(ĐNĐT - An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong lãnh hải Việt Nam. Theo tư liệu do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp, ĐNĐT xin giới thiệu với bạn đọc về tấm bản đồ này.
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã (trái) tặng bản vẽ lại An Nam đại quốc họa đồ cho UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: S.Trung/ĐNĐT |
Bản đồ này được đính sau cuốn Nam Việt dương hiệp tự vị “Dictationrium Anamitico - Latinum” xuất bản tại Serampore, Ấn Độ năm 1838. Bản đồ có chiều dài 80cm, ngang 44cm in trên loại giấy thường để in họa đồ. Nhan đề bản đồ được in bằng ba thứ tiếng: chữ Hán, chữ Quốc ngữ và chữ Latinh.
An Nam đại quốc họa đồ là một tài liệu phản ảnh sự tổng kết những hiểu biết sâu sắc và chính xác của người Phương Tây từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX về mối quan hệ giữa quần đảo Hoàng Sa và nước Đại Việt mà tác giả gọi là An Nam Đại Quốc. An Nam đại quốc họa đồ là một minh chứng rất hùng hồn khẳng định một cách rõ ràng:
1. Paracels là địa danh mà người Phương Tây chỉ quần đảo ở Biển Đông suốt thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX chính là Cát Vàng hay Hoàng Sa của Việt Nam. Trong bản đồ này có ghi chú “Paracels Seu Cát Vàng”. Tại Biển Đông không có đảo Hải Nam của Trung Quốc mà chỉ có đảo của Đại Việt. Đảo ở khoảng vĩ độ 170 Bắc và kinh độ hơn 1110 Đông, có vẽ một số đảo (bằng một số dấu chấm) và ghi hàng chữ "Paracel Seu Cát Vàng". Từ Seu ( tiếng La Tinh) = "có nghĩa là", Cát Vàng ( tiếng Nôm) tức là "Hoàng Sa" (tiếng Hán Việt). Paracel = Cát Vàng = Hoàng Sa, là một khẳng định rõ ràng nhất quán chứ không phải suy diễn như Tây Sa của Trung Quốc.
2. Trong An Nam đại quốc họa đồ không ghi đảo Hải Nam hay bất cứ đảo nào của các nước láng giềng và chỉ ghi "Paracel Seu Cát Vàng" mà thôi, chứng tỏ Paracel Seu Cát Vàng nằm trong lãnh thổ của An Nam Đại Quốc hay Đại Việt.
3. Địa danh Paracel ghi bên cạnh những chấm đánh dấu các đảo ở khoảng vĩ độ 160 Bắc (ngang vĩ độ cửa Tư Dung, Thừa Thiên ) lên đến vĩ độ 170 Bắc khoảng Cửa Tùng (Quảng Trị) và kinh độ 111,018 Đông. Điều này đã phản ảnh sự hiểu biết về Hoàng Sa của người Phương Tây đã rất chính xác và Hoàng Sa không còn chung với quần đảo Trường Sa nữa.
Trên phần đất liền ghi hàng chữ dài: "An Nam Quốc Seu Imperium Anamiticum" cùng hàng chữ "Cocincina interior" seu "An Nam Đàng Trong", ở phía Nam "Lũi Sầy" seu "Murus magnus separans Olim Utrumque regne " và "Cocincina exterior", Đàng Ngoài seu "Tunquinum", chứng tỏ nội dung bản đồ được vẽ không phải ở thời điểm 1838, mà đã được vẽ từ trước đó. Song bản đồ lại ghi các địa danh mới ra đời sau này như Bình Định Thành, Định Tường Thành... nên năm vẽ An Nam Đại Quốc Họa Đồ phải sau khi Nguyễn Ánh đã chiếm thành Qui Nhơn.
An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Taberd vẽ năm 1838. |
Tạp chí Hiệp hội Chu Bengal (The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol VI) đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels.
The Journal of the Asiatic Society of Bengal là tờ báo của Hội Á Châu của người Anh ở xứ Bengal. Trong số báo 6 và 7 của báo này đăng bài viết dài về Hoàng Sa của Việt Nam bằng Anh ngữ của giám mục Taberd với tiêu đề Pracel or Paracels (Cồn Vàng) có nội dung như sau:
“Pracel hoặc Paracels (Cồn Vàng). Tuy rằng cái thứ quần đảo này không có gì ngoài đá tảng và những cồn lớn, nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn lợi, vua Gia Long đã nghĩ tăng lãnh thổ bằng cách chiếm thêm cái đất buồn bã này. Năm 1816, ông đã tới long trọng cắm cờ và chính thức giữ chủ quyền các hòn đá này, mà hình như không một ai tranh giành với ông” [36, trag 11] (thực ra đây chỉ là một lần nữa Việt Nam lại tiếp tục tự khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Hoàng Sa mà thôi).
