.

5 anh em ruột là quân tình nguyện

Trong hàng ngũ đông đảo đội quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ giúp Lào có một gia đình - có thể là duy nhất - mà năm anh em ruột đều là chiến sĩ tình nguyện. Họ là năm anh em quê Yên Mỹ, Ý Yên, Nam Định, mỗi người một hoàn cảnh, một cương vị công tác, một địa bàn hoạt động và khi sang Lào, họ chẳng hề gặp nhau một lần nào.

Bùi Văn Ý, người anh cả lặng lẽ rời gia đình từ ngày đầu kháng chiến chống Pháp, hoạt động trong vùng địch hậu Hạ Lào từ năm 1948 đến những năm chống Mỹ. Là bác sĩ quân y, anh đã tận tâm với nghề nghiệp, trong điều kiện phương tiện, thuốc men thiếu thốn đã cứu chữa biết bao thương-bệnh binh và bệnh nhân trong các thôn bản Lào, đào tạo không ít bạn đồng nghiệp, xây dựng nhiều cơ sở y tế, tận tụy phục vụ trực tiếp cho cơ quan đầu não của khu Hạ Lào.

Chiến tranh đã lùi về quá khứ hơn một phần tư thế kỷ, nhưng tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Lào đối với anh vẫn còn sâu đậm. Vừa qua anh và gia đình được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào mời sang thăm thủ đô Viêng Chăn; đặc biệt là đồng chí Phun Xỉ-pa-xợn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng coi anh là “ân nhân cứu mạng” vì đã chữa trị cho vợ của đồng chí là bà Phon Xúc (tức Hĩn-Xỉ La) bị mảnh đạn địch găm vào đỉnh hộp sọ năm nào.

Bùi Văn Thanh, hoạt động ở chiến khu I - Thượng Lào vào đầu năm 1950. Sau một đợt chỉnh quân tại Trung Quốc, anh dẫn đầu đội tuyên truyền vũ trang luồn sâu vào một vùng địch hậu thuộc tỉnh Luông Pha-băng. Hơn một năm sau, vùng này đã trở thành một căn cứ du kích đấu tranh chính trị - vũ trang cho đến ngày chấm dứt chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp năm 1954, và sau đó, đấu tranh chính trị cho hòa bình hòa hợp dân tộc 1955-1957. Lịch sử truyền thống vùng này còn ghi nhận tên anh là một trong những chiến sĩ tình nguyện đã mở đường đến đây gieo mầm cách mạng, thành lập chi bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đầu tiên và khởi đầu cho  phong trào học văn hóa ở một nơi mà người dân chưa hề biết mặt con chữ.

Bùi Trọng Đông, dẫu nặng tình với mẹ già và một em nhỏ ở quê nhà song vẫn quyết tâm theo bước các anh ra đi đến chiến khu II - Trung Lào, năm 1950. Nhiều căn cứ cách mạng, cơ sở du kích trong vùng Trung và Bắc Lào, nhất là vùng Viêng Chăn đều in dấu chân anh trong suốt những năm tháng chống Pháp cho đến ngày thắng lợi. Khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược mở ra, anh trở lại chiến trường Lào. Với cương vị một chuyên gia, anh đã góp phần tích cực vào việc vun đắp liên minh giữa Mặt trận Lào yêu nước và lực lượng trung lập yêu nước tại tỉnh Phông Xa Lỳ.

Bùi Khánh Cân, cán bộ quân sự tỉnh Ninh Bình, được lệnh sang Lào trong những ngày đầu cuộc “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ với trách nhiệm là một cán bộ lãnh đạo Đoàn chuyên gia quân sự, giúp bạn củng cố phát triển cơ sở cách mạng tỉnh U-đôm-xây, một địa bàn chiến lược quan trọng ở Bắc Lào. Nơi đây, nhiều cuộc chiến ác liệt đã diễn ra, những chiến công vang dội giành được đã góp phần đáng kể vào thắng lợi hoàn toàn năm 1975. Hòa bình lập lại, vị đại tá chuyên gia quân sự này vẫn tiếp tục nhiệm vụ giúp bạn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Với những thành tích xuất sắc, anh đã về nước trong tình cảm thân thương và sự mến phục của các bạn Lào, trọn tình trọn nghĩa.

Bùi Văn Phương, người em trai út, đã ra đi giữa lúc cuộc leo thang chiến tranh của Mỹ đến mức ác liệt nhất. Người chiến sĩ đặc công gan dạ này đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công, mà chiến công đầu tiên là làm nổ tung gần chục pháo đài bay B52 của Mỹ tại sân bay chiến lược U-ta-pao (Thái Lan), nơi xuất kích đi ném bom rải thảm ở Lào và Việt Nam. Chiến công này đã làm nức lòng nhân dân hai nước, kẻ thù bàng hoàng. Cùng với những thành tích thầm lặng trong hợp tác hoạt động với bạn Lào, trung tá đặc công Bùi Văn Phương đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam”, một vinh dự lớn đối với anh, một niềm hạnh phúc của gia đình.

Nhìn lại mấy thập kỷ chiến đấu của “Năm anh em trên một chiến trường” gian khổ và ác liệt với những thành tích đạt được, điều tâm đắc chung của năm chiến sĩ tình nguyện, năm đảng viên này là đã hiến dâng cả quãng đời thanh xuân của mình trên đất nước Lào - “Tổ quốc thứ hai” với tình cảm sâu đậm và vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Giờ đây, tuổi trẻ đã qua rồi, các anh nghỉ ngơi trong cuộc sống đạm bạc mà thanh thản, mẫu mực trong cuộc sống và vẫn giữ trọn tình nghĩa sắt son Việt - Lào.

BÙI VĂN THANH

(Nguyên  Đại sứ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào)

;
.
.
.
.
.