.

Phản biện xã hội

.

Giám sát, phản biện xã hội (GSPBXH) làm cho chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn khách quan, hạn chế chủ quan duy ý chí, tạo được đồng thuận trong xã hội. Tạo cơ chế, điều kiện GSPBXH một cách hiệu quả sẽ góp phần nâng tầm lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và trình độ làm chủ của nhân dân. Đây là vấn đề được các chuyên gia, học giả, cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên mổ xẻ, phân tích, đề xuất tại Hội thảo “Nâng cao năng lực GSPBXH của MTTQ Việt Nam” do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 14-6.

Quang cảnh hội thảo.                                                        Ảnh: SƠN TRUNG
Quang cảnh hội thảo.                                                                                Ảnh: SƠN TRUNG

Vẫn còn tâm lý dị ứng với phản biện

Các ý kiến tại hội thảo đều đánh giá cao vai trò của hoạt động GSPBXH trong quá trình thực hiện dân chủ, là phương pháp trực tiếp và có hiệu lực mạnh mẽ nhất. Thực hiện GSPBXH chính là sự cụ thể hóa rõ nét nhất tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là “tất cả vì dân”. Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm: Những quyết định liên quan đến cuộc sống của đông đảo quần chúng nhân dân nếu không trải qua tranh luận dân chủ, tính toán dự liệu mặt này, mặt khác, bộ phận và toàn cục, trước mắt và lâu dài có thể phạm sai lầm, gây hậu quả khôn lường. Với những người ở vị trí ra quyết định quan trọng điều này càng cần phải hết sức quan tâm. Có ý kiến chỉ ra một số hoạt động GSPBXH thành công như vụ án Nông trường Sông Hậu ở Cần Thơ hay việc Quốc hội khóa 12 không thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Hoạt động GSPBXH của MTTQ Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua nhưng hiệu quả chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An: GSPBXH được Văn kiện Đại hội X, XI của Đảng đã nhắc đến nhưng đến nay chưa làm được gì.

Thực trạng là trong các hội nghị, hội thảo góp ý kiến thường là cảnh “quân ta nói, quân mình nghe”. Ông Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố cho rằng: Vẫn còn tâm lý kiêng dè, thậm chí “dị ứng” với từ phản biện mặc dù nó đã đi vào Nghị quyết của Đảng. Không khó lắm để nhận ra nguyên nhân sâu xa do tư tưởng tiểu nông, tâm lý gia trưởng đã làm nảy sinh thái độ coi thường ý kiến người khác khi mình ra ý kiến phán quyết, không thích nghe ý kiến nói ngược, ác cảm với những người nói trái ý. Một thực trạng có vẻ khôi hài vẫn thường nghe thấy ở đâu đó câu nói: “Xin chân thành tiếp thu các ý kiến quý báu của quý vị nhưng xin được giữ nguyên dự thảo (văn bản chủ trương, chính sách được lấy ý kiến góp ý – PV). Hệ lụy của việc thiếu tôn trọng phản biện xã hội làm nảy sinh thứ “chủ nghĩa mặc kệ”, giữ thái độ im lặng. Thấy chủ trương đúng không bảo vệ, thấy quy định không hợp lòng dân không dám đấu tranh vì sợ bị quy kết, ngại va chạm. Và điều này dẫn đến bầu không khí xã hội không phản biện tưởng chừng yên bình nhưng thực chất đang chứa đựng nguy cơ tích tụ phản ứng, đi đến bùng nổ, bất an. Chính vì thế phản biện xã hội là một việc cần làm, phải làm, một việc bình thường. Có thể nói đây là một công đoạn bắt buộc trong quá trình chuẩn bị ra các quyết định của các cấp lãnh đạo ở một xã hội dân chủ.

Xây dựng môi trường dân chủ và văn hóa phản biện xã hội

Các ý kiến tại hội thảo đồng quan điểm: Để tập hợp được những ý kiến xác đáng, cần có một môi trường thực sự dân chủ. Người phản biện có quyền trình bày các luận điểm của mình mà không bị gò trong khuôn khổ lý luận nào, không sợ bị quy chụp.

Cần có cơ quan chủ trì phản biện, cơ quan yêu cầu phản biện, người tham gia phản biện. Là một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, các cá nhân trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, MTTQ Việt Nam mới là tổ chức có vai trò và điều kiện thuận lợi hơn bất cứ tổ chức nào khác trong tổ chức hoạt động  GSPBXH. Ông Nguyễn Đình An đề nghị: MTTQ Việt Nam cần xây dựng văn hóa phản biện để các cuộc phản biện không trở thành những cuộc tranh cãi vô bổ, không chuộng sự cường điệu, đao to, búa lớn, luôn tôn trọng “đối thủ”. Chính vì vậy để thực hiện các yêu cầu về  GSPBXH của MTTQ Việt Nam đã ghi trong các Văn kiện của Đảng cần sửa đổi bổ sung Luật MTTQ Việt Nam cũng như Điều lệ MTTQ Việt Nam các điều, khoản về hoạt động GSPBXH. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Như Liêm, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố kiến nghị: Để tăng hiệu quả GSPBXH, Nhà nước cần ban hành “Luật về quyền được thông tin” của người dân, của xã hội. MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương thực hiện chức năng GSPBXH cần tham gia ngay từ đầu vào quá trình nghiên cứu, soạn thảo các chương trình, chính sách, đề án lớn… của địa phương. Theo ông Bùi Văn Tiếng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy: Điều kiện tiên quyết để phản biện xã hội có chất lượng, giám sát có hiệu lực là đội ngũ cán bộ Mặt trận.

Đảng phải coi trọng đúng mức những người làm công tác Mặt trận và đặt họ đúng tầm. Cán bộ Mặt trận phải hội đủ 2 tố chất cương-nhu mới có khả năng thuyết phục trong hoạt động GSPBXH. Mặt khác, cần giáo dục hình thành tư duy phản biện cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Tấn Sáng, Trưởng khoa Chính trị, Học viện Chính trị-Hành chính khu vực III, cần tìm kiếm cách thức, cơ chế tạo nên tính độc lập tương đối của MTTQ Việt Nam ít nhất là ở những việc: Thể chế hóa về mặt ngân sách hoạt động kèm theo kiện toàn bộ máy tổ chức để MTTQ Việt Nam đủ ngân sách hoạt động mà không phụ thuộc vào cơ chế “xin-cho” từ phía Nhà nước; tổ chức MTTQ Việt Nam cần tổ chức theo tuyến dọc để bảo đảm độc lập tương đối với các cơ quan quyền lực khác cùng cấp độ; cuối cùng là thiết kế chính sách cán bộ để lựa chọn thủ lĩnh cho Mặt trận và các tổ chức thành viên.

SƠN TRUNG (lược ghi)

;
.
.
.
.
.