.
Thợ cầu Rồng

Kỳ cuối: Chung tay làm công trình thế kỷ

.

Cầu Rồng là công trình quy tụ nhiều công nghệ xây cầu mới nhất trên thế giới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Cầu được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là công trình có thiết kế độc đáo, mới lạ, góp phần tạo nên nguồn cảm hứng về thành phố đang chuyển mình, phát triển mạnh mẽ.

TIN LIÊN QUAN

Đêm trắng của các kỹ sư, công nhân trong đêm đổ bê-tông hợp long cầu Rồng.
Đêm trắng của các kỹ sư, công nhân trong đêm đổ bê-tông hợp long cầu Rồng.

Vì ý nghĩa đặc biệt này mà những người thợ cầu không giấu niềm tự hào khi đã và đang đóng góp công sức trong việc tạo ra trục giao thông chính, nối liền 2 bờ Đông Tây sông Hàn cũng như là biểu tượng du lịch mới cho Đà Nẵng. Và chỉ còn hơn 270 ngày nữa, cây cầu với nhiều điểm độc đáo của thành phố sẽ được khánh thành.

Không vì công nghệ mới và khó mà chậm tiến độ

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết, công trình cầu Rồng với nhiều công nghệ, kỹ thuật mới buộc mỗi công nhân và đặc biệt là các kỹ sư phải tự học hỏi, nghiên cứu, suy nghĩ, sáng tạo không phải từng ngày mà là từng giờ, từng phút. Trước các vấn đề khó khăn, người kỹ sư phải chịu áp lực rất lớn, một mặt phải suy nghĩ không ngừng để tìm ra giải pháp tốt nhất, không phải trong ngày một ngày hai mà có thể nghĩ ra ngay; mặt khác phải đối diện với tiến độ gấp rút của công trình. Nếu vì chưa nghĩ ra giải pháp khiến công trình bị chậm tiến độ, dù chỉ một ngày cũng đã bấn ruột, bấn gan. Theo ông Dũng, điều đáng mừng là hầu hết các kỹ sư, công nhân đều có thái độ, tinh thần làm việc rất nghiêm túc, chuyên nghiệp, công trường luôn tràn ngập khí thế lao động hăng say, sôi nổi. Có lẽ, ít nơi đâu có không khí làm việc vừa có chút lãng mạn sông nước, vừa có yêu cầu chính xác về sự hiệp đồng và nghiêm ngặt về kỹ thuật như công trình cầu.

Không như những công nhân làm việc có ca kíp, những người kỹ sư cầu đường phải thường xuyên có mặt trên công trường. Họ làm việc không tính đến ngày nghỉ hay khung giờ làm việc hành chính của Nhà nước. Có thể đêm nay, những người kỹ sư thức trắng trên mặt dầm để kiểm soát quá trình đổ bê-tông, hợp long cầu; sáng sớm mai, họ cũng có mặt bên cạnh các công nhân để chỉ đạo công việc. Tất cả chỉ vì một mong mỏi duy nhất, cầu sẽ hoàn thành đúng tiến độ, an toàn, đạt chất lượng cao nhất.
Những giờ nghỉ ngơi quý giá được anh Phạm Xuân Bình, phụ trách mảng kỹ thuật Ban điều hành dự án cầu Rồng sử dụng vào việc học tiếng Trung Quốc. Anh Bình chia sẻ: Công trình cầu Rồng được thi công có sử dụng kỹ thuật và tham gia của các chuyên gia Trung Quốc, mặc dù có người phiên dịch nhưng khả năng của các thông dịch viên về lĩnh vực kỹ thuật cầu có hạn, không thể chuyển tải đầy đủ ý tứ của các chuyên gia nước ngoài. Bản thân anh Bình đã tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Tây Nam (Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc), nhưng với anh vẫn chưa đủ để có thể hiểu hết những thuật ngữ kỹ thuật và công nghệ mới mà các chuyên gia Trung Quốc sử dụng. Xuất phát từ thực tế này, anh luôn tranh thủ thời gian để có thể trau dồi thêm vốn ngoại ngữ nhằm hiểu đúng, sát nhất với ý kiến của chuyên gia. “Hiểu để vận dụng vào thực tế của cầu Rồng, nơi dòng sông với những địa mạo và thủy văn rất riêng của đoạn cuối tiếp giáp với biển”, anh Bình cho biết.

