.
Uẩn khúc trong giao đất rừng đặc dụng Nam Hải Vân

Kỳ 1: Giao khoán vô tội vạ

.

Liên tục trong hai năm 2006-2007, một số cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân (RĐDNHV), thuộc Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng đã ngấm ngầm móc nối với một lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) “xẻ thịt” để giao khoán trái quy định Nhà nước hơn 90 hecta đất rừng. Trong khi đó, nhiều hộ dân sống ngay cạnh RĐDNHV tha thiết xin được nhận khoán để trồng cây phát triển kinh tế thì lại không được giao đất.

Một góc rừng đặc dụng Nam Hải Vân.          Ảnh: PHƯƠNG CHI
Một góc rừng đặc dụng Nam Hải Vân.                                                                                                Ảnh: PHƯƠNG CHI

Vụ việc trên khiến người dân cũng như chính quyền địa phương bức xúc suốt thời gian dài, nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý.

Hợp đồng giao khoán như… đùa!

Ngày 4-1-1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/NĐ-CP (viết tắt NĐ 01), quy định về việc giao khoán đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp Nhà nước. Từ khi NĐ 01 ra đời, Ban quản lý RĐDNHV được phép áp dụng để giao khoán đất rừng cho người dân trồng rừng, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, lạm dụng chức năng, nhiệm vụ được giao, các ông Trần Huy Độ - nguyên Trưởng Ban quản lý RĐDNHV, nay đã nghỉ hưu; Hồ Ngọc Lượng - nguyên cán bộ Quản lý bảo vệ rừng Ban quản lý RĐDNHV, hiện công tác tại Hạt Kiểm lâm Sơn Trà, và Trương Văn Chi - nguyên Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp (cũ), nguyên Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, hiện công tác tại Phòng Nội vụ quận Liên Chiểu, đã cấu kết, thực hiện việc giao khoán đất RĐDNHV bừa bãi, bất chấp quy định Nhà nước.

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, việc giao khoán đất RĐDNHV được thực hiện vô tội vạ suốt thời gian dài. Nhiều hợp đồng giao khoán đất theo NĐ 01 được lập nhưng không có số hợp đồng, ngày, tháng, năm. Cụ thể như hợp đồng giao khoán cho hộ ông Ph.V.S (trú tổ 28, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) diện tích 0,45 hecta ở khu vực Hóc Môn, tiểu khu 11 không hề có số hợp đồng giao khoán, xác nhận của chính quyền địa phương, chỉ có chữ ký của ông Trần Huy Độ và người được nhận khoán. Tương tự, hợp đồng giao khoán 0,225 hecta đất rừng ở khu vực Hóc Môn, tiểu khu 11 cho ông Ng.Ng.Th. (trú đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hải Châu) không có số hợp đồng giao khoán, ngày, tháng, năm, chỉ có vỏn vẹn chữ ký xác nhận của ông Trương Văn Chi và ông Trần Huy Độ cùng người nhận khoán. Chưa hết, các hợp đồng giao khoán cho hộ Ph.Đ và Ph.A, Đ.Th… cũng không có số hợp đồng giao khoán theo quy định.

Theo một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng, NĐ 01 chỉ áp dụng giao khoán cho người dân, cán bộ… có hộ khẩu thường trú, đang sinh sống trên địa bàn quận Liên Chiểu. Quy định là vậy, nhưng trong năm 2004-2005, các cán bộ Ban quản lý RĐDNHV và ông Trương Văn Chi vẫn bắt tay nhau giao khoán cho nhiều trường hợp có hộ khẩu thường trú ở địa bàn các quận Thanh Khê, Hải Châu… hàng chục hecta đất rừng.

Điều đáng nói hơn, trong đơn xin nhận khoán đất rừng của hai ông Ng.B.Nh và Ng.B.T (trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) ngày 1-10-2003, ông Nguyễn Văn Kháng - nguyên Chi cục trưởng Chi chục Kiểm lâm thành phố (nay đã nghỉ hưu) bút phê gửi Ban quản lý RĐDNHV đề nghị “xét giải quyết theo NĐ 01”. Và ngày 20-10-2003, Ban quản lý RĐDNHV lập hợp đồng giao khoán số 102/HĐGK căn cứ NĐ 01 giao cho hai ông này 3 hecta đất rừng tại khu vực Cầu Đôi, tiểu khu 4A. Đến ngày 16-2-2004, ông Trương Văn Chi mới đặt bút ký xác nhận vào hợp đồng giao khoán này của hai ông Ng.B.Nh và Ng.B.T.

Nghị định hết hiệu lực vẫn áp dụng?

Ngày 8-11-2005, Chính phủ ban hành Nghị định 135/NĐ-CP (viết tắt NĐ 135) quy định về việc “Giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh”, trong đó nêu rõ: Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Và NĐ 135 thay thế cho Nghị định số 01/CP ngày 4-1-1995 của Chính phủ; các quy định trái với Nghị định này đều được bãi bỏ.

Thế nhưng, trong năm 2006, Ban quản lý RĐDNHV vẫn tiếp tục áp dụng giao khoán đất rừng trong thời hạn 50 năm cho người dân theo NĐ 01, đối với 33 trường hợp, tổng diện tích hơn 77 hecta đất rừng. Đa số các hợp đồng giao khoán này, hai ông Trần Huy Độ và Hồ Ngọc Lượng lập hợp đồng giao khoán cho người được nhận khoán ký trước; rồi sau đó vài tháng ông Trương Văn Chi ký xác nhận (?). Trong khi đó, theo quy định, hợp đồng giao khoán đất rừng phải được thực hiện cùng lúc giữa ba bên (Ban quản lý RĐDNHV, UBND phường và người nhận khoán) và mỗi bên lưu giữ một hồ sơ.

Chưa dừng lại ở đó, mặc dù RĐDNHV không thuộc phạm vi điều chỉnh của NĐ 135, nhưng trong năm 2007, Ban quản lý RĐDNHV vẫn áp dụng giao khoán cho các hộ: Ng.V.Đ, H.M.S, Ph.V.L, Ng.Ng.Th, với tổng diện tích đất 12,6 hecta. Trước sự việc này, ông Phan Thế Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu cho rằng, việc Ban quản lý RĐDNHV áp dụng NĐ 01, NĐ 135 để giao khoán đất RĐDNHV cho các hộ dân trong các năm 2006-2007 là hoàn toàn sai trái. Sau khi biết vụ việc, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu thống kê, rà soát phát hiện Ban quản lý RĐDNHV đã giao khoán theo NĐ 01 tổng cộng 688 hecta đất rừng, trên tổng số 167 hồ sơ; bước đầu xác định có 91,4 hecta đất rừng RĐDNHV được giao trái phép theo NĐ 01 và NĐ 135 của Chính phủ, trong đó có gần 10 trường hợp người ngoài địa bàn quận Liên Chiểu.

“Từ ngày tôi về nhận công tác ở Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu (tháng 9-2009 – P.V), nghe dư luận xôn xao nhiều trường hợp sau khi được giao khoán đất rừng đã chuyển nhượng trái phép theo hình thức viết giấy tay cho nhau. Biết vậy, nhưng chúng tôi khó điều tra, xử lý vi phạm”, ông Dũng nói.

(Còn tiếp)

Điều tra của PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.