L.T.S: Nhân “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012” , phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với đồng chí Vansa Launhiada (ảnh), Tổng Lãnh sự nước Cộng hòa DCND Lào tại Đà Nẵng về mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước cũng như thành tựu, tiềm năng phát triển hợp tác giữa Đà Nẵng với các địa phương của Lào.
* P.V: Thưa đồng chí, trong “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào”, Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào có sự nhìn nhận như thế nào về tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào?
- Đồng chí Vansa Launhiada: Trước tiên, tôi xin cảm ơn Báo Đà Nẵng đã dành thời gian trao đổi những vấn đề chung quanh dịp kỷ niệm 2 ngày lễ trọng đại trong mối quan hệ Lào - Việt Nam.
Có thể nói, năm 2012 là một năm có ý nghĩa rất quan trọng, vì có 2 ngày lễ lớn trong mối quan hệ của hai dân tộc Lào - Việt Nam, đó là kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2012) và 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác (18-7-1977 - 18-7-2012). Đảng, Nhà nước, Chính phủ Lào rất coi trọng và đánh giá mốc lịch sử quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước. Trải qua thời gian 50 năm và 35 năm, chúng ta cùng nhìn lại và khẳng định mối quan hệ Việt Nam - Lào là mối quan hệ thực sự đặc biệt và hiếm có trong mối quan hệ quốc tế. Nhìn lại 50 năm và 35 năm phát triển, tăng cường sự đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào đó, chúng ta thấy đã mang lại kết quả to lớn cho 2 dân tộc trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển mối quan hệ trong thời gian qua. Cho nên, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Lào rất coi trọng vấn đề này và muốn lấy cột mốc này giáo dục cho nhân dân của mình hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ Lào - Việt Nam cũng như về quy luật tồn tại và phát triển: Nhờ có sự đoàn kết, hữu nghị đó, cho ra đời một nước Cộng hòa DCND Lào ngày càng phát triển, cuộc sống nhân dân được củng cố và ấm no hơn.
Ở Lào, nhân kỷ niệm 50 năm và 35 năm này, Chính phủ Lào có chỉ thị cho các tổ chức từ Trung ương đến địa phương phải tổ chức các hình thức kỷ niệm 2 ngày lễ lớn này cho đúng với ý nghĩa thực của nó; tức là có nhiều hình thức hoạt động, nội dung phong phú, tổ chức thật sinh động và sôi nổi. Những hình thức phổ biến nhất đã, đang và thực hiện là mít-tinh ở cấp Nhà nước và địa phương; mời lãnh đạo các tỉnh biên giới và kết nghĩa của Việt Nam đến tham dự cấp địa phương; cấp Trung ương trao đổi các đoàn, mời lãnh đạo cao cấp của Việt Nam sang dự; trao đổi các đoàn từ Trung ương đến địa phương; tổ chức hội thảo khoa học; tìm hiểu lịch sử truyền thống hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào; tổ chức biểu diễn giao lưu thể thao, văn hóa... Có thể nói, tất cả những hoạt động đó được tổ chức để giáo dục cho nhân dân mình, nhất là thế hệ trẻ, hiểu biết thêm đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về mối quan hệ; từ đó họ nhìn nhận và thấy được trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục gìn giữ và vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Lào ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.
* P.V: Khi đảm nhận cương vị Tổng Lãnh sự nước Cộng hòa DCND Lào tại Đà Nẵng, đồng chí cũng đã nghiên cứu, tìm hiểu về vai trò, vị trí của Đà Nẵng trong mối quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam với Lào. Đồng chí có nhìn nhận như thế nào về vai trò của Đà Nẵng trong mối quan hệ này?
- Đồng chí Vansa Launhiada: Với cương vị là Tổng Lãnh sự nước Cộng hòa DCND Lào tại Đà Nẵng, tôi nhìn thấy trách nhiệm của mình rất lớn lao: Là người sẽ phải tiếp tục góp phần sức lực của mình để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Lào - Việt Nam ngày càng phát triển, nhất là giữa Đà Nẵng với các địa phương của Lào, đặc biệt các tỉnh Trung và Nam Lào. Đây vừa là vinh dự, vừa là trọng trách rất lớn đối với tôi.
