.

Yêu nghề

Làm báo đòi hỏi sự đam mê, yêu nghề và sự cống hiến hết mình để viết lên những tác phẩm chân thật, chất lượng. Với những nữ nhà báo, chọn nghiệp báo và đam mê với nghề này thì phải dấn thân vào chặng đường lắm chông gai.

Trong những lần công tác, cùng bàn luận chuyện công việc, nữ nhà báo Phan Thủy (Báo Công an Đà Nẵng) đã tâm sự về những chuyến vượt núi băng rừng của chị để viết tin, bài. Chị kể, có lần leo núi tìm đến một đồn Biên phòng ở vùng sâu, vùng xa, dù mệt mỏi vì đường đi khó khăn, trở ngại nhưng khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc của một trạm Biên phòng, lòng chị không khỏi hạnh phúc và bao vất vả cũng vơi đi. Rồi chị nhắc về những chuyến đi đảo: “Khi lên thuyền thì say sóng, không còn biết trời đất chi nữa hết, rứa mà bước xuống thuyền cũng lao vào làm việc bình thường”.

Với phóng viên Khánh Hiền (Cơ quan thường trú Báo Dân trí tại Đà Nẵng), để có được những bài viết hay và cảm động về cuộc sống của thầy và trò vùng núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), Hiền đã phải vượt qua một chặng đường đèo dốc lầy lội và đầy hiểm nguy. Nhưng thành quả đem lại là Hiền đã tận mắt chứng kiến những vất vả của thầy trò nơi đây, để rồi bài viết ra đời, giúp độc giả có cái nhìn cận cảnh, chân thật và sống động về cuộc sống của thầy trò vùng núi Nam Trà My.

Trong nghề báo, với nam giới, thể chất mạnh mẽ giúp họ gặp nhiều thuận lợi khi tác nghiệp. Còn với chị em nhà báo, nếu không yêu nghề, không say nghề đến mức quên cả nhọc nhằn, gian khó, họ sẽ chẳng trụ lại với nghề lâu được. Bởi những chuyến công tác ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo đòi hỏi sức bền, ý chí mạnh mẽ để quên đi nhọc nhằn và bắt tay vào công việc. Và cũng bởi những bộn bề lo toan thường ngày cho người thân, gia đình mà họ phải đảm nhiệm khi làm mẹ, làm vợ buộc chị em phải nỗ lực rất nhiều để sắp xếp mọi việc một cách khoa học. Cái chính là làm sao để công việc không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và ngược lại, hạnh phúc gia đình luôn được vun đắp bằng những thành công trên con đường sự nghiệp.

Nghề báo vẫn được cho là nghề nguy hiểm. Vậy nên, chọn nghề báo cũng là chấp nhận những hiểm nguy trên chặng đường tác nghiệp. Ngày càng nhiều nữ giới chọn nghề báo và không ít người đã thành công với những tác phẩm của mình. Nhưng để đạt được thành công này, họ phải tự vượt qua chính bản thân mình để không sợ hãi trước hiểm nguy, sẵn sàng đối mặt với những cơn say sóng, những lần vượt đèo, băng rừng, đối mặt với lũ dữ... Cây bút xuất sắc trong làng báo, Nhà báo Hữu Thọ từng chia sẻ: “Nghề báo là nghề cần phải có năng khiếu và say nghề, những ai muốn nhàn hạ thì đừng bước chân vào”. Gác câu chuyện năng khiếu sang một bên, nữ nhà báo nếu không say nghề thì chắc chắn chẳng ai chọn cái nghiệp mà chị em vẫn đùa là “tàn phá nhan sắc” nhanh nhất này. Có lẽ động lực mạnh mẽ nhất khiến chị em say nghề chính là tác động xã hội mà những bài báo mang lại. Trải nghiệm với nghề cho họ con mắt nhìn cuộc sống sâu sắc hơn, nhạy cảm hơn và từ đó, nhiều bài viết hay, chân thật, cảm động ra đời, mang đến cho độc giả, người nghe, người xem những cái nhìn phong phú, đa dạng về cuộc sống. Một nữ nhà báo lâu năm trong nghề nhận xét: “Phụ nữ làm báo vất vả nhưng nếu ai đã yêu nghề, say nghề, làm tốt thì sẽ trụ vững lâu dài, còn không thì cũng chẳng sống được với nghề báo”. Nghề báo không dễ làm bởi tính thanh lọc cao. Những ai không thật sự gắn bó với nghề, sẽ khó đầu tư tâm sức, thời gian để tạo nên những tác phẩm báo chí chất lượng, chân thực. Và nếu không cố gắng thì tự bản thân người làm báo sẽ đào thải chính mình.

Áp lực của nghề là một khó khăn lớn mà nữ nhà báo phải nỗ lực vượt qua để tự khẳng định chính mình và trở thành những cây bút chủ lực trên diễn đàn báo chí. Mặc dù chặng đường tác nghiệp có nhiều chông gai và cuộc sống đặt ra nhiều yêu cầu cao với nghề báo nhưng chính niềm say mê, sự yêu nghề sẽ tạo động lực mạnh mẽ giúp nữ nhà báo vượt qua để chuyên tâm nghiệp viết và tiếp tục sáng tạo những bài báo chất lượng, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội hiện tại.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.