Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, chiều 14-6, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang về công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trả lời các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Buổi chất vấn cũng là cơ hội để Bộ Công an tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tội phạm được kiềm chế những vẫn diễn biến phức tạp
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, thời gian qua, công tác đấu tranh, kiềm chế các loại tội phạm đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2011, toàn quốc đã xảy ra hơn 49.000 vụ xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tăng 1,14% so với năm 2010. 6 tháng đầu năm 2012, cả nước xảy ra 21.986 vụ, giảm 2,57% so với cùng kỳ năm 2011.
6 tháng đầu năm, tình hình tội phạm có tổ chức, đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê, trộm cướp... đều gia tăng. Một loại tội phạm mới, mới nảy sinh trong những năm gần đây là tội phạm sử dụng công nghệ cao, trộm cắp tiền ở ATM, thẻ tín dụng giả, cá độ, đánh bạc qua Internet.
Nhận định về thực trạng này, Bộ trưởng cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra các loại tội phạm trên, nhưng chủ yếu là do tác động của tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, tình trạng lao động mất việc làm; sự xuống cấp của đạo đức xã hội, nhất là trong thanh niên và thiếu niên; hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều bất cập; phong trào toàn dân đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ở cơ sở chưa thiết thực, hiệu quả.
Với tinh thần cầu thị cao, tiếp thu mọi ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã lần lượt trả lời các câu hỏi chất vấn của từng đại biểu xung quanh các vấn đề: Sự gia tăng của tội phạm vị thành niên; tội phạm là người nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; sai phạm trong một bộ phận cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông…
Cần sự vào cuộc đồng bộ ngăn chặn tội phạm trong thanh, thiếu niên
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) về trách nhiệm của Bộ trong việc thời gian qua, có tình trạng một số thương nhân nước ngoài dùng hộ chiếu du lịch hoạt động phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, đúng là có tình trạng người nước ngoài lợi dụng danh nghĩa du lịch sang Việt Nam tổ chức thu mua hàng hóa, xuất ra nước ngoài. Một số đối tượng đã lợi dụng lòng tin của bà con, mua bán ghi nợ sau đó bỏ trốn. Về vấn đề này, Bộ cũng đã nắm được tình hình và đã thực hiện nhiều biện pháp, tổ chức đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Khá; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) về thực trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, hay mang theo hung khí, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, những nguyên nhân chính khiến trẻ vị thành niên phạm tội gia tăng là do sự buông lỏng quản lý giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội. Trẻ còn bị ảnh hưởng bởi những trò chơi bạo lực trên mạng Internet, games online.
Lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ bằng cách thành lập các lực lượng hỗn hợp, tăng cường phát hiện, thu giữ những trường hợp thanh thiếu niên mang theo hung khí, sẵn sàng gây án. Để phòng, ngừa đấu tranh với các loại tội phạm nói chung, trẻ vị thành niên nói riêng, Bộ Công an kiến nghị cần đồng bộ các biện pháp tăng cường giáo dục, quản lý của nhà trường, gia đình và xã hội. Bộ cũng sẽ đẩy mạnh việc nắm tình hình để phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, để làm giảm loại tội phạm này, các cấp, các ngành cần vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn. Các cơ sở, ngành nghề kinh doanh, dịch vụ cũng phải tuyệt đối không tiếp tay cho trẻ em ăn chơi, hư hỏng dẫn đến phạm tội.
Sẽ làm rõ lý do bị can Dương Chí Dũng bỏ trốn
Một số đại biểu đề nghị Bộ trưởng giải thích rõ lý do bị can Dương Chí Dũng trốn thoát sau khi có lệnh bắt tạm giam và trách nhiệm của Bộ trong việc để xảy ra sự việc này.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về vấn đề này, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng giải trình về trách nhiệm của mình trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng vào chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải.
Giải trình về sự việc này, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, trước khi bỏ trốn, ông Dương Chí Dũng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra phát hiện một số hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình công tác tại Vinalines.
Ông Dũng cũng đã thừa nhận qua những lần làm việc với cơ quan điều tra. Trên cơ sở những kết quả xác minh, cơ quan điều tra đã báo cáo cấp có thẩm quyền để tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Dũng và đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.
