Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa đến nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là một điển hình hiếm có về sự bền chặt, thủy chung, trong sáng, đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng của mối quan hệ vĩ đại này không chỉ được khắc sâu trong tâm trí và trái tim của nhân dân thành phố Đà Nẵng mà còn được phản ánh sinh động qua nhiều hoạt động văn hóa-nghệ thuật cụ thể và hiệu quả.
Biểu diễn văn nghệ tại lễ mít-tinh kỷ niệm 35 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác và 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Ông Nguyễn Cao Trí, chuyên viên Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố cho biết, từ khi thành lập đến nay, Hội Hữu nghị Việt - Lào luôn tranh thủ mọi nguồn lực, liên tục tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, từng bước mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động. Qua đó, góp phần to lớn vào việc tăng cường tình hữu nghị đặc biệt cũng như sự hợp tác giữa Đà Nẵng và các tỉnh, thành của Lào. Hằng năm, nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm của nước bạn cũng như các sự kiện trọng đại trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, Hội đều tổ chức các hoạt động hòa bình, đoàn kết hữu nghị với nhân dân Lào như mít-tinh, thi tìm hiểu, hội thảo, tọa đàm, giao lưu hữu nghị... Tiêu biểu như cuộc thi tìm hiểu về Lào, giao lưu “Nhịp cầu hữu nghị Việt - Lào”, Hội thảo “Giới thiệu văn học Lào”... Trong chương trình hoạt động hằng năm của mình, Hội rất chú trọng công tác thông tin tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của thành phố Đà Nẵng. Hội tích cực phối hợp với các cơ quan báo, đài của thành phố xây dựng các bộ phim phóng sự tài liệu, biên soạn hằng trăm tài liệu về Lào và quan hệ Việt - Lào. Qua đó, người dân Đà Nẵng có điều kiện tìm hiểu thêm về đất nước, con người Lào, về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Lào và mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước anh em. Năm 2012, Hội sẽ phối hợp giới thiệu công trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007)”, xuất bản hồi ký Việt - Lào gồm tập hợp các bài viết, hồi ký của những người đã từng sống và chiến đấu giúp đỡ bạn bè của đất nước Triệu voi, thực hiện triển lãm ảnh với chủ đề về đất nước, con người, hợp tác phát triển Việt - Lào.
Mối quan hệ Việt - Lào càng thêm gắn bó, văn học-nghệ thuật của 2 nước càng có cơ hội trao đổi, giao thoa và làm giàu lẫn nhau qua những chuyến đi thực tế sáng tác của các văn nghệ sĩ được tổ chức trong thời gian qua. Trong đó, có thể kể đến chuyến đi giao lưu nghệ thuật của Đoàn họa sĩ Đà Nẵng vào năm 2009 do họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố làm trưởng đoàn. Ông Dũng cho biết, trong thời gian ở nước bạn, Đoàn đã được ông Bounthieng, Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật kiêm Chủ tịch Hội Mỹ thuật và người dân đất nước Triệu voi tiếp đón nồng nhiệt và mời tham quan các di tích cổ tại thủ đô Vientiane, cố đô di sản văn hóa Louangpharabang, Mask Gallery của Hội Mỹ thuật Lào, gặp gỡ và trao đổi về sáng tác và hướng hợp tác giao lưu để cùng đẩy mạnh hoạt động mỹ thuật của hai Hội và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt - Lào. Đoàn đã tặng Hội Mỹ thuật Lào 4 bức tranh của các tác giả là thành viên trong đoàn để tri ân sự đón tiếp nồng hậu, giúp đỡ chân thành của nhân dân nước bạn.
Nhắc lại chuyến đi thăm Lào năm 2010, cả nhà thơ Thanh Quế và Ngân Vịnh đều rất xúc động khi cảm nhận được tình cảm thắm thiết như người nhà mà các bạn của đất nước Triệu voi đã dành cho mình. Là người làm nghệ thuật, có điều kiện được đi thăm nhiều quốc gia trên thế giới nhưng với 2 nhà thơ, sẽ không đâu có được cảm giác thân thuộc, bình yên đến như thế. Chỉ có ở Lào, người Việt Nam mới có thể nói chuyện mà không cần phiên dịch, và cũng chỉ nơi đây, mới có thể cảm được sợi dây gắn bó như đã quen nhau rất lâu từ lần gặp mặt đầu tiên. Tình cảm chân thành cũng như vẻ đẹp hoang sơ của con người, thiên nhiên Lào là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm hay của nhà thơ Ngân Vịnh và Thanh Quế, những bài thơ này được 2 ông chép tay và tặng lại Hội Nhà văn Lào ngay trong chuyến đi. “Những chiều vàng Viêng Chăn/ Bóng nghiêng vào ngọn gió/ Trong muôn vàn giấc ngủ/ Hoa Chămpa thơm rượu chảy ngược trời/ Người đến áp bàn tay, xin bình yên cho xứ sở”, “bình yên cho xứ sở” có lẽ chính điều này đã làm nên tính cách hiền hòa, chung thủy, yêu nghệ thuật và những giá trị truyền thống bao đời nay của người Lào”, nhà thơ Ngân Vịnh trải lòng.
Xuất phát từ tình cảm bền chặt này, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng luôn muốn đóng góp cho sự phát triển về văn học-nghệ thuật của Lào, đặc biệt là qua quá trình đào tạo, giúp đỡ các sinh viên Lào. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật, Ông Văn Sinh thì không một sinh viên Lào nào chọn chuyên ngành văn học-nghệ thuật để theo đuổi, mặc dù mỗi năm có hàng trăm sinh viên Lào sang Đà Nẵng học theo học bổng của UBND thành phố. “Việc các sinh viên Lào ưu tiên chọn kinh tế, khoa học hay nguyện vọng giúp đỡ các bạn phát triển kỹ năng điêu khắc đá, xây dựng làng điêu khắc đá nhưng vẫn chưa thực hiện được là trăn trở lớn nhất của Hội hiện nay. Hy vọng rằng, những vấn đề này sẽ được giải quyết sớm để góp phần phát triển hơn nữa văn học nghệ thuật - vốn có bề dày và ảnh hưởng trong khu vực của đất nước Triệu voi ”, ông Sinh chia sẻ.
MAI TRANG