Nhìn những người bệnh không đủ tiền để lo một bữa cơm cho mình đã khiến chị Nguyễn Thị Thi và cô Trần Thị Như (tiểu thương chợ Đống Đa) nảy ra ý tưởng nấu nồi cháo tình thương, đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp - dù chỉ là phần rất nhỏ - ấm lòng những bệnh nhân đang từng ngày chống chọi với các cơn đau triền miên.
Cô Trần Thị Như đang khuấy nồi cháo tình thương dành cho bệnh nhân nghèo. |
Mong muốn là vậy nhưng để có thể thực hiện lâu dài, thường xuyên nghĩa cử cao đẹp này lại là việc ngoài khả năng của chị Thi và cô Như.
Sau khi suy nghĩ kỹ, chị Thi đã tìm cách kêu gọi các tiểu thương chợ Đống Đa đóng góp cho nồi cháo. Việc đóng góp không phải được tất cả mọi người ủng hộ, khi mọi chuyện dường như vẫn rất mơ hồ và điều kiện kinh doanh buôn bán lại đang đình trệ trong toàn chợ. Chỉ khi những câu chuyện chân thực về cuộc sống khó khăn, tiền thuốc men phải chạy từng bữa, nỗi đau giữa các lần xạ trị của những bệnh nhân ung thư... được chuyền tai nhau giữa các tiểu thương, đã lay động những tấm lòng từ ái mà không cần lời kêu gọi, hiệu triệu nào. Tình yêu thương lan tỏa không ngừng, mọi người tự giác đóng góp tiền bạc và công sức với mong muốn giản đơn: nồi cháo ngon sẽ thành hiện thực, sẽ đến với người bệnh nghèo và nhất là phải được duy trì dài lâu.
Với sự hỗ trợ của tiểu thương chợ Đống Đa, nồi cháo được duy trì liên tục trong 7 tháng qua. Đều đặn, ngày thứ 3 của tuần thứ nhì và tuần thứ tư mỗi tháng, trong căn nhà nhỏ trên đường Cao Xuân Dục của chị Thi lại nhộn nhịp từ 5 giờ sáng. Người đi mua thịt, cà rốt, đậu cô-ve, bí đỏ... bảo đảm mọi thứ tươi ngon; người vo, ngâm 15kg gạo cho 3 nồi cháo. Dưới cái nắng oi ả trưa hè, các chị vừa thay phiên nhau nhanh tay thái nhỏ đậu, cà rốt, hành lá, ướp thịt, hầm bí đỏ vừa khuấy liên tục, để 3 nồi cháo bảo đảm độ nở đều của gạo và nhất là không để cháo cháy, vì nếu sơ suất mùi khê của cháo sẽ lấn át mùi thơm của các nguyên liệu, và nếu bị khê coi như phải bỏ cả.
Cô Như, 71 tuổi tâm sự: “Mặc dù tuổi đã cao nhưng tôi cảm thấy cuộc sống vui, khỏe có ý nghĩa hơn rất nhiều mỗi khi được tham gia nấu cháo. Cháo ngon không phải chỉ do người nấu, nó ngon vì được nêm nếm bằng tình cảm, tấm lòng của tất cả tiểu thương chợ Đống Đa. Nồi cháo không chỉ là tình cảm, tấm lòng của tiểu thương đối với người bệnh mà còn là cầu nối nghĩa tình giữa các chị em trong chợ với nhau”.
10 thùng cháo (28 lít/thùng), tương đương với 500 suất được các bệnh nhân ở Bệnh viện Đà Nẵng chào đón và “tiêu thụ” hết trong vòng... 15 phút. Bác Nguyễn Văn Hưng, hiện đang chăm vợ mổ tim ở Khoa Ngoại tim mạch xúc động cho biết: “Từ Quảng Nam ra đây chữa bệnh, thực sự tôi không biết chợ Đống Đa là chợ nào, ở đâu nhưng tôi rất cảm kích tấm lòng của các chị khi mang đến niềm vui, cảm giác được hiểu, được đồng cảm cho tất cả các bệnh nhân nghèo. Nhìn thấy vợ, mặc dù khó nhọc khi ăn nhưng vẫn ăn hết bát cháo là tôi hiểu, chắc chắn cháo ngon và bổ dưỡng”.
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, tiểu thương hàng bún mì vừa nhanh tay múc từng ca cháo nóng vừa chia sẻ, chị sợ nhất ánh mắt buồn bã, thất vọng của những bệnh nhân vì già yếu mà không thể xuống kịp để lấy cháo. Cảm giác day dứt như có lỗi đó khiến tất cả các chị, khi hết cháo phải thu dọn nhanh nhất có thể để đi như chạy trốn. Điều này không chỉ khiến nồi cháo lần sau nhiều hơn lần trước, mà còn thôi thúc các chị nấu thêm 100 lít sữa đậu nành và làm thêm 500 cái bánh nậm với mong muốn giản đơn: “Sẽ không còn ánh mắt buồn bã đến thắt lòng của những bệnh nhân nghèo”.
Với số lượng bệnh nhân quá đông trong khi số lượng cháo có hạn, các chị phải chuẩn bị 50 gói cháo, sữa để vào một bọc dành riêng cho bệnh nhân ung bướu, nơi tập trung những người bệnh nặng nhất, thường không thể tìm xuống để lấy cháo.
Được tận tay trao những gói cháo cho bệnh nhân ung bướu, tôi mới hiểu, có lẽ không nơi đâu, cái lạnh lẽo của thuốc, của trắng xóa màu tường, màu ga lại đáng sợ đến thế và chắc cũng chỉ ở nơi đây, tình cảm giữa người với người lại có thể đong đầy trong im lặng nhiều đến thế. Những gói cháo, sữa được các chị lặng lẽ gửi đến từng bệnh nhân mà đa phần đang nằm giữa vô vàn dây nhợ, ống chuyền... họ mệt đến mức chẳng nói được gì. Mà có lẽ, câu chữ cũng trở thành vô nghĩa trước ánh nhìn, nụ cười khó nhọc mà bệnh nhân và người “phát cháo” trao gửi đến nhau.
Đại diện cho tiểu thương chợ Đống Đa, chị Thi chia sẻ: “Mặc dù điều mà chúng tôi làm là quá nhỏ so với nỗi đau mà các bệnh nhân nghèo đang chịu đựng nhưng mong rằng, các nhà hảo tâm, các tổ chức nếu có thể, hãy cùng với tiểu thương chợ Đống Đa duy trì nồi cháo tình thương bởi chúng tôi tin rằng chỉ bằng những hành động nhỏ bé, yêu thương sẽ nhân lên mãi, lan tỏa mãi để cuộc sống bớt đi những mảnh đời bất hạnh”.
Bài và ảnh: MAI TRANG