Một trong những yếu tố mới nhất được áp dụng ở cầu Rồng là quá trình quan trắc trong thi công. Công tác này đòi hỏi những người kỹ sư phải tiến hành đo đạc dầm chủ, vòm, tim cầu, đo đạc ứng suất, đo đạc nhiệt độ ngày và đêm... nhằm bảo đảm quá trình thi công thuận lợi, cảnh báo được những bất lợi có thể xảy ra cho cầu trong quá trình sử dụng, hay nói đơn giản là tìm “phương thuốc đề kháng cho mọi bệnh tật có thể xảy ra từ khi cầu còn là một “đứa bé” cho đến lúc trưởng thành”. Tất cả những công nghệ này được trình bày trong một cuốn sách 65 trang (dĩ nhiên bằng tiếng Trung), dày đặc từ chuyên ngành mà các thông dịch viên phải chào thua. Các kỹ sư cầu lại phải mày mò, tự nghiên cứu, tự dịch các từ kỹ thuật sao cho sát nghĩa nhất để áp dụng vào thực tiễn cầu Rồng.

Vì những vất vả tưởng chừng như vô tận khi mỗi công việc, hạng mục đều có tính đặc thù, không trùng lặp nên một đại diện lãnh đạo Ban quản lý dự án cầu Rồng đã khẳng định: Nghề quản lý dự án và thi công cầu không dành cho người thiếu đam mê khám phá hay thích sự an nhàn. Đối với cầu Rồng - cây cầu quy tụ nhiều công nghệ, kỹ thuật mới lại càng đòi hỏi người làm phải hy sinh sức khỏe, trí lực. Mỗi công nhân, kỹ sư cầu hay quản lý dự án đều thấu hiểu nguyên tắc: Phải tự vượt qua ngưỡng kiến thức của bản thân - nguyên tắc yêu cầu sự học hỏi, tìm tòi, khám phá, suy nghĩ không ngừng. Và nguyên tắc này phải ngấm vào máu thịt, trở thành điều hiển nhiên của người thợ cầu. Rồi nền tảng tri thức mà mỗi kỹ sư lĩnh hội được ở trường đại học như kiến thức về kết cấu, ứng dụng Tin học trong tính toán, nguyên lý máy, ngoại ngữ, kinh nghiệm... vẫn là yếu tố cơ bản nhưng được phân tích dưới những lăng kính mới, chuyên sâu hơn.

Tấm lòng người thợ cầu Rồng

Để cầu Rồng thi công đúng tiến độ, các kỹ sư, công nhân đều cố gắng bám trụ với công trình. Họ lấy tình cảm chân thành, đoàn kết, yêu thương nhau, lấy đại gia đình công trường cầu Rồng để quên đi nỗi nhớ vợ con, người thân mà nhiều người đã hơn 6 tháng, thậm chí một năm chưa một lần về thăm nhà. Anh Phạm Xuân Bình tâm sự: “Rất xót lòng khi nhiều anh em công nhân phải đón Tết tại công trường, họ kìm nén nỗi nhớ nhà và cảm giác sum họp, hội tụ gia đình trong giờ phút thiêng liêng vì tiến độ, năng suất chất lượng công trình. Mỗi công nhân, bằng việc hy sinh hạnh phúc cá nhân đã góp phần tạo nên động lực vô hình nhưng mạnh mẽ, tạo nên nhịp thi công sôi động trên sông Hàn”.

Một trong những công nhân nhỏ tuổi nhất của công trường - Hà Hiệu Tuấn (18 tuổi, quê Hà Nam) - cũng đã 6 tháng chưa về thăm nhà. Tuấn hồ hởi khoe: “Vì nhỏ tuổi nhất nên các anh đều dành cho em sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Chính sự yêu thương, động viên của các anh đã giúp em nguôi đi nỗi nhớ nhà và vất vả trong công việc”.

Một lãnh đạo Ban quản lý dự án cầu Rồng cho biết: “Niềm tin, niềm tự hào được đóng góp một phần công sức để nối đôi bờ, mang lại sự thuận tiện trong giao thông cho người dân Đà Nẵng, góp phần làm nên biểu tượng kiến trúc mới của thành phố - Rồng vươn ra biển lớn... là động lực giúp những người thợ cầu quên đi áp lực, nguy hiểm, vất vả, nỗi nhớ nhà để hun đúc thêm lòng quyết tâm, ý chí hoàn thành công trình đúng tiến độ”.

Chỉ còn hơn 270 ngày nữa, cây cầu với nhiều điểm độc đáo, riêng có trong số hàng chục cây cầu đã và sẽ có của thành phố - sẽ được khánh thành. Trong tâm trạng rộn ràng của những ai mỗi khi qua cầu, trong sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp cũng như những chùm lửa thật phun ra từ miệng rồng, thì xin hãy nhớ cho rằng, trên dòng sông này đã có gần nghìn con người, nghìn trái tim và cả muôn vàn gian khó để cho mỗi người Đà Nẵng và bạn bè gần xa thêm quý, thêm yêu thành phố.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.