.

Về cái gọi là “thành phố Tam Sa” và thái độ của giới sử học Đà Nẵng

Giới Sử học Đà Nẵng hoàn toàn đồng tình với thái độ bất bình của ông Văn Hữu Chiến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khi ông bộc lộ phản ứng khó có thể mềm mỏng hơn về việc Quốc vụ viện Trung Quốc vừa chính thức phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả huyện đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng cùng huyện đảo Trường Sa của Khánh Hòa. Việc làm này của Quốc vụ viện Trung Quốc nằm trong toàn bộ động thái “trả đũa” trước một hoạt động lập pháp bình thường của Quốc hội Việt Nam khóa XIII: thông qua Luật Biển 2012 sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới với sự thật lịch sử được ghi ngay ở điều 1 rằng, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của nước ta.

Giới Sử học Đà Nẵng thấy rằng, đây không phải là lần đầu tiên người Đà Nẵng lên tiếng phản đối hành động sai trái này của phía Trung Quốc. Còn nhớ vào ngày 7-12-2007, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 10 - một Nghị quyết mang tính lịch sử, trong đó tiếp tục khẳng định Hoàng Sa là đơn vị hành chính của Đà Nẵng, do UBND huyện đảo Hoàng Sa quản lý và phản đối Trung Quốc đòi quản lý quần đảo này. Trước thái độ kiên quyết ấy của người Đà Nẵng - cũng như thái độ tương tự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa đối với huyện đảo Trường Sa -  Quốc vụ viện Trung Quốc buộc phải trì hoãn việc phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” cho đến tận bây giờ. Đáng chú ý là vào ngày 19-12-2007, tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) còn dẫn lời một quan chức tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) nói vào ngày 18-12 rằng, việc thành lập Tam Sa không có trong kế hoạch của họ.

Giới Sử học Đà Nẵng khẳng định: khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1-1974 thì Hoàng Sa vẫn đang là một đơn vị hành chính của Đà Nẵng - nói chính xác quần đảo này vẫn đang là một đơn vị hành chính trực thuộc xã Hòa Long, quận Hòa Vang (nay là xã Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Chính vì thế, người Đà Nẵng đặc biệt nhạy cảm với mọi động thái của Trung Quốc liên quan đến huyện đảo Hoàng Sa quê mình và trong bối cảnh quần đảo quê hương bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng trái phép, lòng mỗi người Đà Nẵng lúc nào cũng cháy bỏng một khát vọng: phải đòi lại Hoàng Sa! Giới sử học Đà Nẵng qua hoạt động nghiên cứu học thuật, nhờ biết phát huy lợi thế tại chỗ trong việc tiếp cận với các nhân chứng sống - những người từng làm việc trên các đảo của Hoàng Sa, đã đưa thêm vào cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa (do UBND huyện đảo Hoàng Sa xuất bản và cho ra mắt độc giả vào ngày 9-1-2012) nhiều bằng chứng chân thực và sinh động về sự hiện diện của người Việt Nam và sự chiếm hữu lâu đời, liên tục của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đối với quần đảo Hoàng Sa.

Khi nói làm Sử chủ yếu nhằm “ôn cố tri tân” - ôn chuyện cũ để biết chuyện mới - là đang chạm đúng ngón tay vào bản chất của lịch sử. Lịch sử không bao giờ là dĩ vãng, lịch sử chỉ là quá khứ, mà quá khứ thì suy đến cùng chính là hiện tại. Một nhà triết học từng cho rằng hiện tại của những cái đã qua là trí nhớ, hiện tại của những điều sắp tới là sự đợi chờ; trí nhớ và sự đợi chờ cả hai đều là những sự kiện thuộc về hiện tại. Chính xuất phát từ những trí nhớ và sự đợi chờ mang tính thời sự như vậy mà những người làm Sử Đà Nẵng luôn nhận thức rằng thành phố bên bờ sông Hàn này là địa phương duy nhất trong cả nước có nguyên một huyện đang bị ngoại bang chiếm đóng trái phép suốt mấy chục năm qua, nhưng còn nhớ tức là chưa mất, chỉ mất khi đã lãng quên. Với ý nghĩa ấy, giới Sử học Đà Nẵng mong muốn HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII sẽ tiếp tục thảo luận và ra nghị quyết tại kỳ họp thứ 4 sắp diễn ra vào đầu tháng 7-2012 nhằm chứng tỏ rằng sự bất bình của ông Văn Hữu Chiến không chỉ là sự bất bình của một nhà lãnh đạo mà còn là sự bất bình của mọi người dân Đà Nẵng đang từng ngày đau đáu nhìn về phía khơi xa. Giới Sử học Đà Nẵng cũng mong muốn các đồng nghiệp Trung Quốc hãy vì sự thật lịch sử và tình hữu nghị lâu dài giữa hai nước láng giềng mà giữ được bản lĩnh và sự trung thực để không bẻ cong ngòi bút khi viết về những cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “thành phố Tam Sa”...

BÙI VĂN TIẾNG (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.