Cơ quan điều tra đã triển khai bắt giữ các đối tượng liên quan và bắt được 2 bị can. Riêng ông Dũng không có mặt ở cơ quan và ở nhà. Cơ quan Công an đã động viên gia đình đưa ông Dũng ra đầu thú và đã phát lệnh truy nã đặc biệt đối với ông Dũng. Về vụ việc này, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ nguyên nhân ông Dũng bỏ trốn. Trong trường hợp để lộ lọt thông tin thì phải kiểm điểm nghiêm túc.
Bộ Giao thông vận tải sẽ rút kinh nghiệm trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng
Cũng trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chiều nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng về trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng vào chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, việc bổ nhiệm này đã được thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình bổ nhiệm cán bộ, đảm bảo tính dân chủ, tập thể và có sự thống nhất tuyệt đối của Ban cán sự Bộ Giao thông Vận tải và cũng không trái quy định của Luật Thanh tra. Việc thanh tra Vinalines vừa qua thuộc về kế hoạch thanh tra bình thường của Thanh tra Chính phủ chứ không phải thanh tra đột xuất, hoặc theo vụ việc, Bộ trưởng giải thích thêm.
Nhìn nhận, trên thực tế ông Dũng đã bị khởi tố từ năm 2007, vì vậy, trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Dũng thuộc về tập thể lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn: “Với tư cách Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, tôi nhận trách nhiệm trong sự việc này do chưa thực sâu sát, trong việc đánh giá, quản lý cán bộ, còn nóng vội, chưa thận trọng trong bối cảnh, thời điểm bổ nhiệm và trong công tác giám sát, kiểm tra cán bộ.”
Bộ trưởng Đinh La Thăng khăng định sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc và kiểm điểm nghiêm túc trong khâu đánh giá, quản lý cán bộ. Bộ trưởng Thăng cũng đề xuất bổ sung quy định trong khi thanh tra một đơn vị sẽ không được điều động, bổ nhiệm người đứng đầu đơn vị đó sang vị trí khác để tránh những trường hợp tương tự xảy ra.
Xem xét trách nhiệm thủ trưởng đơn vị để Cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ
Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng và một số đại biểu khác đề cập đến những sai phạm của một bộ phận Cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ để bỏ qua vi phạm, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, Bộ Công an đặc biệt coi trọng việc ngăn chặn sai phạm trong lực lượng cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, đây cũng là lực lượng chịu rất nhiều áp lực, khó khăn do thời tiết, điều kiện làm việc như: Nắng, gió, bụi, tiếng ồn. Mặc dù vậy, phần lớn cảnh sát giao thông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, hàng trăm gương cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông không nhận tiền mãi lộ.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng nhìn nhận, bên cạnh những gương người tốt, điển hình, vẫn còn những vụ việc sai phạm của một số cán bộ chiến sỹ. Đối với các trường hợp này, quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm; đồng thời xem xét trách nhiệm quản lý của chỉ huy các cấp kể cả cấp phòng, Phó Giám đốc, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố.
Công an chỉ có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự phục vụ cưỡng chế
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) về việc thời gian qua, một số địa phương có sử dụng Công an tham gia cưỡng chế, gây bức xúc trong dư luận, Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ, lực lượng Công an chỉ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, xử lý những hành vi chống người thi hành công vụ trong các đợt cưỡng chế theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Công an không phải là lực lượng cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc vừa qua, Bộ sẽ tổ chức rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn nhiệm vụ này, tránh những sai sót không cần thiết.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Các câu hỏi đặt ra rất thẳng thắn, toàn diện. Bộ trưởng Trần Đại Quang đã trả lời chất vấn rất cầu thị và có các giải pháp đưa ra để giải quyết vấn đề. Bộ trưởng đã cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, giải pháp đấu tranh với các loại tội phạm một cách tích cực hơn; đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành, các cấp liên quan nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng đã tích cực tiếp thu các ý kiến của các đại biểu quốc hội trong việc xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, phục vụ tốt hơn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà trực tiếp là trên mặt trận an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Theo chương trình, sáng 15/6, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIII sẽ kết thúc với phần trả lời trực tiếp của Thường trực Chính phủ.
TTXVN