Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, nhiều cử tri ở quận Thanh Khê phản ánh: Thành phố Đà Nẵng được nhân dân cả nước biết đến với sự kiện Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế diễn ra hằng năm, song công tác chuẩn bị còn rất nhiều bất cập như: Giá vé bán cho người dân quá cao, người có thu nhập thấp sẽ không có điều kiện đi xem (giá vé còn tung ra thị trường chợ đen cao hơn so với giá gốc 2 - 3 lần), các khách sạn cũng nâng giá gây khó khăn cho khách đến tham quan Đà Nẵng, đồng thời người đứng trên cầu Sông Hàn xem pháo hoa, chen lấn rất nguy hiểm. Cử tri đề nghị thành phố nghiên cứu có chính sách phù hợp để sự kiện trên là tâm điểm về văn hóa của nhân dân thành phố. Ý kiến của cử tri quận Thanh Khê đưa ra là hoàn toàn xác đáng và đã được chính quyền thành phố, các ngành hữu quan giải trình cụ thể.
UBND thành phố cho biết, Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế là sự kiện lễ hội văn hóa - du lịch do thành phố tổ chức hằng năm từ nguồn kinh phí xã hội hóa hoàn toàn. Với mục đích quảng bá về thành phố Đà Nẵng đến với du khách trong và ngoài nước, qua đó thu hút lượng lớn khách đến tham quan, du lịch thành phố. Cuộc thi Trình diễn pháo hoa cũng là dịp để du khách, nhân dân thành phố và các địa phương lân cận thưởng thức các màn trình diễn pháo hoa đặc sắc của các đội đến từ nhiều quốc gia.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách được thưởng thức các màn trình diễn pháo hoa, mặt khác nhằm tạo nguồn thu bù đắp một phần chi phí tổ chức, ngoài khán đài chính phục vụ Ban Giám khảo cuộc thi, các đại biểu khách mời Trung ương và địa phương, khách mời quốc tế, thành phố cũng cho lắp dựng thêm khán đài C để tổ chức bán vé phục vụ nhân dân và du khách có nhu cầu. Ngoài ra, một số khách sạn và các nhà hàng, quán cà-phê gần khu vực diễn ra cuộc thi cũng tổ chức bán vé phục vụ cho nhân dân có nhu cầu xem pháo hoa. Do đó, người dân và du khách có thể chọn lựa hình thức xem phù hợp với khả năng tài chính của mình.
Về giá vé: Năm 2010, UBND thành phố giao Sở VH-TT&DL thực hiện công tác in ấn và phát hành vé bán. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của các đơn vị tổ chức sự kiện, doanh nghiệp du lịch và so sánh với mức giá các buổi biểu diễn nghệ thuật, đồng thời cân đối với các khoản chi phí để lắp dựng khán đài và công tác giữ gìn an ninh trật tự…, Sở VH-TT&DL đã thống nhất trình UBND thành phố phê duyệt mức giá vé đồng hạng là 200.000 đồng/vé. Tuy nhiên, qua 2 năm thực hiện mức giá vé đồng hạng, trong khi đó khu vực khán đài C1 gần điểm bắn nên các đơn vị đều yêu cầu được mua vé tại khán đài C1. Điều này dẫn đến tình trạng vé C1 khan hiếm và xuất hiện vé chợ đen. Bên cạnh đó, một số đơn vị phản ánh về việc cùng trả một mức giá tiền nhưng 3 khu vực của khán đài C có sự chênh lệch về khoảng cách so với điểm bắn. Để giải quyết tình trạng trên, năm 2012, Sở VH-TT&DL đề xuất 3 mức giá vé khác nhau cho từng khu vực khán đài C1, C2, C3 tương ứng với mức giá 300.000 đồng, 250.000 đồng, 200.000 đồng và UBND thành phố đã phê duyệt về mức giá nêu trên tại Kế hoạch số 5890/KH-UBND ngày 23-9-2011. UBND thành phố cho biết, toàn bộ kinh phí bán vé pháo hoa, sau khi thu về được nộp vào Quỹ pháo hoa của thành phố (do Sở Tài chính quản lý) để làm nguồn kinh phí cho việc tổ chức Cuộc thi trình diễn pháo hoa.
(Còn tiếp)