.

Lên phương án sửa chữa vết nứt mặt cầu Thuận Phước

.

(ĐNĐT) – Sau nhiều lần được sửa chữa một cách thủ công, các vết nứt trên mặt cầu Thuận Phước (Đà Nẵng), cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam, đã được trám bằng những vết vá, láng bằng nhựa đường nhưng trông khá phản cảm. Nhiều đoạn có vết vá khá lớn xuất hiện, mặt cầu gồ ghề khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

.........
Vị trí sửa chữa trên mặt cầu Thuận Phước được đào lên và che bằng tấm bạt trong khi chờ trám lớp mới. (Ảnh chụp sáng 21-6).
..........
Vị trí đang được sửa chữa được dựng hai tấm bảng cảnh báo.

Cầu Thuận Phước khởi công xây dựng từ tháng 10-2003 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng và chính thức khánh thành và đi vào sử dụng từ ngày 19-7-2009. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 6-2010, mặt cầu Thuận Phước xuất hiện những vết nứt ngang dọc trên lớp phủ mặt tại nhịp chính của cầu.

Sau nhiều lần được sửa chữa thủ công, các vết nứt đó được trám bằng những vết vá, láng bằng nhựa đường nhưng trông khá phản cảm. Đáng chú ý, tình trạng nhiều vết vá khá lớn xuất hiện, mặt cầu gồ ghề khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận của chúng tôi ngày 21-6, mặt cầu Thuận Phước (đoạn giữa nhịp chính dầm cầu dây văng) xuất hiện tình trạng “sóng lưng trâu”. Đặc biệt, phía chính giữa mặt cầu có một vị trí rộng hơn 1m, dài khoảng 3m đã được các công nhân thi công đào lớp phủ lên và che tạm thời bằng tấm bạt nilon trong khi chờ để đổ phủ lớp mới.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Trung, Trưởng Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính Đà Nẵng (thuộc Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng), đơn vị quản lý dự án cầu Thuận Phước, cho biết: “Lớp phủ mặt cầu được thi công bằng vật liệu và công nghệ mới, hiện đại nhất hiện tại. Đó là công nghệ thi công lớp phủ mặt cầu bằng vật liệu và công nghệ Epoxy. Tuy nhiên, do công nghệ quá mới nên không tránh khỏi việc xuất hiện cục bộ các vết nứt”.

Trong thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều đợt kiểm tra và nghiên cứu để đề xuất các giải pháp xử lý hư hỏng của lớp phủ mặt cầu Thuận Phước. Theo đó, các vết nứt mặt cầu này xuất hiện trong mùa hè khi ở nhiệt độ cao. Đơn vị thi công đã tiến hành các biện pháp xử lý tạm thời các vị trí xuất hiện vết nứt để tránh hiện tượng nước thấm xuống bản mặt cầu thép và đảm bảo giao thông trong thời gian qua.

Vừa qua, UBND thành phố đã cho phép sửa chữa lớp phủ mặt cầu trong phạm vi hai làn xe ở giữa bản mặt cầu với chiều dài khoảng 100m (tại vị trí xuất hiện vết nứt nhiều nhất), sử dụng nhựa đường Epoxy và bê tông nhựa polime PMB3 để theo dõi và đánh giá toàn diện về các yếu tố tác động cũng như khả năng làm việc của vật liệu trước khi áp dụng sửa chữa toàn bộ lớp phủ mặt cầu. Dự kiến sẽ triển khai thi công trong tháng 6-2012.

Cũng theo ông Trung, mới đây nhất, Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng sau khi tới kiểm tra hiện trường đã yêu cầu Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng ECC hoàn thiện thiết kế chi tiết sửa chữa lớp phủ mặt cầu Thuận Phước, phương án và kế hoạch tổ chức thi công trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, chấp thuận trước khi triển khai thi công để làm cơ sở thực hiện và giám sát.

Dự kiến, ngày 25-6 tới đây, ECC sẽ trình báo cáo phương án hoàn chỉnh lên Sở Giao thông Vận tải thành phố xem xét và quyết định phương án xử lý sự cố, trả lại nguyên trạng cho lớp phủ mặt cầu, kể cả về thẩm mỹ.

Đắc Mạnh

 

;
.
.
.
.
.