.

Sau lần vấp ngã

.

Lần đầu gặp anh tại Trại tạm giam Hòa Sơn trước khi anh trút bỏ bộ quần áo sọc để nghe công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Hai năm sau gặp lại, tôi được biết anh có những đóng góp tích cực cho xã hội.

Với sự sẻ chia của người dân, chính quyền, Công an, Duy đã đứng dậy sau một lần vấp ngã.
Với sự sẻ chia của người dân, chính quyền, Công an, Duy đã đứng dậy sau một lần vấp ngã.

Cứu bạn, đổi 3 năm tù

 Một ngày cuối tháng 5, trong cái nắng rát mặt của mùa hè, tôi đến phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) để tìm Phạm Viết Duy (30 tuổi, trú tổ 31) - người mà tôi gặp gần 2 năm trước trong trại giam với vẻ mặt bồn chồn trước giờ đoàn tụ gia đình. Bà con hàng xóm ai cũng nhiệt tình chỉ đường, có người tình nguyện dẫn tôi đến nhà Duy. Dường như hình ảnh thằng Duy đi tù ngày nào không còn trong mắt của những người dân nơi đây.

Trong căn nhà khá xinh xắn được hai vợ chồng cất lên trước khi Duy nhận án tù, qua ánh nắng chiều hắt qua khe cửa, nhìn anh già dặn hơn so với tuổi. Pha ấm trà, Duy kể về biến cố đời mình: “Một buổi trưa đầu tháng 9-2008, sau khi cả đám bạn đi đám cưới trong xóm về liền tổ chức ăn nhậu. Lúc này, có ông H. - người ở tổ bên cạnh cũng đến quán A. uống bia. Trong lúc anh em đang vui vẻ thì ông H. gây sự với anh T., người bạn thân của tôi, nên cả nhóm can. Tôi ra ngoài đi vệ sinh. 10 phút sau nghe ồn ào, tôi quay vào thì thấy ông H. cầm dao Thái lan dí vào cổ bạn mình, máu tứa ra. Trong tình thế khẩn nguy, để cứu bạn, tôi xông vào tước con dao và xô ông H. ngã. Sau đó, ai về nhà nấy. Sáng sớm hôm sau, có người bạn hớt hơ hớt hải chạy đến gõ cửa: Duy ơi, ông H. chết rồi! Tôi lặng người và thoáng có ý nghĩ bỏ trốn, nhưng nghĩ lại thấy lỗi mình gây ra thì mình phải chịu. Ngay sau đó, Công an đến nhà làm việc, tôi bị bắt và khởi tố về hành vi “cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”. “Vợ tôi ngã quỵ khi nghe Công an đọc lệnh bắt giam tôi. Hàng xóm cũng thương cảm vì biết tôi không cố tình”, Duy chùng giọng nói.

Đứng lên từ sự sẻ chia

3 năm tù giam cho hành động cứu bạn có lẽ là bài học đắng cay trong cuộc đời Duy. Anh tâm sự: “Những ngày bị bắt giam và nhận án tù, tôi vẫn không tin đó là sự thật. Có những lúc phải bấu vào da thịt xem có phải mình đang mơ hay không nhưng rồi sự thật vẫn là sự thật”. Duy cho biết: “3 năm tù đối với tôi là quá dài. Từng ngày trôi đi nặng trĩu. Tôi quyết tâm cải tạo thật tốt với mong muốn được khoan hồng. Những người quản giáo cũng động viên, an ủi tôi. Đặc biệt, vợ tôi cùng con gái 3 tuổi là động lực để tôi thêm quyết tâm. Tin tưởng vào pháp luật, tôi tích cực cải tạo và được Nhà nước đặc xá trước thời hạn một năm”, Duy kể.

Hôm tôi đến Trại tạm giam Hòa Sơn vào dịp đặc xá nhân lễ Quốc khánh cách đây gần 2 năm, ngoài vợ con Duy, có rất đông bà con hàng xóm đón Duy. Trong ánh mắt của những người này, Duy là người lương thiện, họ đón Duy như đón một người con đi xa lâu ngày trở về địa phương và điều này khiến anh rất xúc động.

Ra tù, Duy luôn thấy mình có lỗi khi đã gây ra cái chết cho ông H. Không làm nhân viên của một doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn nữa, Duy tìm nghề mới - nghề lái xe. Hằng ngày đều đặn cứ 5-17 giờ, anh lái xe đi bỏ hàng khắp các nơi trong thành phố với mức lương mỗi tháng hơn 4 triệu. Thời gian còn lại, anh tập trung lo cho gia đình, con cái. Điều đáng nói, Duy trở thành người đáng tin cậy của làng xóm cũng như lực lượng Công an. Với những đứa trẻ trong khu vực có biểu hiện hư hỏng, anh đều răn dạy làm người tốt. Với những người có biểu hiện phạm tội, anh phối hợp với nhân dân cảm hóa, giáo dục...

Có lẽ, người dân tổ 31 vẫn không quên cuộc truy đuổi bắt 2 tên trộm xe máy vào cuối năm 2010. Duy nhớ lại: “Lúc đó chập choạng tối, người bà con của tôi vừa dựng chiếc xe máy thì bất ngờ có 2 đối tượng mở khóa và rú xe tẩu thoát. Tôi nhanh chóng đuổi theo và bắt được một người tên Lộc. Qua khai thác, Lộc khai đồng bọn tên Kiên. Kiểm chứng lại thì đó là Lê Thiên Kiên (30 tuổi, trú quận Thanh Khê) - người mà tôi biết trong thời gian ở tù. Tôi liên lạc qua điện thoại buộc Kiên trả xe và người này tiếp tục “bóc lịch” ngay sau đó”.

Trở về làm lại cuộc đời đối với một người từng bị tù tội thật sự khó khăn. Nhưng sự đùm bọc sẻ chia của người dân và chính quyền địa phương đã giúp Duy không mặc cảm. Nhìn lại cuộc đời mình, Duy cũng nhắn nhủ với những ai có cùng cảnh ngộ: Ai trong đời cũng có một lần vấp ngã nhưng sau vấp ngã phải biết đứng dậy. Duy cũng trăn trở rằng, điều quan trọng nhất là những người lầm lỡ có nhận được sự cảm thông và tạo điều kiện hay không để có thể tái hòa nhập xã hội.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.