.

Nhà báo trẻ và sự dấn thân

.

Viết về chính mình, lấy cái tôi của mình ra cân, đo, đong, đếm thật sự là điều khó nhất. Nhưng đây chỉ là một chút nghĩ suy, một chút xúc cảm, một chút ký ức của tôi - một nhà báo tạm gọi là trẻ.

Các phóng viên phỏng vấn lãnh đạo ngành y tế về dịch bệnh tại Đà Nẵng.
Các phóng viên phỏng vấn lãnh đạo ngành y tế về dịch bệnh tại Đà Nẵng.

1. Định nghĩa cái sự trẻ vẫn quá mơ hồ, bởi tôi dấn thân vào nghề báo đã 4 năm. Không còn ánh mắt ngơ ngác, thấy cái gì cũng lạ như khi mới bước chân vào nghề báo, nhưng tôi vẫn tự cho rằng mình trẻ, bởi những gì mình tích lũy trong nghề vẫn chưa nhiều, bởi sự trải nghiệm còn chưa sâu, và cũng bởi nhìn lên các bậc “tiền bối” với hàng chục năm trong nghề thì tôi vẫn cứ tạm gọi là mình “trẻ”. Cái được nhất của nhà báo trẻ là bầu nhiệt huyết, sự đam mê và dám dấn thân. Đã chấp nhận vào nghề báo thì đồng nghĩa với việc làm bạn với hiểm nguy, mà cái sự hiểm nguy ấy thì muôn hình vạn trạng với bất kỳ nhà báo nào dám dấn thân.

Với nhà báo trẻ, khi “săn” được đề tài “nóng”, đòi hỏi phải đứng trước 2 lựa chọn: buông xuôi hay làm tới cùng. Có lần, chính người cung cấp thông tin đã hỏi thẳng tôi: “Em có dám viết không? Báo của em có dám đăng không?”. Lúc đó, tôi dõng dạc tuyên bố: “Vấn đề liên quan đến bao nhiêu con người, đến tài nguyên đất nước, đến tương lai của chúng ta, tại sao lại không dám!”. Nói rồi, về nhà bỗng tôi thấy băn khoăn liệu mình có đủ sức đương đầu, liệu Ban Biên tập có đồng ý cho thực hiện khi mình là phóng viên trẻ...

Biết chuyện, bố mẹ than: “Bao nhiêu chuyện không viết, sao con cứ đi vào những chỗ nguy hiểm làm gì! Con còn trẻ, hãy để cho những người có nhiều kinh nghiệm làm!”. Nếu ai cũng ngại khó, nếu những người trẻ không dám thử sức, chưa “lâm trận” đã chùn bước, không vượt qua chính mình thì sao có thể trưởng thành. Nghĩ vậy nên tôi đã quyết tâm vào cuộc. Thật may mắn khi chúng tôi có những người đi trước luôn hiểu và động viên, có Ban Biên tập sẵn sàng mở đường, khuyến khích phóng viên bước vào những “trận địa” không trải sẵn hoa hồng để có những bài viết hay, nóng hổi và đầy tính chiến đấu. Và niềm vui sau những giọt mồ hôi thầm lặng, sau những hiểm nguy giấu mặt ấy là những phản hồi tích cực từ hàng loạt lá thư của độc giả gửi về.

2. Có những lúc ngồi vào bàn mà không viết được chữ nào. Nhưng có những lúc từng câu, từng chữ cứ tuôn trào, ngọn lửa viết ra từ trái tim, nhưng không lên gân, viết như được sống. Có lẽ với người cầm bút chân chính, ai cũng từng trải qua những cảm xúc như thế. Đành rằng viết thì phải tôn trọng sự thật nhưng sự thật đó như thế nào, tác động đến những ai, có phải là bản chất vấn đề, thì đôi khi nhà báo trẻ cũng cần phải lắng mình để suy ngẫm. Có lần, một địa phương giới thiệu với tôi tấm gương điển hình một người nghiện nặng đã cai xnghiện thành công và hoàn lương. Khi tiếp xúc với tôi, anh nói mình không nghiện nặng và kể về quá khứ toàn màu hồng. Tôi mơ hồ, tưởng nhầm địa chỉ thì nhìn xuống dưới cánh tay anh thấy toàn vết sẹo do tiêm chích, tôi biết mình không nên phí thời gian nữa. Tôi trò chuyện với gia đình và những người quen biết của anh thì hiểu vì hút cần sa trong thời gian dài nên tâm trí anh có phần hoang tưởng, không nhớ những gì đã xảy ra. Nếu không chuyển hướng khai thác, có lẽ lúc đó tôi đã bỏ về.

Hay có lần vì thương cảm, tôi định viết bài về một gia đình nghèo làm nghề chài lưới, những mong giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, khi làm việc với địa phương mới vỡ lẽ rằng vì họ ỷ lại, không chịu phấn đấu mà chỉ muốn ngồi chờ tiền hỗ trợ...

3. Có người đùa vui: “Nghề báo là nghề suốt ngày lang thang ngoài đường và hẹn hò một ai đó”. Quả thật nếu không có ăm ắp tư liệu từ thực tế thì nhà báo không thể viết hay được. Tuy nhiên, thâm nhập thực tế ra sao, dấn thân như thế nào là đủ, ấy mới là vấn đề. Có một cô bạn nhỏ hơn tôi vài tuổi khi thực hiện đề tài về người nghiện đã lang thang suốt mấy đêm liền ngoài đường, ngoài chợ. Khi về tóc tai rũ rượi, quần áo tả tơi, cô bảo rằng thật không may khi gặp phải bọn lưu manh móc túi. Chúng tôi đùa: “May mà còn giữ được tính mạng đó nghe!”. Nhà báo không phải là Công an hay chính quyền địa phương có thể đủ thẩm quyền để đi thẳng, làm thật. Nhà báo đôi lúc phải bằng nhiều cách như đóng vai, thâm nhập, thậm chí phải trá hình để có thể tìm ra chân tướng sự thật nhưng phải tự bảo vệ chính mình. Một khi pháp luật vẫn còn những kẽ hở, một khi luật báo chí chưa hoàn thiện, nhà báo chưa được bảo vệ theo đúng nghĩa thì rất cần có sự tỉnh táo, khôn khéo, biết đâu là đủ, biết đâu là điểm dừng để bảo đảm an toàn cho chính mình. Đó là bài học mà chúng tôi đã tự rút ra cho mình trên con đường làm báo còn lắm chông gai này.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.