.

27 năm ròng tìm mộ đồng đội

.

(ĐNĐT) - Hai giờ sáng ngày 23-8-1965, vị trí Đài thông tin vô tuyến Khu ủy Khu 5 bị địch phát hiện, lập tức máy bay B52 của địch ném bom rải thảm khu vực này. 10 cán bộ, chiến sỹ của Ban Thông tin vô tuyến điện (BTTVTĐ) đã hy sinh. Câu chuyện đau buồn về lần tổn thất lực lượng lớn nhất của Ban TTVTĐ được nhắc trong cuộc gặp mặt đầy cảm động của gần 200 cựu cán bộ, chiến sỹ tại Nhà khách Văn phòng Trung ương Đảng tại Đà Nẵng ngày 21-7.

Những hài cốt liệt sỹ của Ban TTVTĐ được đưa về quê hương
Những hài cốt liệt sĩ của Ban TTVTĐ được đưa về quê hương

Huyết mạch thông tin của Đảng

Ban TTVTĐ trong kháng chiến chống Mỹ là đơn vị trực thuộc Khu ủy Khu 5, có nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc hai chiều phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, báo cáo tình hình giữa Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam với Khủ ủy Khu 5 và giữa Khu ủy Khu 5 với các tỉnh ủy thuộc địa bàn Khu 5 và các đơn vị tiền phương làm nhiệm vụ đánh địch.

Đài TTVTĐ ở đâu thì vị trí của cơ quan Khu ủy cũng gần đó. Do vậy, Đài chính là mục tiêu được quân đội Mỹ sử dụng các phương tiện dò sóng, định vị săn lùng ráo riết để tiêu diệt, đồng thời tiêu diệt cả cơ quan Khu ủy. Có không ít lần cán bộ, chiến sĩ của Đài vừa di chuyển đến nơi đóng quân mới, dựng xong lán trại, đào xong công sự thì nhận tin tình báo, vị trí bị lộ. Cả đơn vị lập tức hành quân rời bỏ vị trí, đi được vài cây số thì máy bay B52 ném bom rải thảm san bằng cả một khu vực rộng lớn.

Hai giờ sáng ngày 23-8-1965, vị trí Đài thông tin vô tuyến Khu ủy Khu 5 tại khu rừng Phương Đông, huyện Trà My  bị địch phát hiện, lập tức máy bay B52 của địch ném bom rải thảm khu vực này. 10 cán bộ, chiến sỹ của Ban Thông tin vô tuyến điện (BTTVTĐ) đã hy sinh. Đây là lần tổn thất lực lượng lớn nhất của Ban. Ngày 21-12-1966, máy bay B52 ném bóm trúng hội trường của Huyện ủy Trà My làm đồng chí Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Viên hy sinh. Ngày 12-7-1968, địch dội bom trúng cụm điện đài tại căn cứ A8, Tây Quảng Đà làm hy sinh hai đồng chí, trong đó có đồng chí Trần Đoàn là Trưởng Ban TTVTĐ lúc bấy giờ. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ban TTVTĐ có 29 cán bộ, chiến sỹ đã nằm lại chiến trường.

Đưa đồng đội về quê hương

Day dứt với đồng đội chưa về quê hương, trong suốt 27 năm qua, Ban liên lạc Ban TTVTĐ (thành lập năm 1985) đã tổ chức hàng trăm đợt đi tìm đồng đội. Ông Trần Đình Trọng, Trưởng Ban liên lạc cho biết: Ngày đó, vị trí của Đài phải di chuyển liên tục nhằm tránh sự phát hiện của địch, do vậy những đồng đội hy sinh chỉ được chôn vội vã, lấy vị trí của núi đá, cây cối, con suối làm mốc để nhớ trong đầu những người còn sống.

d2.jpg
d5.jpg
Mất 27 năm, Ban Liên lạc Ban TTVTĐ Khu ủy Khu 5 năm mới tìm kiếm hết các liệt sĩ của Ban để đưa về quê

10 năm sau giải phóng mới có những chuyến đi tìm đồng đội đầu tiên. Thời gian trôi qua, mưa gió, nước lũ đã làm thay đổi địa hình, việc tìm kiếm thật khó khăn. Không để đồng đội nằm mãi giữa rừng sâu, không để gia đình thân nhân liệt sĩ day dứt mãi, Ban liên lạc tăng mật độ các cuộc tìm kiếm ngày càng dày hơn trong những năm gần đây.

Ông Trần Thanh Trung, một thành viên của Ban liên lạc, xúc động kể: "Hình như có sự kết nối tâm linh giữa đồng đội đã khuất với những người đi tìm đồng đội. Có khi cả đoàn đã vừa hết lương thực, đang tính toán phải quay về để tổ chức tiếp đợt tìm kiếm mới thì phát hiện ra mộ liệt sĩ. Có trường hợp đoàn tìm kiếm tìm được hai liệt sỹ chôn bên suối do nước đã bào mòn mới đào một gang tay đã thấy. Nếu không kịp cất bốc có thể mùa mưa năm đó nước lũ sẽ cuốn trôi tất cả. Anh em nằm nhiều năm trong rừng đều muốn gặp đồng đội để được đưa về quê nên đoàn tìm kiếm có lúc rất may mắn như vậy", ông Trung nói.

Có mặt trong buổi gặp mặt của các cựu cán bộ, chiến sỹ Ban TTVTĐ, anh Nguyễn Văn Lập, quê Hà Nam, em của liệt sĩ Nguyễn Văn Ninh cho biết: "Anh Ninh tham gia cách mạng năm 21 tuổi, lúc đó tôi cũng mới 4 tuổi. Sau 1975, gia đình chỉ nhận được giấy báo tử nhưng thông tin trên giấy ghi nơi hy sinh là  chiến trường Khu 5 nên không biết đâu mà  tìm cả. Bố mẹ tôi rất buồn suốt 30 năm ròng. Bất ngờ đầu năm 2005, gia đình chúng tôi được các chú, các bác trong Ban liên lạc trực tiếp báo tin vào Quảng Nam bốc mộ anh tôi. Mẹ tôi mừng lắm, nhờ  thế mà bà đến nay đã 90 tuổi mà vẫn rất khỏe mạnh".

Đến năm 2011, Ban Liên lạc Ban TTVTĐ Khu ủy Khu 5 đã tìm được hết hài cốt các đồng đội và đưa các anh về quê hương. Tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Ban cũng tổng kết công tác tìm kiếm liệt sỹ đã triển khai trong suốt 27 năm qua và bàn công tác xây dựng quỹ hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình liệt sỹ và những người đồng đội từng một thời vượt bao gian lao cho hòa bình, độc lập hôm nay.

Đề nghị phong danh hiệu Anh hùng LLVT cho Ban TTVTĐ

Tại cuộc gặp mặt, cán bộ, chiến sĩ của Ban TTVTĐ được Ban Liên lạc thông báo sẽ tiến hành lập hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Ban TTVTĐ Khu ủy Khu 5 vì những thành tích xuất sắc đảm bảo huyết mạch thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trương ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy Khu 5

Sơn Trung

;
.
.
.
.
.