Từ 1/7/2013, người nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta để thăm dò, khai thác tài nguyên trái phép, hoặc cá nhân xuất nhập khẩu vàng, ngoại tệ trái phép ra nước ngoài... sẽ bị xử phạt tới 1 tỷ đồng.
Chiều 20/6, Luật xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, riêng các quy định liên quan đến áp dụng biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014.
Thay vì mức tối đa 500 triệu đồng như trước đây, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, mức phạt cao nhất với cá nhân lên tới 1 tỷ và với tổ chức là 2 tỷ đồng nhằm bảo đảm tính răn đe. Nhưng mức phạt này chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp, đối với một số lĩnh vực, như quản lý các vùng biển, đảo, thềm lục địa, quản lý hạt nhân, chất phóng xạ, tiền tệ, ngân hàng, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường...
Đơn cử, người nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta để thăm dò, khai thác tài nguyên trái phép, nhưng có sử dụng các loại máy ra đa, máy phát sóng siêu âm; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hay người xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ, vàng mà không có giấy phép của Ngân hàng nhà nước... sẽ bị áp mức phạt này.
Những người Trung Quốc nuôi cá bè trên vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa). Ảnh: Nguyễn Nam Anh. |
Quốc hội cũng chấp thuận việc quy định mức phạt tiền cao hơn trong lĩnh vực giao thông đường bộ, môi trường, và an ninh trật tự, an toàn xã hội tại cacs đô thị. Tuy nhiên, không phải các đô thị đều áp dụng mức phạt gấp 2 lần quy định mà có thể là gấp 1,2 hoặc 1,5 lần hoặc 2 lần, tùy theo điều kiện thực tế, đặc thù của địa phương và do Chính phủ quy định.
Trước thực trạng xe bị tạm giữ kéo dài, luật quy định chỉ trường hợp thật cần thiết để xác minh tình tiết mà không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; để ngăn chặn hành vi vi phạm mà nếu không tạm giữ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp không có giấy tờ, người có thẩm quyền mới được tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đồng thời, cũng hạn chế tối đa thời gian tạm giữ.
Với phương tiện giao thông bị tạm giữ, nếu cá nhân, tổ chức có địa chỉ rõ ràng, có nơi lưu giữ, bảo quản phương tiện hoặc có khả năng về tài chính để đặt tiền bảo lãnh thì cơ quan có thẩm quyền có thể giao cho họ giữ, bảo quản phương tiện trong thời gian bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Điểm mới nữa của luật là bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bởi theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là không đúng với bản chất, tên gọi của biện pháp xử lý. Hành vi bán dâm chưa đến mức phải áp dụng biện pháp hạn chế quyền tự do mà chỉ cần phạt tiền như đối với người mua dâm theo quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm.
Theo VnExpress