.
50 năm quan hệ Việt-Lào

Quan hệ Đà Nẵng với các tỉnh Trung – Nam Lào Những dấu son tô thắm tình hữu nghị anh em (Tiếp theo kỳ trước)

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ 51 chương trình, dự án với tổng kinh phí hơn 57 tỷ đồng cho các tỉnh Trung và Nam Lào, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, quy hoạch kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, giao thông, huấn luyện thể thao. Một số chương trình hợp tác nổi bật như: Từ năm 2002 đến nay, Đại học Đà Nẵng đã tiếp nhận 601 lưu học sinh Lào theo học tiếng Việt ở bậc đại học, cao học và tiến sĩ ở các chuyên ngành sư phạm và kinh tế từ các tỉnh Champasak, Sekong, Savannakhet, Salavan, Attapư, Khămmuộn, Bolikhamxay, Đại học Champasak, Đại học Quốc gia Lào. Riêng trong năm 2011, thành phố đã cấp mới cho các tỉnh Nam Lào 30 suất học bổng (tỉnh Savannakhet: 20; tỉnh Champasak: 3; tỉnh Attapư: 5; tỉnh Khăm Muộn: 1 và 1 học sinh Việt kiều tại Pakse).

Hiện nay, có 324 sinh viên Lào đang theo học tại Đà Nẵng, trong đó có 74 sinh viên nhận học bổng của thành phố. Một số sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận sinh viên Lào thực tập tại cơ quan để các em trải nghiệm thực tế trong công tác quản lý, điều hành. Nhìn chung, các tỉnh Nam Lào có xu hướng đưa con em sang Việt Nam học ngày càng đông. Năm 2007, thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho 2 giáo viên tỉnh Savannakhet học tiếng Việt, đồng thời hỗ trợ 2 cán bộ đối ngoại tỉnh Savannakhet và Khăm Muộn học tiếng Việt và thực tập tại Đà Nẵng. Năm 2010, đoàn giáo dục tỉnh Sekong gồm 22 Hiệu trưởng các trường sang thăm và trao đổi kinh nghiệm với Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố và các trường học tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian 1 tuần.

Riêng Đại học Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ kết nghĩa với Trường Cao đẳng Sư phạm Pakse, tỉnh Champasak. Tháng 4-2007, Học viện Chính trị-Hành chính khu vực III đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác với Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Savannakhet. Ngành giáo dục của các địa phương Lào thường xuyên cử các đoàn sang trao đổi, học tập kinh nghiệm với Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố. Chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Champasak cũng đã cam kết tạo điều kiện cho việc trao đổi đoàn giữa Đại học Đà Nẵng và Phân hiệu Đại học Quốc gia Lào tại Champasak. Từ năm 2008 đến 2011, hằng năm thành phố đã cử cán bộ tham gia khóa học tiếng Lào trong thời gian 9 tháng tại Champasak theo chương trình học bổng của tỉnh Champasak nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói tiếng Lào. Trong các chuyến thăm và làm việc tại Lào, thành phố Đà Nẵng đã trao tặng các tỉnh Trung và Nam Lào nhiều trang thiết bị trường học như máy vi tính, máy in, bàn ghế học sinh.

Năm 2005, thành phố đã hỗ trợ xây dựng hai trung tâm đào tạo tiếng Việt tại thị xã Pakse, tỉnh Champasak, thị xã Khanthabuli, tỉnh Savannakhet với quy mô mỗi dự án 800 triệu đồng, đồng thời tặng trang thiết bị trường học cho hai trung tâm với tổng giá trị gần 240 triệu đồng. Từ tháng 8-2007, thành phố đã cử nhiều giáo viên sang dạy tiếng Việt tại Trung tâm Savannakhet và 1 giáo viên sang dạy tại Trung tâm Champasak. Hiện nay, Trung tâm tiếng Việt (cũ) do thành phố hỗ trợ xây dựng đã chuyển mục đích sử dụng thành “Trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh Savannakhet”. Năm 2010, thành phố đã hỗ trợ tỉnh Sekong xây dựng Trường Chính trị với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng và khánh thành đưa vào sử dụng tháng 3-2011. Trung tâm tiếng Việt mới tại thị xã Cayxon Phomvihan, tỉnh Savannakhet với tổng vốn đầu tư 4 tỷ đồng, đã khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 3-2011. Năm 2011, khởi công xây dựng Trường THCS Salavan và hỗ trợ tỉnh Salavan trang thiết bị dạy học cho Trường tiểu học Hội Việt kiều tỉnh Salavan trị giá 250 triệu đồng; cử 3 giáo viên sang dạy tiếng Việt tại các trung tâm do thành phố tài trợ xây dựng tại Champasak, Savannakhet và hỗ trợ trang thiết bị luyện nghe, sách học tiếng Việt cho các trung tâm này với tổng kinh phí 595 triệu đồng.

(Còn nữa)

V.D Tổng hợp

;
.
.
.
.
.