTTQ các cấp và tổ chức thành viên.
Theo Chinhphu.vn