.

Người phát ngôn vẫn còn tránh né báo chí

.

(ĐNĐT) - Cơ quan hành chính nhà nước cần có người phát ngôn chuyên nghiệp, hạn chế tình trạng kiêm nhiệm gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả cung cấp thông tin cho báo chí. Đó là kiến nghị của Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT) tại Hội nghị sơ kết 5 thực hiện Quyết định 77/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tổ chức tại Đà Nẵng sáng ngày 23-6.

Họp báo là hình thức chủ động phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí.
Họp báo là hình thức chủ động phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí.

Có chế độ chính sách đồng thời có chế tài

Theo kiến nghị của Bộ TT-TT, để có người phát ngôn (NPN) chuyên nghiệp cần phải có bộ phận giúp việc cho NPN, đồng thời phải có người thay thế NPN cung cấp thông tin cho báo chí khi NPN vắng mặt do công tác để đảm bảo tính thường xuyên, liên tục của việc cung cấp thông tin.

Mỗi cơ quan hành chính nhà nước cần có đường dây nóng để báo chí có thể liên lạc trực tiếp với NPN trong trường hợp khẩn cấp. Các cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan của Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin định kỳ và đột xuất cho báo chí. Việc cung cấp thông tin cần đảm bảo tính kịp thời, chính xác, đầy đủ.

Đối với các cơ quan báo chí, cần chủ động xây dựng mối quan hệ với các cơ quan hành chính nhà nước và NPN để khai thác thông tin có hiệu quả, chính xác. Việc khai thác thông tin ngoài thông tin từ NPN cần đảm bảo có kiểm chứng, tránh sai sự thật.

Trên cơ sở dự thảo sửa đổi Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Quyết định 77/2007/QĐ-TTg do Bộ TT-TT trình ra, hội nghị đã thảo luận sửa đổi, bổ sung một số điểm như: Cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước không được giao nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn có quyền cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn. Trong trường hợp này, người cung cấp thông tin và cơ quan báo chí phải cùng chịu trách nhiệm về nội dung thông tin trên báo chí. Trường hợp báo chí đăng trung thực nội dung phát ngôn của NPN thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó.

Khi thấy cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước có thể cung cấp thông tin tại các cuộc giao ban hàng tuần do Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện. Điều chỉnh thời gian việc cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất cần ngay ý kiến ban đầu của cơ quan hành chính thì NPN cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất  là 2 ngày xuống còn 1 ngày. NPN có quyền yêu cầu các đơn vị, cá nhân trong cơ quan mình cung cấp thông tin, tập hợp thông tin để thực hiện việc phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí. NPN được hưởng phụ cấp theo quy định của Bộ Tài chính. NPN không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Quy chế phát ngôn tùy theo mức độ, tính chất sẽ bị xử lý kỷ luật.

Vẫn còn tình trạnh né tránh báo chí

Theo báo cáo của Bộ TT-TT, qua 5 năm thực hiện Quyết định 77/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã tạo cơ hội cho báo chí, công chúng tiếp cận đầy đủ hơn những nguồn thông  tin chính thống, hữu ích, tin cậy, chính xác nhất là những sự kiện, vấn đề nóng, nhạy cảm. Quá trình thực hiện quy chế, các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là NPN đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí. Các cơ quan báo chí, phóng viên có được địa chỉ cụ thể để liên hệ nắm bắt thông tin chính thống từ đó xử lý nguồn tin cho bài viết của mình.

Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế trong thực hiện quy chế này: NPN kiêm nhiệm không thể tường tận mọi vấn đề của cơ quan mình, lại không có bộ phận giúp việc nên chưa đáp ứng như mong đợi của báo chí. NPN thiếu kỹ năng kiến thức, nghiệp vụ giao tiếp với báo chí nên e dè, thậm chí né tránh trong việc cung cấp thông tin. Những người có chuyên môn về vấn đề báo chí quan tâm đôi khi hiểu sai rằng chỉ có NPN mới có quyền phát ngôn nên không cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí.

Vẫn còn một số cơ quan hành chính nhà nước cử NPN nhưng khi tiếp xúc với báo chí chỉ đọc bản viết sẵn, phóng viên hỏi thêm thì xin trả lời sau hoặc để xin ý kiến cấp trên. Nhiều địa phương chưa có thói quen chủ động họp báo cung cấp thông tin cho báo chí. Đối với các vụ việc tiêu cực, vi phạm việc tiếp cận nguồn tin càng khó khăn do các cơ quan liên quan tìm cách né tránh trả lời, khất lần.

S.Trung

;
.
.
.
.
.