.

Tái cơ cấu kinh tế phải phân bổ tốt mọi nguồn lực phát triển

.

(ĐNĐT) - Tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, ngày 8-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường
ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường

Đa số ý kiến các đại biểu đều khẳng định việc cần thiết thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế do thời gian gần đây nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ không ít yếu kém nội tại, tăng trưởng GDP đang có xu hướng chậm lại, lạm phát luôn ở mức khá cao, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, nợ nước ngoài và nợ công ở mức cao, nợ xấu ngân hàng có xu hướng gia tăng…

Tuy nhiên, đề án tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ mới xác định khung định hướng chung của tái cơ cấu kinh tế và nhóm các giải pháp chủ yếu thực hiện tái cơ cấu kinh tế tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà chưa nêu bật được điểm đặc trưng cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế, giải pháp cụ thể, cách thức, lộ trình thực hiện đề án, tác động khi thực hiện đề án.

Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, trong quá trình triển khai thực hiện đề án phải xác định rõ trách nhiệm vai trò của từng người đại diện chủ sở hữu, vai trò của quản lý…và có cơ chế minh bạch giám sát, vấn đề huy động nguồn vốn như thế nào trong quá trình thực hiện tái cơ cấu…

Theo đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), tái cơ cấu là nhiệm vụ trung và dài hạn, còn trước mắt cần có những giải pháp tình thế đủ mạnh giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, tạo tiền đề cho việc tái cơ cấu, trong đó cần ưu tiên các giải pháp tín dụng và thuế.

ĐB cho rằng, tình hình hiện nay cho thấy sự giảm tín dụng đột ngột cùng với việc cấm cho vay các lĩnh vực phi sản xuất đã làm cho nền kinh tế càng thêm khó khăn, doanh nghiệp không xoay sở kịp, mọi kế hoạch kinh doanh ngừng trệ. Cho đến nay Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ mới khống chế trần lãi suất cho vay 14% đối với 4 nhóm. ĐB đề nghị Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng áp dụng cả 2 trần lãi suất huy động và cho vay với biên độ 3% để kéo giãn lãi suất đồng bộ cả huy động và cho vay đối với tất cả các lĩnh vực cho đến khi đủ điều kiện áp dụng cơ chế lãi suất thị trường, bỏ biện pháp hành chính.

Ông Thân Đức Nam đề nghị cần có giải pháp phục hồi, phát triển thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế phải phân bổ tốt mọi nguồn lực phát triển.

Theo đó, phải có giải pháp làm nóng thị trường bất động sản, đa dạng hóa các công cụ, tạo sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các định chế tín dụng ngân hàng và các định chế tài chính, tín dụng phi ngân hàng. Phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán nhằm tạo điều kiện có thể khởi động quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Bày tỏ sự đồng tình với chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, nhưng theo ĐB Thân Đức Nam, cũng cần phải tái cơ cấu cả hệ thống tài chính, trong đó bao gồm thị trường bảo hiểm, thị trường chứng khoán; đồng thời khai thông các kênh dẫn giữa thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản để phục hồi, phát triển lành mạnh cả hai thị trường này.

Góp ý hoàn thiện đề án, đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng trong sáu mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, chưa thấy đề cập đến vấn đề con người. Tất cả các vấn đề tăng trưởng nhằm làm cho kinh tế phát triển hơn và sự tăng trưởng cuối cùng nhằm vào mục tiêu chủ thể là con người, vì vậy đề nghị bổ sung mục tiêu hướng đến phục vụ con người.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (Thành phố Hồ Chí Minh), Đề án tái cơ cấu là công trình nghiên cứu công phu, quán triệt được tinh thần, chủ trương, nghị quyết Đại hội Đảng, nêu được thực trạng và những vấn đề phải giải quyết. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện đề án, đại biểu đề nghị cần phải làm rõ toàn bộ nguồn lực quốc gia sẽ được phân bổ như thế nào? Cần xác định những công việc cụ thể cần dùng nguồn lực của nhà nước hoặc nguồn lực của xã hội để tiến hành. Theo đại biểu, cần xác định vai trò của nhà nước trong tổng thể quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Hữu Hoa - TTXVN

;
.
.
.
.
.