.

16 năm tìm mộ cha

.

Niềm hạnh phúc đã đến với gia đình tôi sau 16 năm lặn lội tìm kiếm mộ bố - liệt sĩ Lê Viết Hồng (SN năm 1940), hy sinh tại Khe Răm - cánh bắc Hòa Vang khi mới 27 tuổi.

Đại tá Dương Minh Chí và chị Lê Thị Hằng bên mộ liệt sĩ Lê Viết Hồng tại Khe Răm, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.
Đại tá Dương Minh Chí và chị Lê Thị Hằng bên mộ liệt sĩ Lê Viết Hồng tại Khe Răm, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

Quê tôi ở xã Vĩnh Ninh (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Tháng 4-1965, bố tôi tái ngũ vào quân đội và được huấn luyện 18 tháng tại Quảng Yên (Quảng Ninh) trong lực lượng đặc công nước. Trước yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường nói chung và Mặt trận Quảng Đà nói riêng, tháng 10-1966, bố tôi cùng đồng đội hành quân vào Nam và được biên chế vào đơn vị đặc công đóng ở cánh bắc Hòa Vang để tiến hành tiếp cận, phá hủy, tiêu diệt các mục tiêu của Mỹ từ hướng sông, biển. Tháng 5-1967, bố tôi hy sinh tại Khe Răm - cánh bắc Hòa Vang khi mới 27 tuổi.

Ngày bố tôi tái ngũ vào chiến trường miền Nam, tôi chưa hề nhìn thấy mặt bố. Hình ảnh của bố chỉ lớn dần trong tôi qua lời kể của bà và mẹ. Trong trái tim tôi, bố luôn hiện lên đẹp đẽ, dũng cảm phi thường bởi bố đã hy sinh tuổi trẻ, gia đình để cống hiến cho đất nước. Vì thế, khi trở thành người lính đóng quân tại thành phố Đà Nẵng, từ năm 1996, tôi bắt đầu dành thời gian để tìm kiếm các thông tin về phần mộ của bố. Làm sao để tìm được hài cốt của bố tôi sau hàng chục năm hy sinh là niềm mong đợi của cả gia đình tôi, của người mẹ già bao nhiêu năm mòn mỏi ngóng trông và anh chị em tôi với nỗi niềm đau đáu được nhìn thấy cha một lần, dù chỉ là một mảnh xương hay một kỷ vật nào còn sót lại. Qua các thông tin, bài báo nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng hay ngày truyền thống lực lượng đặc công Quảng Đà viết về các trận đánh được các bác, các chú là nhân chứng sống kể lại, tôi luôn nghĩ rằng các bác, các chú đều là đồng đội của bố nên tôi đã cố gắng tìm kiếm cho bằng được địa chỉ của họ để hỏi thăm tin tức của bố. Năm 2012, tôi đọc một bài báo viết về chú Nguyễn Đình Tham (quê Điện Hòa, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nay đang sống ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) - người đã tìm được rất nhiều mộ liệt sĩ trong những năm qua. Khi tìm gặp được chú, tuy không biết thông tin nào về bố tôi, nhưng chú đã động viên và chỉ dẫn cách tìm kiếm thông tin. Được sự động viên từ chú Tham, tôi như được tiếp thêm nghị lực và quyết tâm đi tìm mộ bố. Qua thông tin được các bác, các chú cựu chiến binh trong Ban liên lạc Tiểu đoàn 87 đặc công cũng như các cô, các chú từng tham gia hoạt động chiến đấu ở khu vực Khe Răm - cánh bắc Hòa Vang chỉ dẫn, tôi và gia đình đã được tìm hiểu thêm về sự khốc liệt của chiến tranh, thời kỳ những năm 1965-1968, trên chiến trường Quảng Đà thời đó, hiểu thêm về sự hy sinh anh dũng của những người lính như bố tôi và càng tăng thêm niềm hy vọng tìm kiếm.

Thật may mắn cho gia đình tôi là thông qua Đại hội Hội Cựu chiến binh quận Ngũ Hành Sơn, các bác, các chú cựu chiến binh đã giới thiệu tôi gặp Đại tá Dương Minh Chí, lúc đó công tác tại Hội Cựu chiến binh thành phố. Chú Chí là người trực tiếp đón nhận tiểu đội của bố tôi từ miền Bắc vào để thành lập Tiểu đoàn đặc công 87 chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Chú là người biết rõ về bố tôi và chứng kiến sự hy sinh của bố. Chú khẳng định với chúng tôi: “Bằng trách nhiệm và tình cảm của một cựu chiến binh với gia đình đồng đội, chú sẽ nhất định đi tìm và đưa hài cốt bố cháu về với người thân”. Ngay sau đó, không quản ngại khó khăn gian khổ, tuổi cao sức yếu, vượt qua 30km đường rừng, sau nhiều ngày tìm kiếm vất vả, chú Chí, chú Nhơn và chú Phan Tiến Dũng - nguyên Đại đội trưởng đại đội độc lập (C1) đóng ở căn cứ Khe Răm - cánh Bắc (đơn vị chôn cất bố tôi ngày đó) đã phát hiện phần mộ bố tôi nằm ở sườn núi phía nam Khe Răm, thuộc xã Hòa Bắc - Hòa Vang.

Ngày 22-6-2012 vừa qua, được sự chỉ dẫn tận tình của các chú và sự giúp đỡ của UBND xã Hòa Bắc, gia đình tôi đã tiến hành cất bốc và cùng với UBND huyện Vĩnh Lộc, UBND xã Vĩnh Ninh tổ chức lễ truy điệu, đưa hài cốt bố tôi về yên nghỉ vĩnh hằng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Ninh - nơi quê cha đất tổ mà gần 50 năm về trước, bố tôi đã từ đó lên đường đi chiến đấu. Niềm hạnh phúc sau 16 năm lặn lội tìm kiếm hài cốt cha của gia đình tôi nay đã thật sự trọn vẹn. Có thể nói, trong công cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước, gia đình tôi thật sự may mắn khi tìm được hài cốt bố tôi trong số 300.000 liệt sĩ đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Niềm hạnh phúc và lòng biết ơn này chúng tôi xin gửi đến các bác, các chú cựu chiến binh - những đồng đội thân yêu của bố tôi đã dành tâm huyết, thời gian và công sức, không quản ngại khó khăn, vất vả để tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ gia đình tôi hoàn thành tâm nguyện thiêng liêng với người chồng, người cha ruột thịt của mình đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7).

LÊ THỊ HẰNG

;
.
.
.
.
.