• Tạp chí Hiệp hội địa lý London (Anh) - “The Journal of the Geographycal Society of London” (năm 1849), GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels. GutzLaff đã viết bài báo “Geography of the Cochinchine Empire” đăng trong The Journal of the Geographical Society of London, trong vol. the 19th năm 1849, trang 97 có đoạn khá dài về Hoàng Sa như sau:
“Đây chúng tôi đáng lẽ không kể đến quần-đảo Cát Vàng nó ở gần bờ bể An-nam 15 đến 20 dặm và lan giữa các vĩ-tuyến 15 và 17 độ Bắc, và các kinh tuyến 111 và 113 độ Đông, nếu Vua xứ Cochin-china (Cochin-china là tên gọi xứ Đàng Trong do người phương Tây đặt thời bấy giờ - ĐNĐT) đã không đòi quần-đảo ấy là của mình, với nhiều đảo và ghềnh rất nguy-hiểm cho người hàng-hải. Không biết vì san hô hay vì lẽ khác mà các ghềnh đá ấy lớn dần; nhưng rõ-ràng nhận thấy rằng các đảo nhỏ ấy càng năm càng cao, và một vài cái bây giờ đã có người ở vĩnh-viễn, thế mà chỉ mấy năm trước sóng đã vỗ mạnh dập qua. Những đảo ấy đáng lẽ không giá-trị nếu nghề chài ở đó không phồn-thịnh và không bù hết mọi nguy-nan cho kẻ phiêu lưu. Từ lâu đời, những thuyền, phần lớn từ Hải-Nam tới, đã hằng năm đến thăm các bãi nổi nầy và tiến-hành cuộc viễn-du xa xa đến tận bờ đảo Bornéo.
Tuy rằng hằng năm hơn phần mười bị đắm, nhưng cá đánh được rất nhiều, đến đỗi không những bù hết mọi thiệt thòi, mà còn để lại món lợi rất to. Chính-phủ An-Nam thấy những lợi có thể mang lại nếu một ngạch thuế đã đặt ra, bèn lập ra những trưng-thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà mọi người ngoài tới đây đều phải trả, và để bảo-trợ người đánh cá bản-quốc. Vậy nên một cuộc giao-dịch lớn được dần dà gây nên và có cơ bành-trướng nhờ sự có rất nhiều cá tới trên các bãi nầy đẻ trứng. Một vài đảo có cây-cối cằn-cỗi, nhưng thiếu nước ngọt ; và những thủy-thủ nào quên mang theo nước trữ đầy đủ, thường bị lâm vào cơn khốn-đốn lớn”.
Tác giả còn viết rằng “Nếu vua xứ Cochinchina đã không đòi quần đảo ấy là của mình với nhiều đảo và ghềnh nguy hiểm cho ngành hàng hải, thì ông đã chẳng kể đến quần đảo Paracels (Cát Vàng) làm gì” [36,trg 12],[157].
Tuy tác giả ước lượng không chính xác khoảng cách từ bờ biển Việt Nam 15 - 20 dặm (Anh), song điều may mắn là tác giả lại định tọa độ rất chính xác giữa 150-170 vĩ độ Bắc và 1110- 1130 kinh độ Đông.
Như vậy, tác giả đã cho biết rõ rằng chính phủ Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình qua việc lập ra những trưng thuyền và thành lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam.
Khi phân tích các tư liệu Việt Nam và các tư liệu nước ngoài cũng như của Trung Quốc, chúng ta thấy rất rõ hầu hết tư liệu Việt Nam đều là tư liệu của nhà nước, minh xác rất rõ việc xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam qua các hoạt động khai thác kinh tế, cụ thể hoạt động của đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải do nhà nước quản lý, các hoạt động của dân các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… cùng các hoạt động của thủy quân, giám thành như xây dựng miếu, trồng cây, dựng bia, đặt cột mốc, đo đạc thủy trình … Còn tài liệu nước ngoài, trong đó có cả tài liệu Trung Quốc, phần lớn là nguồn tư nhân.
Các tài liệu cho thấy các nhà tu, nhà buôn, thám hiểm cũng đều khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracel và chính quyền Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình qua các thời đại.
An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Taberd soạn vẽ và xuất bản năm 1838, so với các bản đồ Việt Nam đương thời, công trình của Taberd có những đặc sắc sau:
- Cho đến thời điểm 1838, nước ta chưa có bản đồ nào vẽ theo phương pháp đồ học của phương Tây, ghi chép khá đầy đủ địa danh và được in khổ lớn (40×80cm) như An Nam đại quốc họa đồ. - Địa danh trên bản đồ được ghi bằng chữ quốc ngữ hoạc tiếng Latinh, gồm cả địa danh hành chính và tục danh, có thêm những địa danh do người ngoại quốc đặt ra. Việc khảo cứu địa danh cho thấy An Nam đại quốc họa đồ được soạn vẽ từ thời Gia Long.- An Nam đại quốc họa đồ là một tài liệu khách quan có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông trong lịch sử. - An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd đích thực là tài liệu có giá trị lịch sử mà không một bản đồ nào đương thời sánh kịp |
ĐNĐT