Qua thời gian công tác tại Đà Nẵng, tôi nhìn nhận rằng, thành phố Đà Nẵng là một địa phương có tiềm năng, thế mạnh của một thành phố trẻ, năng động, có sự phát triển bền vững, nhịp độ phát triển rất cao. Sự đổi thay của thành phố Đà Nẵng rất lớn, chỉ sau mười mấy năm gần đây. Đây là điều kiện thuận lợi để phát huy hợp tác, quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng với các địa phương của Lào.
Tôi thấy rằng Đà Nẵng đã phát huy quan hệ hợp tác rộng rãi với các địa phương của Lào. Trong đó, hợp tác đầu tư chưa nhiều, nhưng về hợp tác giúp đỡ các tỉnh của Lào rất lớn. Từ ngân sách của địa phương, thành phố Đà Nẵng đã trích một phần rất lớn hỗ trợ cho các tỉnh của Lào trong lĩnh vực nông nghiệp, quy hoạch đô thị, giáo dục... Chỉ riêng về giáo dục, thành phố Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ hàng trăm suất học bổng toàn phần cho cán bộ, học sinh Lào; tiếp nhận học sinh của Lào sang học theo diện hợp tác giữa hai địa phương cũng như diện tự túc... Qua tìm hiểu, tôi thấy rằng, sự trợ giúp của Đà Nẵng góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Mặc dù đạt nhiều kết quả, nhưng theo tôi nghĩ, hình thức trợ giúp như thế này số lượng cả chất lượng chưa hẳn mang lại kết quả to lớn và thiết thực. Theo tôi, nếu Đà Nẵng có điều kiện thì nên trợ giúp về đầu tư nhiều hơn. Thứ hai là hỗ trợ về giáo dục. Thứ ba là hợp tác thương mại, du lịch.
* P.V: Theo đồng chí, trong các lĩnh vực hợp tác, hỗ trợ giữa Đà Nẵng với tỉnh Trung và Nam Lào như giao thông, nông nghiệp, giáo dục... thì lĩnh vực nào là quan trọng nhất?
- Đồng chí Vansa Launhiada: Quan trọng nhất là giáo dục. Nếu hỗ trợ giáo dục nhiều sẽ đào tạo nguồn nhân lực nhiều, cán bộ chuyên môn nhiều cho phía Lào thì sẽ là một yếu tố cơ bản nhất thúc đẩy phát triển các ngành khác. Ví dụ, ngành nông nghiệp, nếu đào tạo được cán bộ chuyên môn về nông nghiệp nhiều ở đây thì về Lào người ta sẽ đóng góp to lớn cho sự phát triển nông nghiệp của địa phương. Tôi nghĩ quan trọng nhất là nguồn nhân lực, nó đóng vai trò quyết định; bởi nếu chỉ hỗ trợ vốn mà ý thức, trình độ của con người không đáp ứng yêu cầu thì sẽ không mang lại hiệu quả. Bên cạnh nguồn nhân lực, cũng phải nói rằng, để tạo được thuận lợi cho việc đi lại, hoạt động của các doanh nghiệp, thì hạ tầng cơ sở, tức là đường sá... là điều kiện cần thiết. Nhưng bên Lào gặp nhiều khó khăn về vấn đề này, không thể tự giải quyết được. Đầu tư vào hạ tầng cơ sở là việc ai cũng ngại vì sự hoàn vốn ít, lợi ích trước mắt không nhiều, chỉ lợi lâu dài thôi. Nhưng vấn đề này phải được giải quyết, nếu không thì sẽ khó khăn. Ví dụ nếu sản xuất được hàng hóa bên Lào nhưng sẽ chuyển sang Đà Nẵng như thế nào; nếu không có đường sá thì nó vẫn là con số “không”. Vì vậy, cùng với sự giúp đỡ, thì hợp tác đầu tư là nội dung quan trọng để tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.
* P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã dành thời gian trả lời phỏng vấn nhân “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào”.
NGUYỄN THÀNH Thực hiện