Năm 18 tuổi, đồng chí Phạm Hùng (tên khai sinh là Phạm Văn Thiện) được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được tổ chức cử làm Bí thư chi bộ trường học. Chỉ một năm sau, đồng chí được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho; đến tháng 6-1931 thì bị thực dân Pháp bắt. Tháng 9-1932, chúng mở phiên tòa đại hình kết án tử hình đồng chí Phạm Hùng. Trước cuộc đấu tranh mãnh liệt của nhân dân ta cũng như của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp, thực dân Pháp buộc phải giảm án tử hình cho một số chiến sĩ Cộng sản ở Việt Nam; đồng chí Phạm Hùng được giảm án xuống khổ sai chung thân và bị đày đi Côn Đảo từ ngày 17-1-1934.
Đồng chí Phạm Hùng (thứ hai từ trái qua) thăm và làm việc tại tỉnh Bến Tre năm 1982. (Ảnh tư liệu) |
Từ tháng 9-1945, đồng chí Phạm Hùng từ Côn Đảo trở về hoạt động cách mạng ở Sóc Trăng, tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Đến đầu năm 1946, đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ kiêm Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí Phạm Hùng luôn năng nổ, nhiệt huyết, làm việc có kế hoạch, có nguyên tắc và dân chủ, bám sát các nghị quyết của Đảng và những chỉ đạo của Bác Hồ, cùng tập thể Xứ ủy góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Nam Bộ... Với tư cách Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, đồng chí Phạm Hùng trực tiếp chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an cách mạng ở Nam Bộ. Đây là một nhiệm vụ rất khẩn trương và quan trọng. Những chiến công của lực lượng Công an Nam Bộ làm cho kẻ thù khiếp sợ, nhân dân yêu mến và tuyệt đối tin tưởng, che giấu, giúp đỡ. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V (1-1950), dự thảo Đề án Công an Nhân dân Việt Nam do đồng chí Phạm Hùng trình bày được hội nghị nhất trí thông qua; trở thành cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam hiện nay.
Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (năm 1951), đồng chí Phạm Hùng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được chỉ định tham gia Trung ương Cục miền Nam, làm Phó Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Phân Liên khu ủy miền Đông. Trong suốt 9 năm kháng chiến, đồng chí cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể Nam Bộ, đề ra nhiều chủ trương quan trọng: Tiến hành chiến tranh nhân dân, dân chủ ở nông thôn, chỉ đạo phong trào đấu tranh đô thị, giải quyết vấn đề tôn giáo, tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất...
Sau khi miền Bắc được giải phóng, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Hùng đã tham gia tổ chức biên soạn và hoàn thiện dự thảo “Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam”, làm cơ sở cho Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng (khóa II); tạo ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam từ thế cầm cự giữ gìn lực lượng, chuyển sang thế tấn công và giành thắng lợi...
Năm 1967, đồng chí Phạm Hùng được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên cương vị này, đồng chí đã tỏ rõ tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất khuất, góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước thống nhất, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch HĐBT kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Phạm Hùng thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt; đặc biệt là chú trọng xây dựng đạo đức người Công an cách mạng, phát động trong toàn lực lượng Công an học tập, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy... Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986), đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (17-6-1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch HĐBT - là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thời kỳ đổi mới. Hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng trong những năm tháng chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn thời kỳ đầu đổi mới đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm với những quyết sách của Đảng và Nhà nước, đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, phát triển đi lên.
Ngày 10-3-1988, đồng chí Phạm Hùng đột ngột từ trần trên đường đi công tác ở các tỉnh Nam Bộ, để lại niềm tiếc thương, xúc động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Với 58 tuổi Đảng, 60 năm hoạt động cách mạng phong phú và hào hùng, đồng chí Phạm Hùng đã nêu một tấm gương mẫu mực về sự kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
N.T
(Tổng hợp theo tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương)