.
50 năm quan hệ Việt-Lào

Gặp người bảo vệ bầu trời Lào ngày ấy

.

Ở tuổi 69, Đại tá - Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không 375 (Quân chủng Phòng không-Không quân), vẫn nhanh nhẹn và tinh anh. Ông đón tôi bằng nụ cười ấm áp và cái vỗ vai thân tình như gặp lại những người đồng đội cũ.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành xúc động kể về những năm tháng chiến đấu hào hùng ở chiến trường Lào.  Ảnh: Đ.LƯƠNG
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành xúc động kể về những năm tháng chiến đấu hào hùng ở chiến trường Lào. Ảnh: Đ.LƯƠNG

Trong phòng khách, bức ảnh Bác Hồ được ông đặt trang trọng trên bàn thờ. Câu chuyện về cuộc chiến đấu bảo vệ bầu trời Lào những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 trở nên hào hùng và hừng hực khí thế khi ông nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ năm ấy: “Giúp bạn tức tự bảo vệ mình. Bảo vệ mình tức là giúp bạn”.

Là hạt giống đỏ, có cha là du kích Ba Tơ và mẹ là cơ sở cách mạng, Nguyễn Lành được tập kết ra miền Bắc năm 1954 khi mới 10 tuổi. Rời ghế nhà trường, năm 1965, ông được gọi cấp tốc vào quân đội.

Từ năm 1966 đến năm 1969, cùng kíp chiến đấu, ông Lành đã bắn rơi 18 máy bay địch. Trong những ngày tháng gian khổ và ác liệt năm 1969, chàng thanh niên 25 tuổi Nguyễn Lành là Đại đội trưởng Tiểu đoàn Tên lửa lên đường tham gia chiến dịch Bản Đông (Nam Lào). “Lúc đó, đường sá không có nên phải đưa pháo cao xạ 37ly đến 57ly, rồi 100ly sang chiến đấu nhưng máy bay B52 đánh phá ác liệt quá buộc Nhà nước ta bí mật chi viện sang Lào lực lượng tên lửa”, ông Lành nhớ lại.

Quân đội Lào chỉ có bộ binh, không có xe tăng, không có lực lượng phòng không. Đơn vị của ông Lành là một trong những đơn vị đầu tiên sang tham gia giúp bạn Lào. Tại chiến trường Quảng Trị, máy bay B52 của địch đánh liên tục và máy bay AC-130 được xem là lực lượng khống chế số 1 của chiến trường Trường Sơn. Đây là loại máy bay được trang bị hệ thống quan sát hồng ngoại và khuếch đại ánh sáng mờ tới 4 vạn lần, phát hiện mục tiêu dưới mặt đất rồi bắn pháo 40mm và 20 mm chính xác. “Xe ta chạy không đèn nó cũng phát hiện được và bắn rất chính xác với xác suất 80-90%. Ta phải sử dụng lực lượng tên lửa để diệt loại máy bay này. Chiến trường lúc này rất ác liệt. Đầu đêm nó đánh nơi xuất phát, cuối đêm nó đánh nơi tập kết. Cả con đường dài 9-10 cây số phải treo hoa phong lan để ngụy trang che mắt địch bởi đây là loại cây có thể chịu hạn rất tốt”, ông Lành giải thích.

Cuối năm 1971 đầu năm 1972, khí tài tên lửa đưa qua Lào rất khó khăn. 4 Trung đoàn tên lửa phải đi qua 4 cửa khẩu: đường 12, đường 20, đường 10 và đường 16. Ông Lành lúc bấy giờ đã là Tiểu đoàn trưởng và chỉ huy Tiểu đoàn vận chuyển khí tài đi qua đường 12 để vào Sêpôn cách 120 cây số. Sau 1 tháng trời hành quân mới đến được địa điểm cách Sêpôn 10 cây số và tập kết khí tài nhưng liên tục bị máy bay AC-130 bắn phá. Đơn vị ông Lành đã đánh 3 đợt: 2 đợt đầu đánh trúng nhưng máy bay không rơi tại chỗ; đợt 3 vào tháng 3-1972, đơn vị bắn rơi một chiếc tại chỗ với 13 giặc lái. Lần này, tên lửa đánh với cự ly gần, khoảng 18 cây số và máy bay rơi cách trận địa 3 cây số.

Giữa chiến tranh ác liệt và gian khổ ấy, nhiều người dân Lào không có nhà cửa nhưng không thể làm lán trại. Cả bộ đội ta và người dân phải vào sống trong hang đá, thậm chí có những bản người Lào ở trong hang đá quanh năm không có muối và phải đốt cỏ tranh để ăn. “Thời đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ ta luôn luôn có 1 lạng muối, 1 gói mì chính trong túi để phòng thân nhưng với tình quân dân, chú đã vận động anh em chắt chiu đóng góp được 15kg muối cho người dân Lào. Cả bản rất vui mừng và họ pha thành nước muối rồi gọi mọi người đến uống cùng. Đây là tình cảm rất thiêng liêng và cao đẹp mà chỉ có giữa bộ đội ta với nhân dân Lào”, ông Lành xúc động.

Năm 1972, Đảng ta phát động cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam với 3 hướng Trị-Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, trong đó Trị-Thiên là hướng chủ yếu. Để bảo đảm thành công cho các chiến dịch, Đoàn 559 liên tiếp mở các chiến dịch vận chuyển lớn chi viện cho các chiến trường. Sau khi đủ lực lượng, ta  mở chiến dịch Quảng Trị và công bố công khai là ta đã có lực lượng tên lửa. Lúc này pháo cao xạ của ta vẫn còn trụ lại bên Lào để bảo vệ. Đến năm 1986, Quân đội ta vẫn tiếp tục hỗ trợ và đưa rađa qua Lào để bảo vệ vùng trời cho bạn. Do đó, tình cảm giữa bộ đội Lào và bộ đội Việt Nam vô cùng sâu nặng. Đối với người dân Lào, bộ đội Việt Nam luôn được yêu thương, quý mến như người nhà. Dù vẫn còn khó khăn nhưng họ sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”, cùng đồng cam cộng khổ như có ngô nhường ngô, có sắn nhường sắn, có măng nhường măng… “Trong những năm tháng gian khổ ấy, chính những người dân Lào đã che chở và bảo vệ bộ đội mình. Đó là hình ảnh sâu nặng nhất mà chú có được khi sống và chiến đấu trên đất nước Triệu Voi”, ông Lành chia sẻ.

Chia tay ông, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh xúc động mà ông cùng các chiến sĩ vận động góp muối cho dân bản trong chiến tranh ác liệt. Với tấm lòng “hạt muối cũng chia đôi” cho thấy, bộ đội ta không chỉ chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Lào, mà tình cảm đầy tính nhân văn ấy đã tô thắm thêm “tình sâu, nghĩa nặng” giữa nhân dân hai nước.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.